“65 năm Nhựa Tiền Phong - Dòng chảy khát vọng”: Kỳ 1 - Nhựa Tiền Phong, mái nhà chung của nhiều thế hệ công nhân

    Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) không ngừng lớn mạnh về cả chất lẫn lượng, luôn tiên phong trên nhiều lĩnh vực. Có được những gì như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, chung sức, chung lòng của cán bộ, công nhân Nhựa Tiền Phong...

    NỀN MÓNG XÂY NÊN NGÔI NHÀ CHUNG NHỰA TIỀN PHONG 

    Với người Hải Phòng, cái tên Nhựa Tiền Phong được xem như biểu tượng của tinh thần vượt khó, đương đầu với mọi thử thách để vững bước phát triển vươn ra biển lớn. Từ những thế hệ cán bộ, công nhân viên đặt viên gạch đầu tiên dựng nên nền móng vững chắc cho doanh nghiệp đến các thế hệ tiếp nối, Nhựa Tiền Phong luôn là một tập thể gắn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước và thành phố.

    131361051-1616687292053668-5197771911267220979-n-1608173341

    Đồng chí Vũ Anh - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ - cắt băng khánh thành Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, ngày 19/5/1960

    Vào đúng ngày 19/5/1960, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Bác Hồ, Chính phủ đã chính thức có quyết định thành lập nhà máy nhựa. Tại Kỳ họp lần thứ 12, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặt tên “Nhựa Thiếu niên Tiền Phong” cho nhà máy. Đây là một vinh dự đặc biệt, một dấu ấn lịch sử quan trọng của Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong vì cho đến nay, rất ít xí nghiệp, nhà máy được Quốc hội trực tiếp ra quyết định thành lập.

    Sau khi thành lập, nhà máy sớm đi vào ổn định sản xuất. Đội ngũ đảng viên của nhà máy là những người có phẩm chất chính trị, có chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp và là lực lượng nòng cốt trong quá trình sản xuất. Hội đồng chất lượng, Ban cải tiến - sáng kiến - phát minh cũng được thành lập nhằm phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ công nhân.

    Empty

     

    Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 1995-2004

    Tháng 9/1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 đã đề ra Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tiến hành cải tạo kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên CNXH. Phong trào thi đua được phát động trên toàn miền Bắc. Đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng đây cũng là lúc những cán bộ, công nhân Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong bừng lên khí thế thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động.

    Từ nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng phục vụ thiếu nhi, nhi đồng như: các loại đồ chơi, học cụ… ban đầu, nhà máy đã kịp thời chuyển hướng sản xuất các mặt hàng phục vụ cho dân sinh và quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

    Empty

     

    Những năm tháng chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, Nhựa Tiền Phong chỉ vỏn vẹn có 200 người nhưng đã đóng góp 2.000 ngày công đào đắp trận địa pháo, hào giao thông. Rồi sau đó, không ít người đã xung phong đi trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Lực lượng còn lại vừa là nòng cốt lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà máy - ngôi nhà chung các thế hệ công nhân Nhựa Tiền Phong.

    Từ năm 1986, khi nước ta bước vào giai đoạn đổi mới, chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu của xã hội cũng thay đổi, đòi hỏi sự đa dạng, phong phú chủng loại và khắt khe về chất lượng sản phẩm. Những sản phẩm truyền thống của Nhựa Tiền Phong như đồ chơi trẻ em, dép nhựa, bóng bàn… đã không còn phù hợp.

    Thêm vào đó, sau gần 30 năm hoạt động, trong đó có đến 10 năm hoạt động trong tình trạng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, các trang thiết bị của nhà máy đã “già cỗi”, thiếu phụ tùng thay thế... Hoạt động của nhà máy khi đó thường đối mặt với tình trạng bị động, khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, từ lãnh đạo đến công nhân Nhựa Tiền Phong, chưa ai vì khó khăn mà bỏ cuộc.

    Sau nhiều cuộc họp, nhiều lần bàn thảo, với tư duy “bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có”, lãnh đạo của Nhựa Tiền Phong khi đó đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử - thay đổi sản phẩm truyền thống. Chỉ trong một thời gian ngắn, công ty đã sản xuất ra hạt nhựa có năng suất cao, sản xuất được ống nhựa, tôn lợp nhà… Đây là một động thái được coi là đi trước đón đầu, phục vụ hàng loạt công trình xây dựng, công trình cấp thoát nước trên cả nước, đánh dấu một bước phát triển thành công của Nhựa Tiền Phong. Và cũng kể từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhắc đến Nhựa Tiền Phong là nhắc đến sản phẩm ống nhựa.

    Năm 1992, Nhựa Tiền Phong chính thức được vận hành theo mô hình công ty. Năm 2004, Nhựa Tiền Phong tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2006, cổ phiếu của Nhựa Tiền Phong được niêm yết với mã chứng khoán “NTP”. Trong giai đoạn hiện nay, Nhựa Tiền Phong đang cung cấp hơn 10.000 chủng loại sản phẩm của 3 dòng nhựa chính HDPE, PPR, PVC, khẳng định vai trò tiên phong và không ngừng phát triển trong ngành công nghiệp nhựa.

    Empty

     

    Nhựa Tiền Phong luôn gắn liền với tôn chỉ mục đích “Chất lượng là trên hết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng"

    Hiện, Nhựa Tiền Phong vận hành 3 nhà máy sản xuất tại Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương với tổng công suất lên đến 260.000 tấn/năm, xây dựng mạng lưới phủ khắp mọi tỉnh thành với 12 trung tâm phân phối sản phẩm, 400 đại lý và hơn 26.000 điểm bán trên toàn quốc. Trong định hướng phát triển lâu dài, Nhựa Tiền Phong đặt ra mục tiêu tăng trưởng 10-15% mỗi năm và luôn gắn liền với tôn chỉ “Chất lượng là trên hết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng".

    NHỮNG GẠCH NỐI GẮN KẾT NGƯỜI LAO ĐỘNG 

    Trong lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển, thị phần, lợi nhuận, doanh số… là những thứ có thể đo đếm được, nhưng thế là chưa đủ khi nói đến Nhựa Tiền Phong. Có những giá trị khác tuy không định lượng được nhưng lại là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của công ty, đó chính là lòng yêu nghề, sự gắn bó, đoàn kết của lớp lớp thế hệ lãnh đạo, công nhân Nhựa Tiền Phong nối tiếp nhau, truyền lửa nhiệt huyết để cùng xây dựng mái nhà chung Nhựa Tiền Phong vững mạnh.

    Ông Phạm Hồng Sĩ, Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ, trong lịch sử 65 năm phát triển, Công ty CP Nhựa Tiền Phong luôn gắn kết sản xuất - kinh doanh với chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi người lao động. Đây là yếu tố then chốt giúp công ty đạt được những thành công vượt bậc; thắt chặt thêm sợi dây gắn kết giữa cán bộ công nhân viên với ban lãnh đạo công ty.

    Từ năm 2022, Nhựa Tiền Phong đã duy trì tổ chức chương trình đối thoại với người lao động để trao đổi về các chính sách mới, đồng thời lắng nghe ý kiến, góp ý của người lao động và cam kết tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho toàn thể cán bộ, công nhân viên.

    07IMG-8979

    Nhựa Tiền Phong xác định, đối thoại định kỳ luôn là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của các bên

    Mới đây nhất, vào tháng 7/2024, công ty đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Nâng cao chất lượng môi trường làm việc, năng suất, hiệu suất và thu nhập cho người lao động” giữa người lao động với Ban lãnh đạo công ty. Việc đối thoại định kỳ được ví như cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm của các bên; phát huy tính dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, để người lao động tận tâm, nỗ lực cống hiến cho công ty.

    Qua buổi đối thoại, ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cam kết sẽ ghi nhận tất cả ý kiến để có sự điều chỉnh các chính sách phù hợp, bám sát theo quy định chung của nhà nước để gia tăng tối đa các quyền lợi, phúc lợi, tạo môi trường làm việc tích cực, an toàn, chuyên nghiệp và bình đẳng. Qua đó, công ty không chỉ xây dựng văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp và gắn kết mà còn giúp con thuyền Nhựa Tiền Phong thêm vững chắc, vươn xa hơn trên chặng đường phát triển sắp tới.

    Empty

     

    Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT và ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trao tặng quà tri ân cán bộ công nhân viên công tác 45 năm

    Không chỉ gắn kết người lao động đương thời, Nhựa Tiền Phong còn là chiếc cầu nối bền vững giữa các thế hệ cán bộ, công nhân viên. Trong mắt nhiều người, Nhựa Tiền Phong không đơn thuần là nơi làm việc mà còn là một “mái nhà chung”, nơi truyền thống gia đình được tiếp nối qua nhiều thế hệ.

    Là gia đình có hai thế hệ làm việc tại Nhựa Tiền Phong nên từ nhỏ, ông Trần Nhật Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã gắn bó với những sản phẩm của Nhựa Tiền Phong như êke, quả bóng bàn, đôi dép nhựa trắng hay những câu chuyện về sản xuất mà bố mẹ kể lại và cả những kinh nghiệm đáng quý mà các cô chú trong khu tập thể chia sẻ.

    Niềm say mê cứ lớn dần và khi tốt nghiệp đại học Bách khoa năm 1992, ông đã ngay lập tức quay trở về công tác tại Nhựa Tiền Phong, tính đến nay đã gắn bó gần 33 năm với công ty. Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu rộng, ông Trần Nhật Ninh đã đưa ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để nâng cao chất lượng sản phẩm của Nhựa Tiền Phong và đảm nhiệm về các công tác chuyên môn kỹ thuật trong nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới…

    Nhựa Tiền Phong

    Trong lịch sử 65 năm phát triển, Công ty CP Nhựa Tiền Phong luôn gắn kết sản xuất - kinh doanh với chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi người lao động

    Ngoài ra còn phải kể đến chị Nguyễn Thị Thanh Hương, công tác tại Tổ ép phun phân xưởng 4, đã có gần 23 năm làm việc tại công ty. Chị Hương cho biết, ông bà chị là Trần Thái Hoàn và Nguyễn Thị Trinh là những người đã làm việc tại Nhựa Tiền Phong từ những ngày đầu thành lập. Đến giai đoạn những năm 1965-1968, bố mẹ chị là Nguyễn Văn Quang và Trần Thị Tuyết cũng vào làm tại nhà máy.

    “Sau nhiều năm gắn bó, các thế hệ trong gia đình tôi đều nhận thấy công ty không chỉ tích cực chăm lo cho người lao động mà còn hết sức quan tâm, khen thưởng kịp thời các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập, tổ chức lễ Trung thu, thăm tặng quà dịp Tết; tổ chức gặp mặt cán bộ, công nhân hưu trí... Năm nào gia đình tôi cũng vô cùng phấn khởi khi nhận được những phần quà Tết do công ty trao tặng vì có tới 4 thế hệ gắn bó với quá trình xây dựng, phát triển của Nhựa Tiền Phong. Cùng nhau vượt qua khó khăn, chăm sóc nhau khi đau ốm… đã gắn kết công ty và người lao động thành một khối không thể tách rời” - chị Hương xúc động chia sẻ.

    Tiếp nối truyền thống gia đình, anh Phạm Văn Mạnh, con chị Nguyễn Thị Thanh Hương, cũng vào làm tại Nhựa Tiền Phong từ năm 2016, hiện là công nhân công nghệ Nhà máy phụ tùng 2. Anh Mạnh cho biết: “Từ nhỏ, tôi hay được theo mẹ đến công ty dự liên hoan, nhận quà từ Công đoàn. Được nghe kể qua những câu chuyện của ông bà và mẹ, chẳng biết từ lúc nào, tôi đã cảm thấy yêu quý công ty. Sau gần 10 năm gắn bó, tôi rất xúc động trước sự quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau của đồng nghiệp cũng như những phúc lợi mà công ty dành cho người lao động. Từ lúc mới vào công ty đến giờ, tôi luôn được đồng nghiệp tận tình chỉ bảo, còn lãnh đạo thì tạo mọi điều kiện thuận lợi nên càng muốn gắn bó lâu dài như các cụ, như ông bà và mẹ tôi. Tôi cảm thấy công ty như một ngôi nhà thứ hai của mình vậy”.

    Những câu chuyện cha truyền con nối tại Nhựa Tiền Phong không phải là hiếm trong suốt quá trình 65 năm hình thành và phát triển. “Không ngừng đổi mới và sáng tạo” vì thế luôn là khẩu hiệu, là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho từng lớp cán bộ, công nhân viên cống hiến hết mình, xây dựng Nhựa Tiền Phong ngày càng vững mạnh, tạo dựng thêm nhiều thành tựu mới.

    TRÍ NGUYỄN

    22/12/2024