09:54 16/07/2019 Đó là nội dung cuộc họp do Sở NN&PTNT tổ chức, chiều 15-7.
Quang cảnh hội nghị
6 tháng qua, trên phạm vi cả nước có 3 tỉnh xảy ra dịch cúm gia cầm AH5N6, trong đó có tỉnh Thái Bình và Quảng Ninh giáp ranh Hải Phòng. Đối với đàn gia súc, bệnh Dại ở chó mèo nuôi đã xảy ra tại 19 tỉnh, thành phố, làm 32 người tử vong do chó, mèo mắc dại cắn. Đáng chú ý, dịch tả lợn Châu phi đã phát sinh tại 62 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy chiếm trên 3.300.000 con.
Tại Hải Phòng, không xảy ra bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi. Đàn trâu, bò, dê, gia cầm phát triển ổn định. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ ngày 22-2 đến 14-7, tại 18.856 hộ, ở 1.221 thôn, thuộc 174 xã, phường, trên địa bàn 13 huyện, quận, khiến 177.852 con lợn, trọng lượng 9.508 tấn buộc phải tiêu hủy; ước thiệt hại cho ngân sách trên 462 tỷ đồng.
Mặc dù các địa phương đã triển khai đẩy đủ các biện pháp phòng chống dịch nhưng do chưa có vắc xin, thuốc điều trị dịch nên các biện pháp chỉ có tác dụng làm dịch lây lan chậm hơn.
Tính đến ngày 9-7, trên địa bàn thành phố có: 77/174 xã, phường đã qua 30 ngày; 37 xã, phường đã qua trên 20 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, có 5 xã, phường, có dịch tái phát trở lại.
Nhằm tái cấu trúc sản xuất chăn nuôi, thúc đẩy phát triển các đối tượng con vật nuôi phù hợp, bù đắp sự thiếu hụt sản lượng thịt lợn do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, nhiều địa phương đã tích cực triển khai vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Toàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi sang nuôi gà thả vườn; vịt siêu thịt, siêu trứng; thủy sản, ốc..., mang lại hiệu quả cao.
Theo kịch bản tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2019 thì tổng đàn lợn của thành phố từ nay đến ngày 31-12 phải tăng 76.640 con; đàn gia cầm phải tăng 1.274,7 nghìn con. Nâng giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2019, ước đạt 4.760 tỷ đồng, bằng 92,33% so với năm 2018.
Để đạt mục tiêu trên, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi sau dịch. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục xử lý, kiểm soát, nhanh chóng khống chế dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ sản xuất chăn nuôi, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn.
Từng bước thực hiện tái đàn lợn theo quy định của Bộ NN&PTNT. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động chuyển sang chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; thực hiện chuyển 10.622 hộ chăn nuôi lợn sang nuôi gà, vịt quy mô đạt 1.274,7 nghìn con...
Giai đoạn 2020 - 2025, tập trung phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân, tiến tới xóa bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Phát triển hệ thống cơ sở giết mổ GSGC tập trung. Hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, tổ chức và người nông dân, từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
KC
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024