Anh nông dân làm giàu từ mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

14:29 03/06/2022

Mạnh dạn đi đầu trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, anh Phạm Văn Điệp, sinh 1989, hội viên Hội Nông dân xã Thuận Thiên (Kiến Thụy) đã trở thành một trong những nông dân điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Vốn là xã thuần nông, Thuận Thiên có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 300ha. Những năm qua, do hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, lại bấp bênh phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết nên tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa đi làm các ngành nghề khác trên địa bàn xã có xu hướng ngày một gia tăng, nhất là trên những cánh đồng sâu trũng, giao thông đi lại khó khăn.

Anh Phạm Văn Điệp kiểm tra cánh đồng lúa – cá trong giai đoạn lúa sinh trưởng, phát triển

Năm 2019, UBND huyện Kiến Thụy đã có chủ trương hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất, khuyến khích các gia đình, cá nhân, tổ chức thuê ruộng của nhân dân để tiến hành sản xuất hàng hóa tập trung. Dấu mốc này được xem là thời điểm, điều kiện thích hợp cho các xã trên địa bàn huyện thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phân bổ, cơ cấu lại nguồn lao động, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Sinh ra và lớn lên tại xã Thuận Thiên, nắm bắt cơ hội trên, năm 2019, anh Điệp đã mạnh dạn thực hiện mô hình tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất tập trung. Gia đình anh đã thuê 8,5 ha diện tích đất lúa bỏ hoang lâu năm tại cánh đồng Chùa, thôn Hòa Liễu để chuyển đổi sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Cũng giống như biết bao “lão nông” khác, để tạo ra “cánh đồng vàng” trên lúa - dưới cá như hiện nay, gia đình anh đã bỏ ra rất nhiều công sức, đầu tư nhiều vốn liếng, tiền của để cải tạo đồng ruộng, dọn lau lác, đắp bờ vùng, bờ thửa, quy vùng sản xuất.

Đáng chú ý, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cơ giới hoá máy móc, trang thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Điệp đã mạnh dạn huy động nguồn vốn mua máy làm đất đa năng, 1 dàn gieo mạ công suất 1.200 khay/h, 2 máy cấy, 1 bộ máy gặt đập liên hoàn và hơn 4.000 khay mạ.

Không những thế, gia đình anh còn tích cực đưa các giống lúa mới, cho nâng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học vào sản xuất nên cánh đồng sản xuất lúa - cá tập trung của gia đình anh nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng đất không phụ lòng người có công, hằng năm mô hình cho thu lãi bình quân từ 600 - 700 triệu đồng/năm; cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất đại trà. Đồng thời tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Bà Phạm Thị Thủy - Hội Nông dân huyện Kiến Thụy phấn khởi chia sẻ: Mô hình sản xuất lúa - cá tập trung của gia đình anh Điệp mang hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn. Mô hình không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn, việc làm cho người dân mà còn góp phần giúp địa phương khắc phục tình trạng ruộng đất bỏ hoang.

Đồng thời, khẳng định chủ trương tích tụ ruộng đất của huyện là hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của thành phố nói chung, huyện Kiến Thuỵ nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là mô hình điểm, cách làm hiệu quả, có đóng góp tích cực vào quá trình đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giúp địa phương từng bước hình thành lên nền sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, tập trung, gắn với cơ giới hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng được đồng bộ.

Đây cũng chính là cơ sở, nền tảng để xây dựng mối liên hệ, hợp tác, liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp được chặt chẽ và gắn bỏ hơn trong sản xuất. Từ đó, giúp địa phương phân công lại lực lượng lao động xã hội nói chung, lao động trong nông nghiệp nói riêng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế, xã hội.

Tạo ra sản phẩm xã hội tập trung, nguồn nông sản chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh với thị trường ngày càng khắt khe và nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân, góp phần giúp địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông