17:17 29/05/2024 Hải Dương hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) mới đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, một số KCN đã đón được những nhà đầu tư lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Vấn đề đang đặt ra là nhiều doanh nghiệp đang cần tuyển dụng lượng lao động lớn nhưng gặp nhiều khó khăn do nguồn cung hạn chế.
Theo BQL các KCN tỉnh Hải Dương, trong 6 khu công nghiệp mới, An Phát 1 là KCN hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư sớm nhất. Đến nay, KCN này đã thu hút 18 dự án với tổng vốn đầu tư trên 12.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD). Trong đó, dự án của Công ty TNHH Sản xuất Biel Crystal Việt Nam (Singapore) và Công ty TNHH CE LINK Việt Nam (Hồng Kông, Trung Quốc) có vốn đầu tư lớn nhất, lần lượt là 6.100 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng.
Hiện, Công ty TNHH Sản xuất Biel Crystal Việt Nam đã thuê hơn 20 ha đất để xây dựng nhà máy sản xuất thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh... Mục tiêu là sản xuất và kiểm tra, phân loại khoảng 623 triệu sản phẩm mỗi năm. Dự kiến trong quý II/2025, nhà máy sẽ đi vào hoạt động và tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Còn tại KCN Đại An mở rộng giai đoạn 2 , tính đến tháng 4/2003 đã giải phóng mặt bằng được 151 ha, chiếm 66,5% tổng diện tích. Toàn bộ diện tích trên đã được UBND tỉnh Hải Dương chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho chủ đầu tư hạ tầng thực hiện dự án. Đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đợt 1 trên diện tích 21,5 ha và chủ đầu tư sẵn sàng bàn giao cho Tập đoàn Deli (Trung Quốc) thực hiện dự án sản xuất các loại văn phòng phẩm, hàng gia dụng, máy tính điện tử cá nhân, máy photocopy... có tổng vốn đầu tư gần 6.500 tỷ đồng.
Theo thống kê từ năm 2023 đến nay, các KCN: Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 và An Phát 1 đã thu hút được 29 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 930 triệu USD (tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng). Trong đó có 20 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 850 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng số vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Dương kể từ đầu năm 2023 đến nay. Ngoài 3 khu công nghiệp trên, hiện các KCN gồm: Kim Thành, Tân Trường mở rộng cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Khu công nghiệp Gia Lộc đã bắt đầu xây hạ tầng kỹ thuật.
Năm 2024, với lợi thế về quỹ đất của 6 khu công nghiệp mới, Hải Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư hạ tầng rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Nhiều doanh nghiệp đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sớm hơn dự kiến song dù đã đăng thông tin tuyển dụng bằng nhiều hình thức cũng như thực hiện các chế độ, chính sách hấp dẫn song vẫn trong cảnh thiếu hụt cả nguồn lao động phổ thông và lao động chất lượng cao.
Tích cực tháo gỡ
Được biết, trước khó khăn về nguồn lao động, các cấp, ngành và địa phương của Hải Dương đã tích cực vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Điển hình như tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương là doanh nghiệp công nghệ cao nên cần nguồn lao động đã qua đào tạo khá lớn. Hiện doanh nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở hai bộ phận nghiên cứu kỹ thuật và thiết bị như kỹ thuật viên, trợ lý kỹ sư, kỹ sư thiết bị, kỹ sư nghiên cứu, kỹ sư công nghệ, cán bộ nguồn...
Trước đó năm 2023, Công ty đã thực hiện dự án sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời tại KCN Cộng Hoà (Chí Linh) với tổng vốn trên 2.800 tỷ đồng. Để chủ động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp này có nhu cầu tuyển khoảng 450 lao động. Toàn bộ lao động này sẽ được Boviet đào tạo chuyên sâu tại nhà máy ở Bắc Giang trước khi đưa về Hải Dương làm việc. Dù vậy việc đào tạo tại nhà máy bên Bắc Giang cũng là một rào cản vì nhiều người ngại đi xa.
Trước những khó khăn trong tuyển dụng lao động, Boviet đã liên kết với Trường Đại học Sao Đỏ để đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Đến nay, đã có nhiều sinh viên của trường làm việc cho doanh nghiệp này. "Việc sử dụng nguồn lao động có trình độ có sẵn tại Hải Dương đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí. Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác các cơ sở đào tạo trong tỉnh để chủ động nguồn lao động chất lượng cao”, đại diện Cty Boviet Hải Dương cho biết.
Còn tại KCN An Phát 1 (Nam Sách), hiện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 30.000 lao động. Trong đó, riêng Công ty TNHH Sản xuất Biel Crystal Việt Nam và Công ty TNHH CE LINK Việt Nam cần đến 20.000 lao động. Để bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã phối hợp UBND huyện Nam Sách tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về thị trường lao động. Qua đó, huyện Nam Sách tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Phát 1 tìm kiếm, đào tạo, sử dụng lao động tại địa phương.
Theo đánh giá của BQL các KCN tỉnh, Hải Dương là tỉnh có dân số đông, nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, khỏe. Đây là nguồn nhân lực để phát triển kinh tế địa phương. Những năm qua, số lượng lao động trên 15 tuổi ở địa bàn tỉnh Hải Dương tăng lên cả về quy mô và chất lượng. Cùng với đó, sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực và cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lao động của Hải Dương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng từ 50,82% năm 2020 lên 52,3% năm 2023.
Dù vậy lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng số lượng theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh liên kết đào tạo, các các doanh nghiệp mới cần tận dụng tốt nguồn lao động đã từng đi xuất khẩu nước ngoài trở về vì đây là lực lượng lao động có tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm, tác phong làm việc chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng tuyển dụng lao động của các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh… và một số tỉnh miền núi như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu…
THỦY NGUYÊN