Ba cú sốc các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt

09:11 09/04/2022

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 5/4 cho biết các quốc gia châu Á có thể phải đối mặt với 3 cú sốc kinh tế lớn trong năm nay.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết 3 cú sốc kinh tế WB đề cập đến bao gồm: xung đột Ukraine, kinh tế sụt giảm tại Trung Quốc và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.

WB nêu rõ: “Khi khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chống chọi với cơn bão COVID-19, có 3 'đám mây đen' đã tập hợp lại trên đường chân trời kinh tế, điều này đồng nghĩa với việc hạ thấp tăng trưởng kinh tế và dẫn đến đói nghèo gia tăng”.

Kinh tế châu Á đang đối diện với suy thoái trầm trọng.

WB giảm dự đoán tăng trưởng năm 2022 đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương xuống chỉ còn 5% so với mức 5,4% ban đầu đồng thời cảnh báo rằng tăng trưởng có thể hạ xuống chỉ còn 4% nếu các điều kiện suy yếu hơn nữa, khiến thêm 6 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Bên cạnh đó, WB cũng hạ dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc và ước tính rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 5% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm 2021.

Theo WB, trường hợp FED tiếp tục nâng lãi suất sẽ kích hoạt dòng vốn chảy ra từ các nền kinh tế đang phát triển và gây áp lực lên đồng nội tệ của họ, từ đó dẫn đến thắt chặt tài chính "sớm" và ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Trong khi đó, dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc kết hợp với việc nước này duy trì chính sách "không COVID" (zero-COVID) và những rắc rối liên quan đến lĩnh vực bất động sản nội địa có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu khu vực.

Các biện pháp chống làn sóng dịch COVID-19 mới nhất tại Trung Quốc khiến nhiều nhà hàng, cửa hiệu phải đóng cửa, các nhà máy ngưng hoạt động và tàu chở hàng tắc nghẽn tại cảng biển.

WB nhận định: “Những biến động đặc thù với hoạt động kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng tác động đến các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với thương mại đang gia tăng hướng đến thị trường Trung Quốc”.

Một yếu tố gây ảnh hưởng khác là xung đột Nga-Ukraine dẫn đến gián đoạn nguồn cung hàng hóa và tăng căng thẳng tài chính đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo WB, xung đột Nga-Ukraine cùng các lệnh trừng phạt nhiều khả năng sẽ gia tăng giá thực phẩm, nhiên liệu trên toàn cầu, gây tổn thương cho tăng trưởng và người tiêu dùng. WB lấy ví dụ tính riêng tại Philippines, nếu giá ngũ cốc tăng 10% trong năm thì số người nghèo tại nước này cũng có thể tăng 1,1 triệu người.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông