Ấm áp tình người từ “Cầu nối yêu thương”

11:40 28/01/2022

Ngày 20-11-2017, cây cầu đầu tiên trong chương trình “Cầu nối yêu thương” của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong được xây dựng tại xã Pá Khoang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, giúp cho trên 500 em học sinh đi học thuận tiện tới hai điểm trường - Trường tiểu học số 1 và Trường mầm non xã Pá Khoang. Trong hơn 4 năm đã qua, có tổng cộng 80 cây cầu được khởi công và hoàn thành, giúp cho cuộc sống của người dân những khu vực còn khó khăn trên cả nước được cải thiện hơn; các em học sinh được an toàn trên con đường tới trường và bà con có cơ hội để phát triển kinh tế, thoát nghèo, từng bước xây dựng nông thôn mới ngày một ấm no và hạnh phúc, đúng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang nỗ lực thực hiện…

Những nhịp cầu chắp cánh ước mơ

Nhớ lại một ngày cuối tháng 1-2021, từ Hải Phòng, chúng tôi cùng Đoàn công tác của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong vượt hơn 400 km để tới dự lễ khánh thành Cầu nối yêu thương số 38 - cầu Xốp Kha, tại bản Xốp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An). Phải đến và tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thấy hết được tấm lòng, sự nhiệt huyết của cán bộ, công nhân viên Công ty Nhựa Tiền Phong dành cho bà con nơi đây.

Cầu Xốp Kha – Cầu nối yêu thương số 38

Được biết, trước khi có Cầu nối yêu thương số 38, Xốp Kha là một “ốc đảo” ba không: không có điện lưới, không có nước sạch, không có sóng điện thoại. Xốp Kha cũng là một trong những bản nghèo nhất của xã Yên Hòa, người dân chỉ mưu sinh bằng trồng lúa rẫy, lúa nước, chăn nuôi trâu bò.

Trước đó, người dân trong bản và các em nhỏ khi đi làm, đi học phải lội qua một đoạn suối trơn trượt, nguy hiểm. Nhưng vì mưu sinh, vì con chữ, mọi người đành bỏ qua sự an toàn của bản thân mà vượt qua. Nhưng khi lũ về, dòng suối chảy xiết khiến người dân chỉ có thể đứng nhìn, chấp nhận cảnh bị cô lập nhiều ngày, thậm chí là cả tuần. Có một cây cầu mới vững chãi và an toàn đã trở thành ước mơ của không chỉ một người, một gia đình mà là của nhiều thế hệ người dân sinh sống trong bản.

Niềm vui của người dân khi có cây cầu mới

Khi tới khảo sát, mặc dù địa hình không thuận lợi nhưng nhận thấy tính cấp thiết phải có một cây cầu phục vụ cuộc sống của bà con, Công ty Nhựa Tiền Phong đã nhanh chóng bắt tay vào thiết kế và thi công. Quá trình xây dựng trải qua sự khắc nghiệt của mùa đông vùng cao và vô vàn điều kiện thiếu thốn, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm, cầu Xốp Kha đã được hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đây thực sự là món quà hết sức có ý nghĩa mà công ty đã dành tặng cho bà con bản Xốp Kha trong những ngày đầu năm mới.

Ông Chu Văn Phương, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phát biểu tại lễ khánh thành cầu Xốp Kha

Tại lễ khánh thành, ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong xúc động chia sẻ: Nhựa Tiền Phong có lịch sử hình thành từ phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu niên nhi đồng miền Bắc. Vì thế, ngoài nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, Công ty còn luôn hướng tới việc chăm lo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là giúp đỡ những trẻ em nghèo ở những vùng khó khăn.

Từ những cây cầu của chương trình “Cầu nối yêu thương”, con đường đến trường của các em học sinh sẽ không còn gian nan, con chữ sẽ đến gần hơn với vùng sâu vùng xa. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi không chỉ là xây những cây cầu vững chắc, an toàn mà còn trao thêm cho các em học sinh và người dân địa phương niềm hi vọng, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp phía trước.

Một năm đã qua đi, khi tôi gọi điện hỏi thăm tình hình kể từ ngày cầu Xốp Kha được xây dựng, Trưởng bản là ông Lữ Văn Quang hồ hởi kể lại: Sau ngày khánh thành cầu là bản cũng được chính quyền địa phương quan tâm kéo đường điện và nước. Có cầu, bọn trẻ giờ không còn phải nghỉ học vào mùa mưa lũ nữa rồi. Cầu đã thông, điện nước đã về bản..., những khó khăn đang lùi vào quá khứ. Năm nay, người dân Xốp Kha sẽ đón một mùa xuân mới ấm áp và tràn đầy hy vọng về tương lai.

Đoàn khảo sát tại cây cầu đã cũ nát của bản Co En, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, Điện Biên

Những người thực hiện chương trình “Cầu nối yêu thương” của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng lấy đó làm động lực để tiếp tục cống hiến, góp phần nối hành trình “Cầu nối yêu thương” dài mãi thêm, mang theo chia sẻ yêu thương và sự giúp đỡ thiết thực để bà con có điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.

Lễ khởi công Cầu nối yêu thương bản Co En

Thấy Nhựa Tiền Phong là thấy Tết

Từ mảnh đất Tây Bắc trập trùng núi cao đến vùng sông nước Tây Nam Bộ trải đầy nắng gió, nơi đâu cũng có dấu chân của những con người Nhựa Tiền Phong, các tổ chức thiện nguyện và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hết mình cống hiến, đồng hành cùng bà con và đặc biệt là những em học sinh trên con đường đến trường.

Và trong các chuỗi hoạt động của chương trình “Cầu nối yêu thương”, ngoài việc xây cầu, Nhựa Tiền Phong còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như “Ngày vui của em”, “Đèn lồng ước mơ”, “Tết cho em”, “Xuân ấm áp hi vọng” cho các em nhỏ tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An...

Cầu nối yêu thương số 22 - cầu làng Xi, xã Lương Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Đồng nghiệp của tôi chia sẻ, vào dịp tháng 11-2019, khi tổ chức khánh thành Cầu nối yêu thương số 22 - cầu làng Xi, xã Lương Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cả đoàn đã rất ngạc nhiên và cảm động trước sự hào hứng, mong chờ lễ khánh thành cầu của người dân trong làng. Cả làng mổ trâu ăn mừng rồi nhảy sạp cho tới tận đêm khuya.

Không khí đó rộn ràng đó cũng không khác gì đêm văn nghệ “Xuân ấm áp hy vọng” do Nhựa Tiền Phong tổ chức cho người dân bản Xốp Kha, ngay trước ngày khánh thành Cầu nối yêu thương số 38.

Đêm văn nghệ “Xuân ấm áp hy vọng” do Nhựa Tiền Phong tổ chức

Đêm văn nghệ diễn ra vào tối 20-1-2021, điện lưới lúc đó vẫn chưa có nên cán bộ, nhân viên của Nhựa Tiền Phong đã lên bản trước mấy ngày để chạy khắp nơi tìm thuê máy phát điện, loa đài, trang phục văn nghệ và chuẩn bị sân khấu.

Buổi tối hôm ấy, giữa núi rừng Tương Dương, đêm văn nghệ đã diễn ra thật vui vẻ và thành công rực rỡ. Người dân trong bản cho biết mọi năm chỉ tụ họp liên hoan vào dịp Tết, năm nay là Tết đã đến sớm hơn rồi.



Tính đến hết năm 2020, đã có 60 cây cầu được xây dựng trên cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi đến các tỉnh miền Tây sông nước và hoàn thành mục tiêu đề ra của chương trình “Cầu nối yêu thương”, tạo dấu ấn đầy ý nghĩa cho kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty (1960 - 2020).

Bắt đầu từ năm 2021, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đặt ra mục tiêu xây dựng 30 cây cầu trên cả nước, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên 19 cây cầu được xây dựng mới đều tập trung tại các tỉnh phía Nam. Khi tình hình dịch Covid-19 ở phía Bắc tạm ổn, Nhựa Tiền Phong đã nhanh chóng khảo sát cầu tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Sau khi cân nhắc, cây cầu thứ 80, Nhựa Tiền Phong đã quyết định dành tặng bản Co En, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên vì tính cấp thiết của cây cầu đối với cuộc sống người dân nơi đây.



Năm cũ qua đi, một năm mới đầy hi vọng đã đến. Cây cầu số 80 ở bản Co En, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên được hoàn thành kịp thời cũng là lời chúc yêu thương khép lại năm 2021 mà Chương trình muốn gửi gắm. Sau 4 năm triển khai (2017-2021), chương trình Cầu nối yêu thương đã từng bước dựng xây những nhịp cầu đầy nghĩa tình trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và sự an toàn cho các em nhỏ trên con đường tới trường.

Chúng ta tin tưởng rằng trong năm 2022 và trên chặng đường sắp tới, sẽ có thật nhiều nhịp cầu ý nghĩa của hành trình Cầu nối yêu thương tiếp tục được lan tỏa, dựng xây và đem lại những giá trị đích thực cho cuộc sống.

Bài và ảnh: Trí Nguyễn

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông