18:42 17/11/2019 5 năm qua, Ban Chỉ đạo 799 thành phố Hải Phòng đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả việc triển khai Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới”. Những kết quả đạt được đã góp phần đắc lực trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng ngừa, trấn áp tội phạm của mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.
Tuyên truyền, vận động - nhiệm vụ hàng đầu
Là thành phố Cảng biển lớn nhất phía Bắc, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng đang là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tới thời điểm này, thành phố có tới trên 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 700 doanh nghiệp cấp thành phố quản lý; 19 khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế với trên 130.000 lao động.
Bên cạnh đó, trên địa bàn có 148 cơ quan, trường học của Trung ương và địa phương với trên 160.000 học sinh, sinh viên; 36 bệnh viện và trung tâm y tế. Những lợi thế trên đã mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của thành phố nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT, TTATXH; đặc biệt là trong các cơ quan, doanh nghiệp (CQDN), nhà trường.
Xuất phát từ thực tế trên, từ năm 2014, ngay sau khi Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong CQDN, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới” được ban hành, Ban Chỉ đạo 799 thành phố Hải Phòng đã xác định việc phát triển mạnh mẽ phong trào trong CQDN, nhà trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng; là động lực thúc đẩy các mặt kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt tham mưu và tổ chức thực hiện.
Từ nhận thức trên, Ban chỉ đạo đã quán triệt Công an các quận, huyện cũng như các ngành thành viên xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm triển khai sâu rộng các nội dung của Chỉ thị 07 đến từng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, đảng viên và nhân dân nhất là trong các CQDN, nhà trường.
Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các ban, ngành, tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: sử dụng loa truyền thanh và các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt chính trị cùng các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ” và ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Đặc biệt, các cấp, ngành đã lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với việc phát động các phong trào thi đua khác của đơn vị, địa phương; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cá biệt.
Đáng ghi nhận, tại các trường học, Công an các quận, huyện đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy cũng như các phương thức, thủ đoạn mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho trên 105.000 lượt học sinh, sinh viên cấp học; tổ chức triển lãm panô ảnh, phát 58.750 tờ rơi và tuyên truyền trực tiếp về Luật Giao thông đường bộ cho 53.760 giáo viên, học sinh khác trên địa bàn..., góp phần chủ động phòng ngừa các tai tệ nạn xã hội trong lứa tuổi học đường.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với các ban, ngành chức năng thành phố tổ chức gần 300 lớp tập huấn cho trên 19.250 cán bộ MTTQ các cấp và nhân dân về TTATGT; phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm; bảo vệ môi trường; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ... Đặc biệt, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo Công đoàn các cơ sở tổ chức 15.367 cuộc tuyên truyền Chỉ thị, Nghị quyết, Luật Lao động, phòng chống tệ nạn xã hội... cho hàng vạn người lao động; in, phát hành 16.500 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về phòng chống ma túy, HIV/AIDS.
Những thông điệp quan trọng được truyền tải đã góp phần không nhỏ giúp CBCNV, người lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời tăng cường ý thức cảnh giác, bảo vệ ANTT ngay tại nơi làm việc. Ngoài ra, các tổ chức đoàn, hội như: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam thành phố cũng tổ chức hàng trăm chương trình giao lưu, khóa tập huấn, buổi truyền thông về phòng chống tội phạm cùng các diễn đàn phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, thu hút đông đảo người tham gia...
Ngoài ra, công tác tổ chức, xây dựng lực lượng, tập huấn, trang bị cho lực lượng bảo vệ chuyên trách đã được các CQDN, nhà trường đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, CATP đã tổ chức 12 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 1.401 cán bộ bảo vệ trên địa bàn. Nhờ đó, trình độ chuyên môn của lực lượng này không ngừng được nâng cao, góp phần đắc lực trong chủ động phòng ngừa, giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Nhiều mô hình hay được nhân rộng
Có thể khẳng định một trong những dấu ấn đậm nét nhất của phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trong CQDN, nhà trường giai đoạn 2014-2019 chính là việc xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết, tự quản về ANTT hoạt động hiệu quả. Trong 5 năm, toàn thành phố đã xây dựng mới 27 mô hình. Tất cả đều được xây dựng theo quy trình 6 bước, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong giai đoạn mới; đáp ứng, giải quyết được nhu cầu, lợi ích chính đáng của CQDN, trường học trên địa bàn, góp phần không nhỏ trong việc giữ vững ANTT, TTATXH.
Điển hình phải kể tới mô hình “Liên kết bảo đảm ANTT 4 xã thuộc huyện An Dương với Khu Công nghiệp Tràng Duệ”. Sau khi triển khai và đi vào hoạt động, mô hình đã đóng góp không nhỏ trong công tác GPMB cho dự án; đồng thời đấu tranh kiên quyết với tội phạm có tổ chức tranh giành bến bãi, thu mua phế liệu; các đối tượng hình sự và tệ nạn xã hội hoạt động tại khu Công nghiệp; hạn chế và giải quyết tốt việc đình công, lãn công…; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an với CQDN, người lao động, đặc biệt được các doanh nhân là người nước ngoài tin tưởng và nhiệt tình hưởng ứng.
Cùng với đó là mô hình liên kết “Trường - Phường” giữa Trường Đại học Hải Phòng với các ban, ngành chính quyền địa phương. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường và các phường: Ngọc Sơn, Trần Thành Ngọ (quận Kiến An); Đồng Quốc Bình, Cầu Tre, Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền), sau 5 năm được triển khai, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hải Phòng đã cung cấp cho lực lượng Công an hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT; phối hợp vây bắt 4 đối tượng tàng trữ, sử dụng ma túy, 3 đối tượng truy nã, 6 đối tượng cướp giật tài sản, 1 đối tượng đe dọa giết sinh viên, 20 đối tượng trộm cắp; xóa 1 tụ điểm cờ bạc, 7 vụ đánh bạc.
Đồng thời, đơn vị còn kết hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 220 lượt nhà trọ, hòa giải 15 vụ mâu thuẫn xô xát giữa học sinh, sinh viên với thanh niên địa phương. Từ những kết quả trên, mô hình đã được Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng trên toàn quốc.
Một mô hình khác cũng đã được Bộ Công an ghi nhận, nhân rộng là mô hình “Liên kết bảo đảm ANTT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp”. Được triển khai từ năm 2016, sau 3 năm đi vào hoạt động, tình hình ANTT bên trong và ngoài Bệnh viện đã đổi mới toàn diện. Theo đó TTCC, TTATGT xung quanh Bệnh viện được bảo đảm, không còn tình trạng đối tượng nghiện vào bệnh viện chích hút, mua bán ma túy.
Các vụ phạm pháp hình sự giảm hơn 80%. Đặc biệt, trong thời gian qua, tại đây không xảy ra các vụ hành hung y, bác sỹ. Các nhóm thanh niên đánh nhau ngoài xã hội theo người bị thương vào bệnh viện gây rối đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tình trạng ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm đã được cải thiện đáng kể.
Cùng với đó, thông qua mô hình các lực lượng liên kết đã huy động được sức mạnh tổng hợp giải quyết hiệu quả các tình huống phức tạp, góp phần xây dựng Bệnh viện ngày càng văn minh - an toàn, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám và chữa bệnh cho nhân dân thành phố và khu vực vùng Duyên hải Bắc bộ.
Có thể khẳng định, qua 5 năm triển khai Chỉ thị 07, công tác bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” tại các CQDN, nhà trường trên địa bàn Hải Phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố.
Cũng từ đây nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ giữ gìn ANTT của cấp ủy, thủ trưởng nhiều CQDN, nhà trường được nâng lên rõ rệt. Công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” đã được đổi mới cả về nội dung và hình thức, gắn kết với các phong trào cách mạng khác do Đảng và Nhà nước phát động.
Đặc biệt, các mô hình phong trào được xây dựng không chỉ tăng về số lượng mà đảm bảo về chất lượng, giải quyết hữu hiệu nhiều vấn đề bức thiết phát sinh từ thực tiễn. Từ đó, phong trào càng thu hút được đông đảo cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động tích cực tham gia, đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, quần chúng tiêu biểu trong phòng ngừa và trấn áp tội phạm.
Hải Ngân
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết