Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy thế mạnh, phát triển Nghệ An, Đà Nẵng

13:14 01/06/2024

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn cùng đoàn Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung được xây dựng tại 2 dự thảo nghị quyết. Theo đại biểu Quốc hội, hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố được thí điểm cơ chế đặc thù. Các chính sách này đang trong quá trình triển khai thực hiện nhưng tờ trình của Chính phủ nên bổ sung nội dung tổng kết thực tiễn của các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù thời gian qua để có cơ sở xác định các chính sách đặc thù phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Đồng thời, cần rà soát lại 2 dự thảo nghị quyết với các quy định pháp luật hiện hành. Một số chính sách đã được pháp luật hiện hành quy định thì không nên quy định lại tại dự thảo nghị quyết. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rà soát và quy định cơ chế chính sách đặc thù một cách tổng thể tại 2 dự thảo Nghị quyết. Trong đó, có quy định về việc đề xuất tăng cường bộ máy và biên chế cho thành phố Vinh (Nghệ An); quy định cơ cấu tổ chức của UBND phường tại dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù thành phố Đà Nẵng... bảo đảm nguyên tắc tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước và tạo sự bình đẳng với các địa phương khác. 

          Về phát triển tỉnh Nghệ An, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với 14 chính sách, gồm: quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

          Bên cạnh các chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, Chính phủ đề xuất 4 chính sách mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh.

          Trong đó, chính sách 1 cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An.

Chính sách 2 cho phép Nghệ An giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Chính sách 3 cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho địa phương. Chính sách 4 cho phép UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó chủ tịch.

          Các đại biểu  đề nghị cần có những cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với việc giao quyền lớn, vượt trội cho tỉnh Nghệ An thì cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện, tránh lạm quyền.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Về nghị quyết phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể. Chính phủ đề xuất 5 chính sách mới theo thực tế của thành phố, trong đó, chính sách 1 đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13 dự thảo nghị quyết).

Theo đó, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu và xác định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.

Để đơn giản thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết giao UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng đảm bảo đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do, dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể.

          Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) quan tâm tới một số điểm mới về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, cụ thể là cơ chế, chính sách liên quan đến Khu thương mại tự do. Theo đại biểu, đây cũng là nội dung thành phố Hải Phòng quan tâm và hướng đến trong thời gian tới.

           Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc lựa chọn mô hình kinh doanh tích hợp bao gồm cả 3 khu chức năng: sản xuất, hậu cần cảng- logicstic, thương mại dịch vụ như trong dự thảo nghị quyết là phù hợp. Đồng thời đề nghị Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế và áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan, chính sách về thu phí hải quan, thuế quan.

 Đại biểu đề nghị, đối với một số chính sách thông lệ quốc tế đã áp dụng nhưng chưa có trong luật, trong các quy định và vẫn trong tầm kiểm soát, quản lý được thì  cho áp dụng thí điểm gắn với các điều kiện về quản lý, kiểm tra, giám sát… Các nội dung có thể ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia như trợ cấp, tiếp cận thị trường, chuyển giá, trốn thuế… thì cần hạn chế, không cho áp dụng./.

                                                                                                                             Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông