16:57 31/08/2017 Thực ra giốc là tên gọi khác của cua đồng, nhưng phần lớn các vùng ngoại thành Hải Phòng gọi là con giốc, theo phát âm của người địa phương.
Món riêu giốc
Giốc có hai loại chính, giốc đá mai có màu xám thẫm như màu đá, còn giốc gụ mai màu nâu bóng như màu gụ. Giống cua này sống thuần túy ở nước ngọt, trong mọi môi trường khác nhau như đồng, ruộng, áng, đầm, ao…
Mỗi mùa mưa đến cũng là mùa sinh sản, giốc căng mình tụ đàn ở các bờ cây, bụi cỏ ngập nước nước để ân ái, trứng nở bám từng chầng dưới yếm, rồi từng con lớn dần tự tách giốc mẹ “bơi vào đời”. Còn mùa đông đến, ruộng cạn, gió heo may, giốc leo lên bờ khoét hang, dùng càng đào đất lấp miệng đùn lên làm tổ gọi là “mà giôc”, khi ấy bắt giốc rất dễ, chỉ cần kiếm đoạn dây thép cứng dài khoảng cánh tay, uốn cong phần đầu, luồn vào hang móc giốc ra.
Chế biến món giốc rất dễ, một số người thích ăn món rang muối, chỉ việc xóc rửa sạch, cho giốc vào nồi đảo với muối và một chút nước, đun cạn hơi cháy đáy nồi là được. Còn chế các món khác, giốc được bóc bỏ mai, khêu lấy phần gạch, nếu nấu riêu thì thái mấy lát hành khô phi mỡ lấy thơm, cho gạch vào chưng với cà chua để riêng.
Phần mình cả gọng cho vào cối giã nhuyễn lọc lấy nước, bắc nồi đun nhỏ lửa đến khi thấy từng chầng thịt quánh lại nổi lên, lấy muôi khẽ gạt sang một bên, rồi thả vào một nắm lá tầm bỏi (có thể thay bằng chay, me, khế hoặc các quả chua khác) đun đến khi sôi rồi đổ gạch đã chưng vào vào là được.
Riêu giốc ăn kèm bún vẩy, có thêm món hoa hoặc cây chuối hột thái ghém ăn kèm thì nửa đời sau nếu không được thưởng thức lại, vẫn thấy thòm thèm.
Giốc thực chất là tên gọi khác của cua đồng
Còn canh giốc, cũng chế như nấu riêu nhưng không cho chất chua, không chưng gạch với hành mỡ, thay vào đó là rau đay hoặc mồng tơi, kèm mướp hoặc bầu.
Cũng bắc bếp đun nhỏ lửa, rau thái nhỏ, mướp gọt vỏ cắt khoanh hoặc bầu băm dọc thân, khi nước sôi lần thứ nhất thì đổ rau vào, sôi thêm lần nữa mới thả mướp (bầu), vừa sôi lần thứ ba phải bắc ra ngay, gia vị chỉ cần mắm muối mỳ chính, nếu cho thêm chút mắm tôm vị sẽ đằm và mềm lưỡi hơn. Cơm gạo quê chín tới chan canh giốc vừa nguội, ăn với cà pháo muối sổi, chẳng cần thêm món nào kèm, chắc cũng đủ để người ta phải nhớ.
Những năm gần đây, giốc trở thành món đặc sản trong các nhà hàng, được chế biến thành rất nhiều món, nhưng phổ biến là món “lẩu cua đồng”. Nhưng dù là món nào, thương hiệu cũng khó vượt qua được món “bánh đa cua” đã nức tiếng cả nước gắn với tên tuổi Hải Phòng.
Do vấn đề về môi trường và đánh bắt tận diệt, nguồn giốc tự nhiên không còn sẵn như trước, bù lại tại một số vùng giốc được nuôi chung với ốc biêu và lươn, nên nguồn cung tại các chợ Hải Phòng vẫn khá nhiều, với giá dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/kg
Gia Lê
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh