15:48 11/05/2022 Trong những ngày qua, đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trực tiếp họp với lãnh đạo các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong khu để bàn giải pháp góp phần tiêu thụ thủy sản Cát Bà. Đây là việc làm có nhiều ý nghĩa, thể hiện sự chung tay, góp sức, cộng đồng trách nhiệm, tất cả vì sự phát triển của du lịch Cát Bà nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.
Vì một Cát Bà xanh
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, thời gian tới, UNESCO sẽ họp để quyết định công nhận vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới phát triển du lịch của Hải Phòng và cả nước. Một trong những điều kiện đặt ra là phải bảo đảm các yếu tố, quy định về môi trường trên vịnh.
Do đó, thành phố quyết tâm rất cao di dời, sắp xếp lại 440 lồng bè trên các vịnh. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là lượng thủy sản trên các lồng bè còn rất lớn. Vì vậy, Ban Quản lý Khu Kinh tế mong muốn các doanh nghiệp trong các KCN cùng đồng thuận, chung tay góp sức tiêu thụ thủy sản Cát Bà với các hình thức phù hợp, góp phần đắc lực để đẩy nhanh tiến trình đưa vịnh Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chủ trì nhiều cuộc họp bàn biện pháp phối hợp tiêu thụ thủy sản Cát Bà
Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh cho biết, hiện số thủy sản trên các lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà còn rất lớn, lên tới hàng nghìn tấn. Trong đó chủ yếu là cá song (2370 tấn), cá sủ sao 517 tấn, cá vược hơn 300 tấn, các loại cá khác mỗi loại 50-70 tấn… Thực hiện chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, đến nay huyện Cát Hải đã tháo dỡ, di dời được gần 200 lồng bè. Nếu có thêm sự góp sức của các doanh nghiệp trong KCN tiêu thụ thủy sản Cát Bà thì việc di dời các lồng bè sẽ nhanh hơn theo đúng kế hoạch của huyện và thành phố.
Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh mong muốn các doanh nghiệp trong KCN cùng chung tay góp sức tiêu thụ thủy sản Cát Bà
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh, việc tham gia tiêu thụ thủy sản Cát Bà là hoàn toàn tự nguyện, trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm vì sự phát triển chung của thành phố. Sự tham gia của doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ đều được trân trọng, ghi nhận.
Với 12 KCN, hơn 500 doanh nghiệp và hơn 180.000 lao động, nếu các doanh nghiệp cùng tham gia sẽ là một lợi thế lớn để đẩy nhanh quá trình di chuyển các lồng bè, vì một Cát Bà xanh và phát triển du lịch Hải Phòng xanh. Việc Cát Bà cùng với Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho du lịch Cát Bà, mang lại những lợi ích to lớn về KTXH, là niềm tự hào của người dân Hải Phòng.
Với ý nghĩa đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chủ động phối hợp với huyện Cát Hải để thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy; nghị quyết của HĐND thành phố; kế hoạch của UBND thành phố.
Nhiệt tình hưởng ứng
Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và được các đồng chí lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế; huyện Cát Hải trực tiếp tuyên truyền, vận động, nhiều doanh nghiệp trong các KCN hào hứng tham gia.
Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN nam cầu Kiền là một trong những doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng chủ trương này. Vốn rất say sưa và luôn ủng hộ mọi ý tưởng phát triển xanh, bảo vệ và gìn giữ môi trường, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Shinec đã trực tiếp vận động các doanh nghiệp trong KCN tham gia. Những chuyến xe chở thủy sản Cát Bà về KCN được các doanh nghiệp cử người trực tiếp tới nhận. Có doanh nghiệp sẽ đưa vào bếp ăn tập thể; có doanh nghiệp mua tặng cho người lao động. KCN nam cầu Kiền coi đây là sự đóng góp thiết thực vì một môi trường xanh.
Ông Phạm Hồng Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec vận động nhiều doanh nghiệp trong KCN nam cầu Kiền tham gia tiêu thụ thủy sản Cát Bà
Đáng chú ý, tại các cuộc họp, các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài rất quan tâm tới chủ trương của thành phố và tự nguyện tham gia. Ngay tại các cuộc họp, các doanh nghiệp đã đăng ký số lượng cụ thể. Đại diện KCN An Dương cho biết, đã nghe tiếng rất lâu về thủy sản Cát Bà nên coi đây là cơ hội để được thưởng thức thủy sản Cát Bà tươi ngon, giá cả phải chăng.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc trong các KCN ngoài đăng ký cho mình còn khẳng định sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp trong KCN cùng tham gia. Doanh nghiệp cho rằng, cách làm của Ban Quản lý Khu Kinh tế và huyện Cát Hải rất phù hợp. Các thông tin về địa chỉ liên hệ; chủ hộ lồng bè; giá cả; số lượng các loại thủy sản; phương thức vận chuyển rất rõ ràng, cụ thể nên doanh nghiệp đăng ký mua thủy sản rất thuận lợi. Bởi vậy, có doanh nghiệp đăng ký mua 1-1,5 tấn, nhưng cũng có một số doanh nghiệp như Công ty Đại Thắng tại KCN nam cầu Kiền mua 5 tấn…
Doanh nghiệp nước ngoài trong KCN nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tiêu thụ thủy sản Cát Bà
Lãnh đạo huyện Cát Hải cho biết, ngay sau các cuộc họp của Ban Quản lý Khu Kinh tế, nhiều doanh nghiệp trong KCN đã cử người trực tiếp ra Cát Bà tham quan các lồng bè và đặt hàng. Sau hơn 1 tuần, số lượng thủy sản tiêu thụ đã lên tới hơn 45 tấn và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. UBND huyện Cát Hải cử người trực tiếp phối hợp với các doanh nghiệp, bảo đảm thủy sản tại các lồng bè được vận chuyển tới các doanh nghiệp với chất lượng tốt nhất. Qua đó cho thấy, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã tích cực vào cuộc và đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, đáng hoan nghênh.
Hồng Thanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết