Ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển thành phố Đà Nẵng

18:28 07/06/2024

Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đại biểu Quốc hội tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng; cho rằng, về cơ bản các chính sách được xây dựng khá toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, có kế thừa và tích hợp một số chính sách tương đồng chính sách đặc thù của một số tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép áp dụng và có xây dựng mới một số chính sách đặc thù riêng cho thành phố Đà Nẵng.

          Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển  Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, khẳng định việc thực hiện mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền đô thị tại thành phố  Đà Nẵng theo chủ trương của Đảng, từ Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 10 đến các nghị quyết hiện tại là đúng đắn,  phù hợp với đặc điểm của đô thị.

Quốc hội thảo luận tại hội trường  về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.  

          Các đại biểu cũng nhất trí cao về thí điểm các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (điểm a, b, c khoản 1 Điều 14).

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với việc Quốc hội xem xét và cũng mong muốn được Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng ngay tại kỳ họp này, với việc bổ sung nhiều chính sách mới, tạo đột phá để phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, việc xác định Đà Nẵng theo hướng phát triển xanh, phát triển bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong thu hút đầu tư v.v.... là hoàn toàn phù hợp yêu cầu thực tiễn, trở thành xung lực mới cho tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển du lịch bền vững của Đà Nẵng.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu

Về thí điểm thành lập khu thương mại tự do (Điều 9a), đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, theo đặc thù riêng có của thành phố Đà Nẵng, việc lựa chọn mô hình kinh doanh tích hợp bao gồm cả 3 khu chức năng chính: sản xuất, hậu cần cảng - logicstic, thương mại - dịch vụ như dự thảo Nghị quyết là phù hợp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các khu thương mại tự do đều được áp dụng hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu thúc đẩy ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết phải có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ thúc đẩy phát triển thí điểm khu thương mại tự do ở Đà Nẵng hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời đề nghị khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như Khu kinh tế và áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan, chính sách về thu phí hải quan, thuế quan.

Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh trong bối cảnh, thời điểm hiện nay, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng đã và đang hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đây là một trong những đột phá nổi bật, đột phá dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro của Đà Nẵng khi đề xuất thí điểm mô hình mặc dù đã được thực hiện thành công trên thế giới nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung  cơ chế, chính sách, biện pháp dự báo, dự liệu, quản lý, phòng ngừa và ứng phó với các tình huống rủi ro nếu xảy ra trong quá trình thực hiện, với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm thành công, nhất là mô hình này cũng đang được một số địa phương dự kiến đề xuất trong thời gian tới./.

                                                                                                                              Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông