10:06 23/03/2020 Bạch Đằng giang không chỉ là dòng sông ngàn năm cần mẫn, chuyên chở phù sa, nuôi dưỡng con người, bồi đắp nền văn hóa nơi nó đi qua, mà sông Bạch Đằng còn là nơi cha ông ta đã bày trận đánh quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Hơn 1000 năm về trước tại cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã bày trận địa cọc, nhấn chìm toàn bộ chiến thuyền của quân Nam Hán xuống lòng sông, dập tắt ý đồ xâm lược của quân xâm lược phương Bắc.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết kế sách đánh giặc của Ngô Quyền: “ Nếu sai người đem cọc nhọn, đầu bịt sắt cắm ngầm trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào thoát”. Chính Ngô Quyền đã khẳng định điều đó với tướng lĩnh của mình “không kế gì hơn kế ấy cả”.
Ngày mồng 7 tháng chạp năm 938, Hoằng Tháo tiến quân vào sông Bạch Đằng, nơi có trận địa cọc đã bày sẵn. Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến lọt vào trận địa cọc. Khi thủy triều bắt đầu rút, đầu cọc bịt sắt nhô lên, Ngô Quyền huy động toàn lực tiến quân đánh trả với sự dũng cảm, sáng tạo của các tướng lĩnh tài năng như Ngô Tất Tố, Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc cùng người con cả Ngô Xương Ngập. Quân Nam Hán trước sau đều bị chặn đánh quyết liệt, các thuyền đâm phải cọc chìm đắm vô số. Chủ tướng Hoằng Tháo và đội quân xâm lược bị vùi xác xuống dòng sông Bạch Đằng. cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã kết thúc thắng lợi rực rỡ.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng
Ca ngợi chiến công của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938, Sử gia Lê Văn Hưu, thời Trần đã viết: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới hợp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Hoằng Tháo, mở nước, xưng vương, làm người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu nhưng chính thống của nước Việt ta ngõ hầu được nối lại”.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng, chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn một ngàn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài cho dân tộc Việt Nam.
Cũng trên sông Bạch Đằng vào năm 981, Lê hoàn đã tái tạo lại trận Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền 43 năm trước. Theo các nhà nghiên cứu, vào ngày 24/1/981, cánh quân thủy của nhà Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng. Trận này quân Đại Cồ Việt không ngăn được thủy binh của quân Tống. Hầu Nhân Bảo thúc quân tiến vào vùng Hoa Lư theo đường sông Hồng, nhưng bị chặn đánh ở thành Bình Lỗ (có thể nằm ở đoạn ngã ba Lềnh, Yên Lệnh, Hà Nam đến ngã ba Vàng, Giao Thủy, Nam Định ngày nay). Sau thất bại ở thành Bình Lỗ, thủy binh của quân Tống quay lại sông Bạch Đằng, lọt vào trận địa mai phục do Lê Hoàn bày sẵn. Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng trung tâm của trận chiến Bạch Đằng ngày 28/4/981 diễn ra tại vùng sông nước núi U Bò, Tràng Kênh. Các chiến binh của Đại Cồ Việt từ các nhánh sông đổ về sông Bạch Đằng đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết trong đám loạn quân, Lưu Trừng vội vã dẫn đám tàn quân tháo chạy ra biển.
Sông Bạch Đằng lại một lần nữa cuộn sóng, nhấn chìm quân Mông-Nguyên xuống dòng sông vào năm 1288. Đây được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế chế Mông nguyên xuống vùng Đông Nam Á, góp phần làm suy yếu, tan rã đế chế hùng mạnh, tàn bạo này.
Để tạo nên chiến thắng vĩ đại này, vua tôi, tướng sĩ nhà Trần đã gắng sức, đồng lòng cùng đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo anh minh của Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn cùng các tướng sĩ đã sáng tạo ra trận địa cọc liên hoàn trên khắp dòng sông Bạch Đằng để đánh giặc.
Khu di tích Bạch Đằng Giang ngày nay
Tại vùng thượng lưu sông Bạch Đằng (nay là các xã Lại Xuân, Liên Khê, Gia Đức, Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), Trần Quốc Tuấn đã cho tướng sĩ cắm cọc xuống cửa các lạch triều, cửa các nhánh sông nối với sông Bạch Đằng. Kết quả khai quật khảo cổ học gần đây phát hiện được các bãi cọc ở Cao Quỳ, xã Liên Khê và bãi cọc tại khu Đầm Thượng, xã Lại Xuân cùng với những thông tin được người dân cung cấp cho phép chúng ta hình dung một trận địa cọc năm 1288 được cắm xuống ngã ba sông Đá Bạc, sông Kinh Thầy với sông Đá Vách (thuộc xã Lại Xuân); ngã ba sông Giá với sông Đá Bạc; cửa lạch triều nối với sông Đá Bạc (nay thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê); ngã ba sông Liễu với sông Bạch Đằng; ngã ba sông Thải với sông Bạch Đằng. Những trận địa cọc này một mặt nhằm chặn không cho chiến thuyền của quân Mông-Nguyên tiến vào sông Giá, mặt khác tiêu hao binh lực của địch buộc chúng buộc chúng phải tháo chạy vào sông Bạch Đằng, tạo tiền đề cho trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng vào ngày 9 tháng 4 năm 1288, tiêu diệt toàn bộ quân Mông-Nguyên trên dòng sông lịch sử này.
Truyền thuyết dân gian ở xã Liên Khê cũng cho biết, trong thời gian Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn về đóng đồn (nay là đền Thụ Khê), chỉ huy đánh giặc thì khu vực chùa Thiểm Khê bây giờ, Trần Hưng Đạo đã chiêu binh, luyện mã, tập kết kỵ binh của quân đội nhà Trần. Chùa Mai động thời đó vừa kín đáo nhờ rừng cây che kín, vừa gần bến nước, thuận tiện cho việc vận chuyển đặt kho quân lương tiền phương của quân đội nhà Trần. Việc cất giữ lương thảo còn được Trần Quốc Tuấn bố trí tại hang Lương (thuộc xã Gia Minh), một địa điểm gần sông Bạch Đằng.
Gắn với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, vùng đất Tràng Kênh, Minh Đức, nơi núi non sông nước hùng vĩ, còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử huy hoàng. Dưới chân núi Hoàng Tôn là đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo, một tôn thất nhà Trần đã anh dũng hy sinh trên vùng sông nước Bạch Đằng. Nơi ngã ba sông Thải chảy ra sông Bạch Đằng, người dân Tràng Kênh vẫn kể mãi câu chuyện Trần Quốc Tuấn đã đứng trên đỉnh núi U Bò chỉ huy tướng sĩ nhà Trần đánh giặc Mông-Nguyên.
Với vị trí địa lý hiểm yếu, thuận lợi cho phòng thủ, phản công, ngã ba sông Bạch Đằng, sông Giá một lần nữa được triều Mạc chọn làm căn cứ vào cuối thế kỷ XVI. Nhà Mạc đã cho xây dựng thành Dền tại chân núi Thiểm Khê. Sách Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Núi Thiểm Khê/Diệm Khê ở cách huyện Thuỷ Đường 12 dặm về phía Bắc, đất đá lẫn lộn, tục gọi là thành “Thạch Bích”, trước kia nhà Mạc họp quân ở đây”. Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng chép về núi này:“Núi Diệm Khê ở tổng Trúc Động, liên tiếp nối nhau hơn hai chục ngọn. Dưới núi có thành cổ, gọi là thành Triền (thành Dền). Tương truyền ngày trước nhà Mạc đóng quân đồn trú, đắp thành ở nơi đây”.
Thành Dền do Mạc Phúc Tư, con thứ 2 của Vua Mạc Đăng Doanh, sinh năm 1524, là người nổi tiếng tài năng, đức độ chỉ đạo xây dựng ngay sau khi ông được cử đi trấn thủ Hải Đông (khoảng năm 1546). Thành Dền được tướng sĩ nhà Mạc đóng quân, bảo vệ vùng Đông Bắc Hải Phòng đến cuối thế kỷ 16.
Ngày nay, trên sông Bạch Đằng lịch sử, ngay tại cửa sông Thải chảy ra sông Bạch Đằng có một vùng đất non nước hữu tình, nơi tọa lạc của Khu di tích Bạch Đằng Giang, một tượng đài lưu niệm, tưởng niệm về ba lần chiến thắng quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, đồng thời cũng là công trình thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với các tiền nhân và các vị anh hùng dân tộc: Đức vua Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có công lao to lớn với đất nước, với nhân dân.
Khu di tích Bạch Đằng Giang, vùng đất địa linh, điểm kết nối giữa quá khứ hào hùng của dân tộc với hiện tại thành phố Hải Phòng đang trên đà phát triển vươn ra biển đông và khích lệ cổ, vũ chúng ta vững bước xây dựng một thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại.
Đỗ Xuân Trung
Bảo tàng Hải Phòng
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh