09:06 29/06/2019 Hải Phòng hiện nằm trong nhóm những địa phương có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lớn nhất cả nước, tuy nhiên chiếm tỷ trọng lớn trong đó là những sản phẩm gia công tại các doanh nghiệp vốn FDI. Bên cạnh đó, những năm gần đây xuất hiện thêm những mô hình “phi tiêu chuẩn”, tự phát trong các khu dân cư, nhiều nhất ở khu vực ngoại thành.
May mũ giày tại các cơ sở sản xuất gia công
Trong chuyến khảo sát công nghiệp nông thôn mới đây, phóng viên có dịp trao đổi với một cán bộ xã về dạng hình này. Vị cán bộ có lẽ chưa hiểu ý, lại tỏ ra tự hào, rằng ông đã góp công lớn để xây dựng được mấy mô hình như vậy. Theo ông, cái “công” lớn nhất là đã kéo được công nghiệp về nông thôn, đây là kết quả “công nghiệp hóa nông thôn” làm thay đổi bộ mặt, góp phần xây dựng... nông thôn mới.
Thoạt đầu tôi định tranh luận, rằng kéo công nghiệp về nông thôn khác hoàn toàn với “công nghiệp hóa nông thôn”, đại loại rằng “công nghiệp hóa” là trước kia anh gặt lúa bằng liềm, tuốt lúa bằng trục đá thì nay anh gặt bằng máy, tuốt lúa bằng máy, thậm chí là liên hợp máy… Nhưng lại lo sa đà vào chủ đề khác mà không có thời gian tìm hiểu sâu hơn theo mục đích của mình, tôi đành để nguyên cho “niềm tự hào” của vị cán bộ nọ trôi theo tự nhiên.
Đưa phóng viên vào một xưởng gia công mũ giày, vị cán bộ xã nọ cho biết, nền xưởng ngày trước là vườn thổ cư của nhà dân, với diện tích chừng hai sào đất trồng chủ yếu là chuối. Khoảng hơn chục năm trước con gái chủ nhà tên là T. dẫn mấy người Trung Quốc về khảo sát, sau đó xin lập xưởng. Vị cán bộ vui vẻ khoe: “Không như những nhà máy lớn tuyển chọn căn ke, ở đây già trẻ ai cũng được nhận, tiện cái là gần nhà, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ…”.
Ông này cho biết thêm, vì làm ăn được nên T. thuê thêm vườn của họ hàng, mới mở một xưởng nữa cũng trên địa bàn xã, tính cả hai xưởng cũng giải quyết được hơn 200 lao động.
Nhận xét về mô hình này, theo ông Nguyễn Văn H. - người có thâm niên trong ngành sản xuất giày dép, thì bản chất các xưởng gia công là phần “kéo dài” của các nhà máy lớn. Mấy năm gần đây mô hình này phát triển khá nhanh, bởi trong sản xuất công nghiệp, việc các nhà máy “chính quy” mở rộng đầu tư sẽ gặp khá nhiều trở ngại, nhất là các thủ tục hành chính, quy mô và nguồn vốn đầu tư, nguồn lực lao động…
Về thủ tục, việc xin thuê đất cũng như thiết lập các vấn đề liên quan đối với ngành sản xuất giày dép, may mặc hiện không được khuyến khích. Về quy mô và nguồn vốn, giả sử xây dựng một nhà máy sản xuất giầy cho 1.000 lao động, cần khoảng 2 héc-ta đất, thì theo quy định trong ấy ít nhất 30% diện tích đã phải dành xây dựng đường nội bộ, hồ cứu hỏa, dải cây xanh, kho chứa hàng, văn phòng điều hành…
Rồi đầu tư nhà xưởng tiêu chuẩn, hệ thống thiết bị PCCC, trạm điện độc lập, đánh giá tác động môi trường, xử lý rác thải… Chưa kể về lao động, không những gặp khó về tuyển dụng, mà còn phải giải quyết rất nhiều chế độ đãi ngộ như thu nhập, chi phí quản lý, các loại bảo hiểm, tranh chấp lao động… theo luật định, khiến không ít doanh nghiệp tìm mọi cách để lé tránh.
Cũng theo ông H., đơn cử trong ngành giầy, công nghệ sản xuất được thiết lập theo quy trình công đoạn, tính từ nguyên liệu gồm: Pha cắt nguyên liệu thành chi tiết; in trang trí chi tiết; may đấu chi tiết thành mũ giày; hoàn chỉnh ép đế và đóng gói thành phẩm. Trừ công đoạn cuối nhất thiết phải dùng thiết bị đặc chủng, kết cấu lớn khó di chuyển, còn lại tất cả các công đoạn khác đều có thể đem đi gia công thuê ở bên ngoài.
Trong khi để xây dựng các cơ sở gia công vệ tinh cơ bản không gặp nhiều khó khăn, chỉ cần thuê một khu đất vài trăm mét và thuê luôn chủ đất đứng ra lo các vấn đề về thủ tục, thậm chí là đứng tên lập doanh nghiệp trá hình. Như vậy, việc xé nhỏ gói đầu tư thành các xưởng gia công, sẽ giúp các nhà sản xuất giải được bài toán kinh tế lớn, chủ yếu là trốn được các chi phí liên quan đến quản lý.
Có một điều trùng lặp, là hầu hết các xưởng gia công kiểu này có liên quan đến lao động Trung Quốc. Kết quả khảo sát cho thấy, trên địa bàn thành phố có khá nhiều nhà máy sản xuất giày dép, may mặc đến từ Đài Loan và Hồng Kông, họ thuê cán bộ quản lý chủ yếu là người Trung Quốc. Sau khi thông thổ, một số cán bộ quản lý này tách ra rủ công nhân Việt Nam lập xưởng gia công vệ tinh.
Những công nhân Việt Nam chính là “chủ xưởng” như đã nói trên, mặt khác khi đầu tư máy móc, chi phí lớn nhất là vài chục chiếc máy may công nghiệp, theo giá thị trường hiện bình quân chỉ khoảng 10 triệu đồng/chiếc. Nhìn chung các mô hình gia công cơ bản không phải là công nghệ, không làm ra thành phẩm, đơn thuần chỉ là công đoạn bán thành phẩm, đầu tư nhỏ và rất thụ động về việc làm, giá trị gia tăng thấp.
Chính vì đầu tư nhỏ nên thời gian gần đây, không ít người nước ngoài chẳng cần bỏ ra chi phí nào, ngoài việc nắm đầu mối nguồn hàng gia công. Vì việc đầu tư nhà xưởng, máy móc được chuyển dần sang cho chính người lao động theo mô hình kiểu hợp tác xã. Nhưng vấn đề ở chỗ, tại sao khi những người đứng ra lập xưởng đã bỏ việc tại nhà máy lớn mà họ vẫn giữ được quan hệ để “moi” được việc làm?
Liệu đây có phải là sự tính toán của các ông chủ lớn, mà bản thân các “cai” chỉ thực thi nhiệm vụ do các ông chủ thật sự đứng sau giật dây? Hiện nay mô hình xưởng gia công kể trên có mặt hầu hết ở các huyện, một số quận mới thành lập còn nhiều quỹ đất, tập trung chủ yếu vào các ngành may mũ giầy, quần áo, in lưới, mài đế giầy…
(Còn nữa)
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết