Bạch Long Vĩ - hòn đảo tiền tiêu vùng biển phía Bắc Việt Nam

17:28 06/11/2013

Đảo Bạch Long Vĩ nằm gần giữa vịnh Bắc Bộ và là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh. Đảo nằm trong hệ thống tọa độ địa lý: 107 độ 42 phút 20 giây - 107 độ 44 phút 15 giây kinh độ Đông và 20 độ 7 phút 35 giây - 20 độ 8 phút 36 giây vĩ độ Bắc, cách Cảng Hải Phòng 135km về phía Tây, cách đảo Hòn Dáu (Hải Phòng) 110km, cách đảo Hạ Mai (Quảng Ninh) 70km và cách mũi Ta Chiao - Hải Nam (Trung Quốc) 130km về phía Đông. Chỉ là một hòn đảo nhỏ rộng trên 3km2 (số liệu niên giám thống kê năm 2011 công bố diện tích đảo Bạch Long Vĩ là 3,2km2 - tính theo đường mực triều thấp nhất) nhưng Bạch Long Vĩ có một vị trí quan trọng trong hệ thống 2.376 hòn đảo ven bờ, đảm trách đầy đủ chức năng của một đơn vị hành chính cấp huyện trong số 10 huyện đảo ven bờ của cả nước.

Đảo Bạch Long Vĩ
Đảo Bạch Long Vĩ

Tên gọi Bạch Long Vĩ có từ lâu, xuất xứ từ truyền thuyết một con rồng trắng từ trên trời đáp xuống và lưu lại ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng nay; đảo Bạch Long Vĩ là cái đuôi con rồng thiêng đó. Bạch Long Vĩ còn có một số tên gọi khác như: Vô Thủy, do ban đầu người ta không tìm thấy nước ngọt trên đảo; Phù Thủy Châu - ví đảo như những hòn ngọc nổi trên mặt nước biển; Họa Mi (Nightingele) vì đảo có hình dáng giống chim Họa mi; Hải Bào - do đảo có nhiều bào ngư. Trên bình đồ, đảo Bạch Long Vĩ có hình dạng một hình tam giác với chu vi dài khoảng 6,5km: bờ phía Tây Bắc dài khoảng 3km; bờ phía Đông Bắc dài khoảng 2km; bờ phía Tây Nam dài khoảng 1,5km. Nếu nhìn ngang, đảo là một quả đồi thoải nổi trên mặt nước biển.

Nguyễn Trãi đã nhắc đến địa danh Bạch Long Vĩ trong bài thơ “Quá hải” (tức “Qua bể”), được chép trong “Ức Trai thi tập”: “Tùng Lâm địa xích cương Nam Bắc - Long Vĩ sơn hành hạn yếu xung” (Đất Tùng Lâm làm giới hạn cho Bắc Nam - núi Bạch Long Vỹ nằm ngang là nơi ngăn trở xung yếu). Thời Lê - Mạc, đảo thuộc châu Vĩnh An, thời Nguyễn thuộc châu Tiên Yên… Ở làng Khinh Dao - quê gốc của quan Thượng thư Phạm Đình Trọng còn lưu giữa bản gia phả chữ Hán ghi chi tiết Pham Đình Trọng đánh phỉ Tầu Ô, ông bố trí quân trên đảo Bạch Long Vĩ. 

                          

Từ trước cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên đảo không có người sinh sống, chỉ là nơi tránh gió bão của ngư dân trên biển vì thiếu nguồn nước ngọt. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Đảo Bạch Long Vĩ ở phần Châu Tiên Yên là xã Yên Lãng, phía Bắc giáp Khâm Châu của Trung Quốc. Ngày nay, thuyền nước ta sang Khâm Châu thường qua đó”. Năm 1825, nhà Nguyễn cho xây thành, đắp lũy trên đào. Mãi đến năm 1920, khi tìm ra mạch nước ngọt trên đảo mới có dân cư vùng Hải Ninh, Quảng Yên (Quảng Ninh) và Hải Nam (Trung Quốc)… tìm tới đảo sinh sống. Năm 1937, chính quyền bảo hộ Pháp và vua Bảo Đại phái người tới lập đồn và lập chế độ lý trưởng trên đảo (lập xã Bạch Long Vĩ thuộc tỉnh Quảng Yên).

Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật thay Pháp chiếm đóng; sau năm 1945, Pháp khôi phục chế độ trên đảo. Sau ngày 13-5-1955, chính quyền thành phố Hải Phòng chưa kịp tiếp quản đảo Bạch Long Vĩ vì thiếu phương tiện tàu thuyền. Nhân cơ hội đó, các lực lượng phản động ở Trung Quốc do thất bại ở lục địa chạy tới Bạch Long Vĩ để trú ngụ. Do tầm ảnh hưởng của đảo đối với hai nước, tháng 7-1955, quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã đổ bộ lên giải phóng và tiếp quản đảo. Ngày 16-1-1957, do thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã làm lễ bàn giao lại vùng biển đảo Bạch Long Vĩ cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quản lý.

Ngư trường Bạch Long Vĩ có diện tích 1.500 hải lý vuông, nền đáy của ngư trường tương đối phẳng, thuận lợi cho đánh bắt hải sản. Khu hệ cá Bạch Long Vĩ phong phú, đa dạng với 451 loài được phát hiện. Chúng có số lượng lớn, là ngư trường tốt nhất ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Nhiều loài có giá trị kinh tế tập trung với mật độ cao. Trữ lượng cá của ngư trường Bạch Long Vĩ khoảng 78.000 tấn, khả năng khai thác khoảng 38.000 tấn/năm. Rạn san hô quanh đảo thuộc loại tốt nhất ở miền Bắc Việt Nam, độ phủ của rạn nhiều nơi đạt 90%.

Vùng đất liền và biển quanh đảo có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao, nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng hoặc có giá trị về khoa học, sinh thái môi trường như: Phong ba, Cốc đỏ, Rắn ráo thường, San hô lỗ đỉnh Đài Loan, Bào ngư, Trai vệ nữ, cá Heo bướu lưng Ấn Độ Dương, Ốc đụn đực, Đồi mồi, Rùa da…

Năm 2010, dầu và khí đã được công ty chuyên thăm dò và khai thác dầu khí Petronas Carigali Overseas Bhd của Tập đoàn Petronas (Malaysia) phát hiện ở ngoài khơi, cách Hải Phòng 75km về phía Đông Nam. Năm 2012, ngành dầu khí đã triển khai khoan thăm dò dầu khí trên đảo Bạch Long Vỹ và đạt được kết quả khả quan về khả năng hiện hữu của tài nguyên quý giá này ở vùng biển đảo Phù Thủy Châu.

 



Trần Phương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông