An toàn PCCC trong doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài: Cần được quan tâm, vào cuộc quyết liệt

09:57 23/06/2017

 

Chữa cháy tại Công ty sản xuất nến Aroma Bay Candle

Rạng sáng 26-11-2015, hệ thống thu gom khí dầu thải và xử lý hơi xăng dầu của Công ty TNHH Công nghiệp Nhựa Phú Lâm, số 9 đường Phạm Văn Đồng, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, xảy ra hỏa hoạn. Vì sự cố đó, CBCS của 3 đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC phải mất gần 2 giờ nỗ lực mới dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Tương tự, 19h21’ ngày 24-7-2016, Công ty sản xuất nến Aroma Bay Candle, ở phường Hưng Đạo, cùng quận Dương Kinh, cũng đã bị “bà hỏa ghé thăm”.

Trước tình hình phức tạp, diễn biến khó lường của vụ cháy, Cảnh sát PCCC thành phố phải điều động 9 phòng cảnh sát PCCC quận, huyện, 8 phòng chức năng với trên 40 xe chữa cháy, xe chuyên dụng cùng hơn 600 CBCS phối hợp khống chế ngọn lửa chống cháy lan.

Vậy mà trong suốt nhiều giờ, lửa khói vẫn bao trùm một phần nhà xưởng của doanh nghiệp và có nguy cơ cháy lan sang khu vực lân cận. 3h ngày 25-7-2016, đám cháy mới cơ bản được dập tắt. Sau đó, lực lượng Cảnh sát PCCC vẫn tiếp tục phải phun nước làm mát, ngăn cháy trở lại.

Gần đây nhất, vào 2h40’ ngày 31-3-2017, Công ty TNHH Ohsung Vina tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, lại xảy ra hỏa hoạn kinh hoàng. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên làm nhà xưởng cho các doanh nghiệp khác thuê để sản xuất các linh kiện nhựa điện tử và sản xuất giầy phục vụ xuất khẩu. Mất gần 3 giờ vật lộn với lửa, lực lượng cảnh sát PCCC của 5 đơn vị mới khống chế được vụ hỏa hoạn này.

Hải Phòng hiện có rất nhiều khu công nghiệp lớn với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh những mặt hàng dễ gây cháy, nổ như giày da, may mặc, linh phụ kiện điện tử, hóa dầu... Các sự cố đáng tiếc trên là lời cảnh báo khẩn cấp về công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có yếu tố nước ngoài.

Theo đánh giá của Phòng Hướng dẫn và Chỉ đạo về PCCC - Cảnh sát PCCC thành phố: Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ tại các khu công nghiệp diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Thêm vào đó, các sự cố chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc thời gian công nhân nghỉ làm việc nên khi được phát hiện, cháy đã lan rộng, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Để bảo đảm an toàn về PCCC tại doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, phục vụ đắc lực cho việc ổn định sản xuất của các đơn vị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, thời gian qua, Cảnh sát PCCC Hải Phòng phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành những kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC; rà soát, lập danh sách và phân loại doanh nghiệp để tiện quản lý; phối hợp với ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về quy định an toàn PCCC; phối hợp với đơn vị tổ chức thực tập chữa cháy tại cơ sở.

Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị, việc thực hiện các quy định phòng, chống cháy nổ nêu trên vẫn chưa được coi trọng,  việc triển khai chủ yếu vẫn mang tính hình thức. Điều dễ nhận thấy nhất là lực lượng PCCC cơ sở chưa được kiện toàn; phương tiện, trang bị PCCC lạc hậu; nguồn nước phục vụ chữa cháy tại chỗ thiếu...

Đây thực sự là những “lỗ hổng” cần được các cấp quản lý đặc biệt quan tâm. Đã tới lúc, cùng với việc thực hiện đồng bộ các quy định, giải pháp của lực lượng PCCC, Ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp phải thường xuyên phối hợp với Cảnh sát PCCC thực hiện nghiêm những quy chế thẩm duyệt về PCCC, quy hoạch hệ thống cấp nước. Đặc biệt chủ các cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới phòng chống cháy, nổ. Có như vậy công tác bảo đảm an toàn PCCC mới thật sự hiệu quả.

Trọng Cát

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông