09:46 05/10/2018 Sau 30 năm thực hiện thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, đến nay, Quảng Ninh đã và đang trở thành địa phương thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn của cả nước...
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Tập đoàn Amata (Thái Lan), tháng 3-2018. Ảnh: Hùng Sơn
Những giải pháp “mạnh”
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, đứng trước bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư, thể hiện rõ nét nhất quyết tâm của tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm thu hút tối đa nguồn lực đầu tư FDI.
Theo đó, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, đánh giá lại môi trường, chính sách thu hút đầu tư. Để tạo môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh tích cực xây dựng nhiều đề án lớn với các giải pháp đột phá được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế chung của cả nước.
Năm 2012, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA Quảng Ninh). IPA Quảng Ninh hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, với vai trò thực hiện chiến lược dài hạn thay vì ngắn hạn trong quá trình chuyển đổi tập trung thu hút đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, khu kinh tế); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…
Quảng Ninh cũng tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, “nút thắt” về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được tỉnh quyết liệt thực hiện. Việc kết nối đồng bộ từ tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc, cảng biển, sân bay, đã và đang tạo sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh.
Tỉnh cũng đã sớm hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu xúc tiến đầu tư Quảng Ninh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về xúc tiến đầu tư, chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, hệ thống hóa và chuyên nghiệp hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn quốc tế...
Từ chỗ đứng ở tốp giữa về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tốp cuối về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh Par Index, đến nay tỉnh đã vươn lên đứng đầu các chỉ số này. Chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh cũng được xếp hạng nằm trong các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Qua đó, tiếp tục tạo được niềm tin của các nhà đầu tư khi đến với tỉnh, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt là tư duy của những người đứng đầu tỉnh luôn luôn đổi mới, sáng tạo và nhất quán quan điểm trong chỉ đạo, điều hành. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để những nhà đầu tư FDI như chúng tôi đến và gắn bó lâu dài với tỉnh. Không những vậy, chúng tôi còn sẵn sàng làm cầu nối giữa tỉnh với những nhà đầu tư FDI khác”...
Tầm nhìn dài hạn
Từ năm 1989 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được hơn 200 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 6,5 tỷ USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,4 tỷ USD; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư.
Lũy kế vốn đầu tư thực hiện đến thời điểm hiện tại ước đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 76% tổng vốn đăng ký. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: Du lịch, dịch vụ, khách sạn, công nghiệp, khai khoáng, sản xuất sợi, vật liệu xây dựng... Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, hiện Quảng Ninh đang nằm trong danh sách các địa phương có dự án FDI được cấp phép mới cao của cả nước.
Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó xác định thu hút vốn FDI có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán là không phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà là thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân...
Trong đó, tỉnh chú trọng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: TP Hạ Long, KKT Vân Đồn và Móng Cái...
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, coi du lịch, dịch vụ là mũi nhọn trong giai đoạn 2016-2020. Song song với đó là đa dạng hoá các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ trọng của vốn FDI vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh tiếp tục khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu và triển khai mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP).
Xác định rõ địa bàn trọng điểm, đối tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để xúc tiến đầu tư. Thị trường mục tiêu là các nước: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông.
NHẬT LAM tổng hợp
Công an quận Kiến An tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Ngọc Vinh về tội Gây rối trật tự công cộng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: 7 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video clip “nhạy cảm” để tống tiền
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão