Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên kết nối, hợp tác: Mở ra không gian phát triển rộng lớn, hứa hẹn nhiều đột phá mới (kỳ 2)

14:50 03/08/2022

Kỳ 2: Rõ định hướng, rõ mục tiêu và nhiệm vụ Điểm khác biệt trong mối liên kết cấp vùng giữa 4 địa phương lần này không chỉ là sự thống nhất cao về ý chí và hành động mà còn là sự hoạch định rất rõ ràng và cụ thể các công việc cần làm, cách thức thực hiện. Điều đó cho thấy mối liên kết này có tính khả thi rất cao và hiệu quả rất lớn.

                                                            Hình thành Hội đồng kết nối vùng

          Từ định hướng và mục tiêu đó, 4 địa phương đã thống nhất thành lập thành lập Hội đồng kết nối vùng.  Lãnh đạo các địa phương nhất trí giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 địa phương; đồng Chủ tịch Hội đồng sẽ luân phiên là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Ban thư ký hội đồng đặt tại VCCI. VCCI sẽ phát huy đội ngũ chuyên gia và các thế mạnh của VCCI trong kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các Bộ, ngành và các đối tác quốc tế để cùng 4 tỉnh, thành phố tạo nên một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương.

                                                           

Lãnh đạo 4 địa phương ký kết thỏa thuận hợp tác

          Cũng theo VCCI, một chủ thể rất quan trọng của kết nối kinh tế là các doanh nghiệp. Vì thế, trong khuôn khổ sáng kiến, VCCI sẽ hỗ trợ thành lập và triển khai hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp vùng.

           Đáng chú ý, Diễn đàn Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông được tổ chức đồng thời với Kỳ họp 3 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (kỳ họp ABAC3) do VCCI đăng cai tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Gần 150 đại biểu quốc tế của 21 nền kinh tế APEC đã đến Hạ Long tham dự hội nghị, trong đó có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới, có doanh thu hàng chục tỷ USD như NEC, UPS, Marubeni, Quanta, Sinochem, Acer… Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã tham gia Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông cho biết, họ rất quan tâm và sẽ tới tìm hiểu kỹ các cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư tại 4 địa phương.

                                                                      Định hình rõ các công việc cần làm

          Lãnh đạo 4 địa phương xác định rõ mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021- 2025 bao gồm: phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư (các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của 4 địa phương cao hơn bình quân chung cả nước, nằm trong top 20 địa phương đứng đầu cả nước); chất lượng quản trị kinh tế giữ vị trí nhóm đầu cả nước; mỗi năm có ít nhất 4 hoạt động chung cấp vùng về xúc tiến thương mại và đầu tư; liên kết và hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các KCN, chuỗi sản xuất và cung ứng của 4 địa phương; hình thành cơ chế liên kết cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của 4 địa phương, phấn đấu đạt hơn 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025...

     Có 8 nội dung liên kết chính gồm:  xúc tiến thương mại đầu tư;  giao thông và logistics; phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch; cải thiện môi trường kinh doanh; đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; liên kết phát triển nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…

                                                                      

Trục cao tốc phía Đông bao gồm Hà Nội- Hải Phòng- Hạ Long- Vân Đồn- Móng Cái mở ra dư địa phát triển rộng mở cho cả 4 địa phương

          Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ hậu cần  logistics của Hải Phòng  trong khuôn khổ liên kết giữa 4 địa phương để đề ra  các giải pháp phù hợp.  Phân tích rõ những thuận lợi và khó khăn, hạn chế, thành phố Hải Phòng đề xuất một số giải pháp cụ thể.

     Theo đó, các  tỉnh trên trục  cao tốc kinh tế phía đông Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên cùng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo tập trung các  nguồn vốn để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của trục kinh tế như:  tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mới song song với tuyến đường  bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với  các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, tuyến đường sắt Yên  Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, bao gồm cả đoạn kết nối Nam Hải Phòng - Hạ Long để phát huy lợi thế về đường sắt kết nối qua cả 4 tỉnh của trục kinh tế  cao tốc với hệ thống cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

     Cùng với đó, thực hiện nâng cấp, cải tạo các  tuyến đường thủy kết nối với các địa phương trong khu vực (đẩy nhanh tiến độ  nâng cấp cầu Đuống để nâng cao năng lực các tuyến vận tải hàng hóa đường  thủy, đặc biệt là hàng container). Đồng thời, tiếp tục phối hợp trong đầu tư xây dựng, hoàn thành các công trình kết  nối giữa các địa phương, kết nối liên vùng;  đẩy mạnh hợp tác trong công tác quy hoạch, đầu tư phát  triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, cảng biển,  cảng cạn, cửa khẩu để khai thác có hiệu quả các lợi thế nổi bật của mỗi địa phương; tăng cường các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại logistics; hợp tác phát triển thị trường dịch vụ logistics theo hướng cạnh tranh,  minh bạch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức  thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn 4 địa phương.

      Ngoài ra, cùng  hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiệp  vụ về mọi mặt của nhân viên hoạt động trong lĩnh vực logistics, đặc biệt quan  tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, đáp  ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

                                                       

                                             Sản phẩm nông nghiệp xanh của Hải Dương sẽ rộng mở hơn về đầu ra

                Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: sự liên kết giữa 4 địa phương  là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương nên  rất thực chất và không bị áp đặt bởi các mệnh lệnh hành chính. Đây là sự khác biệt đầu tiên của liên kết vùng.

     Cách thiết kế mô hình liên kết vùng này cũng rất khác biệt khi có sự tham gia điều phối từ VCCI với các chương trình hành động cụ thể. Mô hình liên kết mới này nếu thành công còn là một sự thử nghiệm về thể chế để có thể áp dụng ở phạm vi lớn hơn. Và để minh chứng cho sự đổi mới, khác biệt, quyết tâm cao đó, lãnh đạo 4 địa phương cùng ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông với các nội dung cụ thể, sát thực, cùng hợp tác, cùng phát triển, xứng đáng là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động nhất cả nước./.

                                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông