An ninh Hải Phòng với những bước chân thiện nguyện

16:59 12/06/2024

33 năm cũng là ngần ấy thời gian các thế hệ chiến sĩ Công an làm báo của Chuyên đề An ninh Hải Phòng luôn nỗ lực hết mình với trọng trách những người cầm bút. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phụng sự bạn đọc An ninh Hải Phòng còn luôn đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm viết nên những trang đẹp đầy ý nghĩa về lòng tốt. Để rồi, những thanh âm trong trẻo ấy cứ vang xa, vang mãi, lay động những trái tim, thổi bùng và lan tỏa ngọn lửa thiện nguyện...

Nhân lên niềm hạnh phúc

Cuối năm 2023, chúng tôi có dịp cùng đoàn thiện nguyện của Công an quận Lê Chân vượt hơn 600km lên miền tây xứ Nghệ. Tận mắt chứng kiến con đường ngoằn nghèo, dốc đá lởm chởm, phải băng qua nhiều khe suối mới đến bản Khe Bu, thuộc xã vùng cao Châu Khê trong đại ngàn nguyên sinh của Vườn quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt – Lào mới cảm nhận được công sức và tâm huyết của những người làm thiện nguyện.

Khe Bu cũng là điểm bản xa nhất của tộc người thiểu số Đan Lai, sống biệt lập đã gần 400 năm. Khi ấy, cả điểm trường của bản Khe Bu không điện lưới. Thứ ánh sáng duy nhất ở đây mỗi khi trời nhập nhẹm tối là ánh nến hoặc ánh đèn dầu.

Công an quận Lê Chân trao tặng hệ thống điện mặt trời điểm trường Khe Bu, thuộc Trường Tiểu học Châu Khê, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

\

Và rồi, với sự nhiệt huyết, tận tâm, Công an quận Lê Chân đã tích cực kêu gọi, vận động doanh nghiệp, nhà tài trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Cuối cùng bao năm vất vả, cô và trò điểm trường Khe Bu, mừng vui vỡ òa khi lần đầu tiên được sống trong ánh điện.

Không còn cảnh học tập, sinh hoạt trong tối tăm, nóng bức, hoạt động thiện nguyện của đơn vị cùng các nhà tài trợ, hảo tâm đã giúp những điều tưởng chừng đơn giản với các trường học khác trở thành niềm hạnh phúc vô bờ của cô trò nơi đây…

 Và điều đáng nói là, khoảnh khắc tuyệt vời ấy đã được phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng ghi lại hết sức chân thực và sinh động. Như lời anh Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Công ty Công nghệ tự động hóa Hoàng Gia (Hải Phòng) bày tỏ: “Từ tâm mình, chúng tôi xin dành tặng món quà nhỏ này đến các thầy cô và hy vọng sẽ góp phần tiếp thêm động lực đến các thầy cô, vượt lên những khó khăn hàng ngày để gieo con chữ cho các em học sinh, giảm bớt khó khăn để dạy và học”.

Trong một chuyến đi khác, cơn mưa đêm nặng hạt cũng không thể ngăn được bước chân thiện nguyện của đoàn công tác Công ty Nhựa Tiền Phong băng đèo vượt suối tới Nà Ui, thuộc xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Đây cũng là lần quay trở lại sau 6 năm Nhựa Tiền Phong trao tặng nơi đây cây cầu số 3 để các em nhỏ đến trường được thuận tiện.

  Quên đi sự mệt mỏi của quãng đường dài, chúng tôi cùng đoàn thiện nguyện bắt tay ngay vào tổ chức chương trình “Tết rộn ràng” và “Xuân về bản Nà Ui”, trao các phần quà để mỗi học sinh, gia đình nào cũng có Tết.

Bà con dân bản hào hứng tham gia chương trình Tết do công ty Nhựa Tiền Phong tổ chức

Những phần quà gói cả ấm nồng nhiệt huyết, lòng nhân ái với thông điệp sẻ chia “Cho đi yêu thương - mang lại hạnh phúc” đã góp phần sưởi ấm vùng cao Nà Ui, xua đi giá rét giúp các em học sinh và người dân nơi đây đi qua lạnh giá. Mỗi món quà đều gói ghém, chất chứa trong đó những ấm áp sẻ chia của “người phương xa”.

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Sỏ, ông Chu Văn Thanh chia sẻ: “Rất nhiều năm nay, chưa khi nào bà con bản Nà Ui vui đến thế. Tất cả là nhờ những người đã mang Tết đến sớm.”

Nhìn những món quà được lãnh đạo Nhựa Tiền Phong nâng niu trao tặng cho bà con, chúng tôi chợt nhớ đến câu nói: khoảng cách địa lý có thể rất xa, điều kiện đến gần nhau có thể rất khó, nhưng sự sẻ chia và tình cảm yêu thương đong đầy thì không có khoảng cách nào ngăn trở được.

Ông Trần Ngọc Bảo phát biểu trong chương trình Xuân về  Bản Nà Ui 

 Ông Trần Ngọc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty xúc động: “Thấy bà con vui mừng, phấn khởi, chúng tôi cũng không mong gì hơn. Sau 6 năm quay trở lại nơi đây, cảm xúc của tôi vẫn còn vẹn nguyên niềm vui của bà con khi cây cầu mơ ước thành hiện thực và giờ đây là trong chương trình xuân mà Nhựa Tiền Phong dành tặng cho bà con. Thấy cuộc sống của bà con nay đã cải thiện, chúng tôi rất vui mừng vì hành trình Cầu nối yêu thương của Nhựa Tiền Phong thực sự có ý nghĩa và mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các thế hệ người dân trong bản”.

Lan tỏa ngọn lửa thiện nguyện

“Càng đi nhiều, thấy đời sống người dân vùng cao, vùng sâu còn cơ cực nghèo khổ nhiều, tôi lại thương hơn, xem như là người trong nhà vậy”. Đó là những chia sẻ chân tình của ông Phạm Hồng Sĩ, Chủ tịch Công đoàn Cty Nhựa Tiền Phong trong lần thứ 2 đến trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình là người có công, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại tỉnh Yên Bái mới đây.

Có “theo chân” đoàn thiện nguyện đến các nơi vùng sâu vùng xa, nơi đồng bào còn nhiều khó khăn chúng tôi mới cảm nhận được công sức và tâm huyết của những con người làm thiện nguyện. Họ sẵn sàng theo xe mấy ngày liền từ Hải Phòng đến các vùng núi cao Tây Bắc hay đến những xã nghèo nàn ở Miền Trung nắng cháy, miền Tây sông nước xa xôi.

Gác lại những giấc nghỉ trưa ngắn ngủi bằng những cái ngáp vội trên đường dài, tài xế lại chạy xe từ sáng sớm đến tận khuya để đoàn kịp giờ hẹn với bà con, để được tận tay trao cho bà con, các em nhỏ những phần quà.

Phóng viên An ninh Hải Phòng trong một chuyến thiện nguyện tại vùng cao

Hình ảnh những thanh niên trẻ trung trong màu áo trắng xanh tay bắt mặt mừng nói chuyện với bà con mỗi vùng đất đi qua, nhiệt tình và gần gũi với bà con như người thân lâu ngày gặp lại đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng bào. Họ và những con người làm thiện nguyện như là những đại sứ mang niềm vui và tiếp thêm tinh thần cho đồng bào.

Trong dịp đến với người dân xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn xúc động bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhịp cầu nối yêu thương số 116, mang đến niềm vui, đáp ứng sự mong chờ của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Chỉ vài tháng nữa thôi, khi cây cầu nối yêu thương số 116 được hoàn thành, thôn Nà Thoi sẽ khoác lên mình diện mạo mới, những băn khoăn, lo lắng của người dân sẽ dần lùi xa để bắt đầu một cuộc sống mới khởi sắc hơn và thắp sáng thêm cho tương lai của các em nhỏ nơi này. Mong sao có dịp đoàn quay trở lại thăm nhưng không phải là đi hỗ trợ nữa. Sự ghi nhận ấy của người dân đối với những người làm thiện nguyện mà nói là sự ghi nhận lớn lao và ý nghĩa nhất.

Nói như ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Tiền Phong, doanh nghiệp phát triển bền vững không chỉ thể hiện bằng sự tăng trưởng trong kinh doanh mà còn ở trách nhiệm với xã hội. Bởi thế nhiều năm qua, Nhựa Tiền Phong đã phát động nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến cộng đồng bằng những con số “biết nói”.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Nhựa Tiền Phong đã xác định rằng phát triển bền vững phải là sự kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố, bao gồm: Sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh và trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Chính vì thế, song song với các hoạt động kinh doanh, công ty còn chú trọng đến công tác xã hội, từ thiện, thiện nguyện và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đây cũng được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong suốt chặng đường phát triển của doanh nghiệp. Phương châm này đã khơi gợi tinh thần tương thân tương ái, cảm thông và san sẻ những khó khăn với cộng đồng trong đại gia đình Nhựa Tiền Phong.

Để từ đó, không chỉ ban lãnh đạo mà mỗi thân nhân viên công ty đều ngày càng sôi nổi, nhiệt huyết hơn với các hoạt động hướng về cộng đồng. Từ nguồn quỹ này, hằng năm, công ty đã tiến hành khảo sát, lựa chọn những gia đình chính sách, có công với cách mạng và những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, học sinh nghèo vượt khó để hỗ trợ xây dựng, trao học bổng…

Riêng Chương trình “Cầu nối yêu thương” là hoạt động an sinh xã hội cộng đồng do Nhựa Tiền Phong triển khai từ tháng 10/2017 với mong muốn xây dựng được nhiều cây cầu tại các khu vực khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và an toàn cho các em nhỏ trên con đường tới trường.

Hơn 6 năm triển khai, đến nay, gần 120 cây cầu được Nhựa Tiền Phong xây dựng tại các tỉnh thành trên khắp các miền của Tổ quốc với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Và cùng chặng đường ấy là những bước chân không mỏi với hàng trăm cuộc đồng hành của những người làm báo Chuyên đề An ninh Hải Phòng để lan tỏa ngọn lửa thiện nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm.

Có lẽ, qua mỗi hành trình làm thiện nguyện, mỗi người lại có cách nhìn riêng về giá trị của sự cho đi và nhận lại. Nhưng đã làm thiện nguyện, chẳng ai tính toán thiệt hơn giữa cho và nhận, bởi có những thứ chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Chúng ta trao yêu thương, nhận lại hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là thấy được nụ cười rạng rỡ, giọt nước mắt mừng vui của những con người không may mắn khi nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng.

Còn với những người làm báo Chuyên đề An ninh Hải Phòng phải gánh hai vai: Vừa phải hoàn thành công tác nghiệp vụ của một nhà báo, vừa phải trăn trở nghĩ cách làm sao để bài viết của mình chạm đến trái tim của bạn đọc nhằm lan tỏa hơn nữa ngọn lửa thiện nguyện, cùng nhau nêu cao trách nhiệm xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân, phụng sự đất nước và nhân dân.

Đỗ Hiếu

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông