10:45 15/05/2020 Năm 2000, Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học - Giáo dục Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”. Đứng đầu là ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của Phong Nhã. Tiếp theo là “Bác Hồ, Người cho em tất cả” của Hoàng Long - Hoàng Lân. 12 ca khúc khác cũng nói lên lòng kính yêu và biết ơn của thiếu nhi với Bác. Dưới đây là các tác giả và những ca khúc tiêu biểu.
Phong Nhã nguyên là phụ trách Hội Nhi đồng cứu quốc Hà Nội. Ngày 2-9-1945, ông được giao đưa đội của mình đến Quảng trường Ba Đình dự Lễ Độc lập.
Ít ngày sau, vào dịp Tết Trung thu, ông lại được dẫn các em tới Phủ Chủ tịch gặp Bác. Cảnh thiếu nhi quây quần bên Bác trào dâng trong ông niềm xúc động và “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” được sáng tác chỉ trong một ngày. Hình ảnh bình dị, gần gũi của Bác qua cảm nhận hồn nhiên ở trẻ thơ được Phong Nhã thể hiện thật trong sáng và đầm ấm:”Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng! Ai yêu Bác Hồ Chí Minh Minh hơn thiếu nhi Việt Nam! Bác chúng em trán cao cao, người thanh thanh. Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài. Bác chúng em nước da nâu vì sương gió. Bác chúng em thề kiên quyết trả thù nhà. Hồ Chí Minh kính yêu, chúng em kính yêu Bác Hồ Chí Minh trọn một đời…”.
Bài hát nhanh chóng phổ biến sâu rộng, được thiếu nhi Thủ đô trình diễn tại Phủ Chủ tịch trước quan khách nhân sinh nhật Hồ Chủ tịch năm 1946.
Phong Nhã là nhạc sĩ tiêu biểu của tuổi thơ. Ông được chọn bốn ca khúc trong “50 bài hát thiếu nhi hay nhất”. Ông còn là Tổng biên tập đầu tiên (1954-1978) của báo Thiếu niên Tiền phong.
Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu)
Dẫn ý bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, trong “Thư chúc Tết Trung thu” năm 1952, Bác viết ở cuối thư:”Ai yêu các cháu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Sau này nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết tiếp “câu chuyện” về Bác với thiếu nhi qua ca khúc “Nhớ ơn Bác Hồ”: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng. A! Có Bác Hồ đời em được ấm no. Chúng em múa ca càng nhớ công ơn Bác Hồ. Hứa với Bác Hồ rằng cháu sẽ chăm ngoan. Cháu xin kính dâng ngàn đóa hoa lên Bác Hồ.”. Bài hát cũng trong “50 bài hát thiếu nhi hay nhất”.
Hai nhạc sỹ Hoàng Long, Hoàng Lân là anh em sinh đôi. Hai ông giống nhau như hai giọt nước nên bao người đã nhầm lẫn, để lại vô số chuyện vui! Nhiều ca khúc của hai ông cũng được “sinh đôi”, người này viết người kia hoàn thiện, người này nêu ý tưởng người kia thực hiện, kể cả chỉ một người sáng tác cũng mang tên cả hai. Mãi sau này, hai ông mới nghĩ đến việc tập hợp sáng tác của riêng mình để in thành sách. Ca khúc “Bác Hồ, Người cho em tất cả” (viết năm 1975) cuốn hút người nghe cùng cảm nghĩ hồn nhiên của trẻ thơ, hết điều này đến điều khác:”Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh. Cho những đêm trăng rằm là chị Hằng tươi xinh. Cây cho trái và cho hoa, sông cho tôm và cho cá. Đồng ruộng cho bông lúa chín vàng lời reo ca. Anh bộ đội đến nhà cho em lòng dũng cảm. Cô giáo cho bài giảng yêu xóm làng thiết tha. Cùng em vượt đường xa xôi là chiếc khăn quàng thăm tươi…”. Cuối cùng, lắng đọng sâu sắc ở câu kết:”Cho em tất cả, Người cho em cuộc đời mới tươi sáng đầy ước mơ. Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh.”
Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu)
Hoàng Long - Hoàng Lân còn có công trong việc biên soạn sách giáo khoa âm nhạc cho cấp tiểu học. Ca khúc “Hướng lên Bác Hồ học chăm làm giỏi” (1960) và “Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác” (1978) của hai ông cũng trong danh sách “50 bài hát thiếu nhi hay nhất”.
Phạm Tuyên là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc cách mạng với khoảng 700 ca khúc, trong đó độ 200 ca khúc cho thiếu nhi. Ở “50 bài hát thiếu nhi” ông góp bốn bài và là tác giả duy nhất có hai bài trong tốp 10 là “Chiếc đèn ông sao” và “Cánh én tuổi thơ”.
Bài hát “Chiếc đèn ông sao” lần đầu tiên vang lên vào tối liên hoan đón Tết trung thu năm 1956 tại Khu học xá. Phạm Tuyên nói, hình tượng ngôi sao mang nhiều ý nghĩa bởi sao cũng trên lá cờ Tổ quốc, ông viết:”Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cái dây rất dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan. Tùng rinh rinh tùng tùng rinh rinh, đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời. Tùng rinh rinh tùng tùng rinh rinh, ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi...”. Năm 1976 Phạm Tuyên đi công tác ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Điều làm ông bất ngờ và thú vị là giáo sư Hans Sandig cho biết đã soạn lời tiếng Đức cho “Chiếc đèn ông sao” nhưng giữ nguyên âm thanh “tùng rinh rinh” vì hợp với tiếng trống của lễ hội Carnaval ở Đức.
Mùa hè 1954, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc chủ trương chuyển các đội viên ưu tú của Đội Thiếu nhi Tháng Tám lên Đoàn. Để cổ vũ thiếu nhi rèn luyện phấn đấu vào Đoàn, Phạm Tuyên viết “Tiến lên đoàn viên”, bài hát có đoạn: “Tiến lên đoàn viên em ước ao bao ngày, xứng cháu Bác Hồ dựng xây nước sau này. Tiến lên đoàn viên theo Đảng tiền phong, bước theo lá cờ nhuộm màu đấu tranh.”. Ca khúc trở thành một trong những bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Đại hội cháu ngoan Bác Hồ năm 1981 rất đặc biệt, đó là lần đầu tiên thiếu nhi cả nước gặp nhau. Phạm Tuyên viết “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” chào mừng sự kiện này và được chọn làm bài hát của Đại hội “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội. Khăn quàng đỏ rực trong nắng vàng tươi. Cùng bên nhau giữa tình thương đồng đội. Những cháu Bác Hồ về từ khắp nơi nơi. Hãy cất tiếng hát nhịp nhàng cùng múa ca. Hãy cất tiếng hát trong tình thân ái bao la...”. Bài hát này cùng với phần lớn các bài hát của Phạm Tuyên cho thấy ông là người nhạy bén với thực tế và luôn có những sáng tác mang tính nghệ thuật cao thiết thực phục vụ đời sống.
Hoàng Vân cũng là nhạc sĩ cách mạng hàng đầu. Ông có ba ca khúc ở “50 bài hát thiếu nhi hay nhất”, trong đó “Ca ngợi Tổ quốc” đứng thứ năm tại danh sách. Đây là một chương trong đại hợp xướng “Hồi tưởng”, khái quát cả chặng đường cách mạng của đất nước. Để trình diễn “Hồi tưởng” phải huy động hàng chục người lớn và trẻ em, cùng với dàn nhạc lớn. Nhịp đi náo nức, rộn ràng của “Ca ngợi Tổ quốc” mở đầu rất ấn tượng cho cả hợp xướng:”Trời cao trong xanh, sương sớm long lanh, mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh. Bày chim non hát ca vang, đàn bướm lượn tung tăng bay lượn theo bước chân đi tới trường. Nhờ có công ơn cách mạng mới có hôm nay sáng ngời. Đời đời ghi nhớ ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, nhớ ơn cách mạng và Bác Hồ.”.
Hàn Ngọc Bích cũng là nhạc sĩ của tuổi thơ. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm song sự nghiệp lại dành cho âm nhạc. Ở “50 bài hát thiếu nhi” ông góp bốn bài, trong đó ba ca khúc thể hiện lòng kính yêu và biết ơn của thiếu nhi với Bác. Bài “Tiếng chim trong vườn Bác” được ông sáng tác sau lần chứng kiến đoàn thiếu nhi Tây Nguyên ra Hà Nội và thăm nơi Bác ở:”Sáng sớm nay cháu đến thăm vườn Bác. Cháu bé Tây Nguyên đến thăm vườn Bác Hồ. Mà nghe tiếng chim, tiếng chim hót trong veo. Tiếng chim chào mùa xuân đẹp lắm. Từ vườn xưa dưới vòm cây Bác Hồ, chim về đây làm tổ, chim lớn và chim nhỏ được nghe Bác ngâm thơ. Lòng em mong ước, muốn làm cánh chim nhỏ cùng về đây hót mừng, muôn lời ca ngợi Bác của đàn cháu Tây Nguyên”. Hàn Ngọc Bích còn có ca khúc “Tre ngà bên lăng Bác” trong “50 bài hát thiếu nhi hay nhất”.
Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất trở thành đề tài cho nhiều nhạc sĩ; Hàn Ngọc Bích góp vào niềm vui chung niềm vui cất cánh của trẻ thơ qua “Em bay trong đêm pháo hoa”:”Bay lên nào là em bay lên nào. Mùa xuân toàn thắng tưng bừng pháo hoa. Bay lên nào là em bay lên nào, vui cùng Nam Bắc về chung một nhà. Đêm pháo hoa vang tiếng ca. Hoa lưng trời và hoa trong ánh mắt. Đất nước mình bao nhiêu hoa đẹp Bác vun trồng giờ nở hoa dâng Bác. Cả đất trời cùng em bay như trong mơ”.
Trong “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20” còn có “Hành khúc Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” của Phong Nhã, “Tấm ảnh Bác Hồ” của Mộng Lân nói lên lòng kính yêu và biết ơn của thiếu nhi với Bác. Hơn chục ca khúc được bình chọn, mỗi ca khúc một vẻ, vui tươi, trong sáng, điều này mang rất nhiều ý nghĩa vì thiếu nhi là tương lai của đất nước, là “Mầm non của Đảng” như tên một ca khúc trong “50 bài hát hay nhất”.
LƯU VĂN KHUÊ
18:01 12/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp thành phố năm 2024 diễn ra thành công tốt đẹp
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ