17:56 09/09/2020 Phiên họp Ủy ban Xã hội trong khuôn khổ AIPA-41 đã thông qua dự thảo Nghị quyết về vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), Phiên họp Ủy ban Xã hội đã diễn ra chiều 9/9 theo hình thức trực tuyến.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Phan Thanh Bình chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có đại diện các Nghị viện thành viên AIPA, Ban Thư ký AIPA 41.
Tạo dựng bản sắc chung
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng nêu rõ thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên quy mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đặt gánh nặng rất lớn lên hệ thống y tế của các quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia, cũng như các mục tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Trong thời kỳ khủng hoảng do dịch bệnh hiện nay, cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu, việc thúc đẩy mở rộng các phản ứng, cơ chế khẩn cấp, đảm bảo mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia.
Từ đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vắc-xin, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán sớm về các bệnh nguy hiểm, trang thiết bị y tế có chất lượng, để có giá cả phải chăng và công bằng là một trong những ưu tiên.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân, phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung, một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận, rộng mở, nơi cuộc sống, phúc lợi của người dân được nâng cao.
Để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm cùng lúc các trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch AIPA.
“Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng tôi khẳng định sẽ nỗ lực hết mình hợp tác cùng các nước thông qua các cơ chế, vị trí quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc và khu vực để thúc đẩy, nâng cao vai trò, vị thế của AIPA trở thành một tổ chức liên nghị viện hoạt động thực sự hiệu quả, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của mọi công dân ASEAN,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định.
Hướng đến sự phát triển bền vững trong khu vực
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các thách thức về dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực lao động, việc làm, văn hóa, giáo dục và dạy nghề, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải, rác thải...
Các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.
Đại diện Brunei chia sẻ, Brunei đoàn kết, nỗ lực ứng phó với thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra; trong đó tập trung 3 nhiệm vụ chính như đảm bảo sức khỏe người dân; hỗ trợ việc làm cho cá nhân; hỗ trợ các doanh nghiệp. Chính phủ thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh; xây dựng đường dây hỗ trợ y tế cho người dân.
Đại diện Malaysia đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia thành viên nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19 và cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các quốc gia ASEAN cần tăng cường đoàn kết để chiến thắng thách thức này.
Đại diện Malaysia đánh giá cao các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác thông qua cơ chế khu vực để đảm bảo nguồn cung thuốc men, trang thiết bị vật tư y tế; trao đổi kinh nghiệm, thông tin, các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; triển khai Trung tâm ứng phó khẩn cấp ASEAN để hỗ trợ rà soát tình hình dịch bệnh khu vực, phát hiện sớm ca nhiễm.
Việc kiểm soát, nghiên cứu rủi ro về dịch bệnh góp phần đưa ra biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hợp lý, kịp thời; đảm bảo cập nhật thông tin nhanh chóng, minh bạch.
Qua đó, các quốc gia nhanh chóng xác định từng làn sóng lây nhiễm của dịch COVID-19, tăng cường tính sẵn sàng toàn khu vực trong các tình huống khẩn cấp; kêu gọi nỗ lực hành động chung các quốc gia để tăng cường sức chống chịu của khu vực, hướng tới xây dựng khu vực tự cường, mạnh mẽ hơn.
Đại diện Malaysia mong muốn các nước thành viên thống nhất thông qua Dự thảo Nghị quyết để hỗ trợ người dân, thúc đẩy hợp tác Nghị viện thành viên AIPA, nâng cao vai trò các Nghị viện trong giai đoạn đầy thách thức này.
Chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Việt Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân với quan điểm "chống dịch như chống giặc" đồng thời thực hiện nguyên tắc “chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh.”
Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch COVID-19 và bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Việt Nam đã thực hiện cách ly các bệnh nhân và người tiếp xúc (F0, F1) 14 ngày; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh (thực hiện cách ly tập trung 14 ngày với tất cả các trường hợp nhập cảnh).
Trong phòng và điều trị COVID-19, Việt Nam đã chủ động sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở; nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19.
Việt Nam chủ động xây dựng phác đồ điều trị dịch bệnh; ứng dụng công nghệ trong khai báo y tế (ứng dụng NCOVI), cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 (ứng dụng Bluezone).
Bên cạnh thực hiện các biện pháp y tế, Việt Nam cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh như thực hiện các chính sách về miễn, giảm hoặc gia hạn nộp thuế; hạ lãi suất cho vay... để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; trợ cấp đối với một số nhóm đối tượng; phát động cuộc vận động "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19" với tính thần “lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam.
Ngoài ra, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tung tin giả về dịch bệnh gây hoang mang dư luận; hành vi không chấp hành cách ly, khai báo y tế; hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, đưa người nước ngoài đang ở Việt Nam về nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh, từ cuối tháng 7 đến nay, khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh, với nhiều khó khăn, thách thức hơn, Việt Nam đã bình tĩnh, cảnh giác.
Theo đó, chỉ thực hiện cách ly xã hội với vùng có dịch, các khu vực khác tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch; tăng cường năng lực xét nghiệm nhanh, đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh; thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Về vai trò của Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, Quốc hội đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, người nhập cảnh 14 ngày, …); thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ để hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh; ban hành các Nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Hội nghị đã thông qua dự thảo Nghị quyết về vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19; thông qua Báo cáo của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 3 và Báo cáo của Hội nghị Đối tác Nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC)./.
Theo TTXVN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết