Bàn tiếp về hàng Việt

20:33 25/10/2017

Thời gian gần đây, có nhiều bài viết đề cập đến việc phải xây dựng một nền kinh tế tránh phụ thuộc. Ở khía cạnh khác, nhiều người cũng bức xúc trước sự yếu kém về sản xuất nội địa…

Com-le Trung Quốc gắn mác Việt bán trên thị trường

 “Hóa thân” cho hàng ngoại

Khoảng hơn chục năm trước, Hải Phòng đi đầu cả nước với việc đưa xe máy TQ vào Việt Nam. Những chiếc xe TQ đầu tiên được phân phối bởi Cty Tradimexco bán khá đắt, nhưng một thời gian sau đó, giá xe máy TQ lao dốc thảm hại, có lúc chỉ 5 triệu đồng/chiếc. Tại sao lại như vậy, khi những nhà nhập khẩu cam đoan cho rằng, mỗi chiếc xe TQ nhập nguyên chiếc không thể dưới 15 triệu đồng?

Tìm hiểu kỹ được biết, để cạnh tranh, một số nhà sản xuất Việt đã đặt các chi tiết lẻ tại TQ, hoàn thiện bằng công nghệ “râu ông cắm vào cằm bà”, tạo thứ xe máy Việt gốc Hoa phi tiêu chuẩn, oanh tạc không thương tiếc thị trường Việt Nam. Động thái tương tự cũng được áp dụng cho nhiều mặt hàng khác.

Ông T – Giám đốc một Cty máy tính khoe rằng, ông là người đầu tiên của Hải Phòng đăng ký thương hiệu việt cho máy tính Hải Phòng. Mà thực chất ông T. chỉ làm động tác đăng ký thương hiệu trong nước, còn toàn bộ thiết bị, kể cả bao bì, tem nhãn in tên Việt đều được đặt từ TQ, nhập khẩu bằng nhiều gói nhỏ lẻ về Việt Nam và lắp ráp lại.

Ở những lĩnh vực khác, điện thoại di động là một ví dụ, chỉ cần tháo dời một chiếc Q-Mobile VN, có 3 chi tiết chính là thân máy, pin và vỏ, thì cả từng ấy thứ đều ghi rõ “Made in China”. “Công nghệ” tương tự cũng “sản xuất” ra những sản phẩm khác như nồi cơm điện, bếp gas, quạt điện… Nghĩa là những sản phẩm ngoại được hóa thân qua khâu đăng ký sở hữu thương hiệu và phân phối, là thành hàng Việt?

Tại một nhà máy ô tô nổi tiếng của Hải Phòng, người ta cũng nhập khẩu tổng thành từ TQ, thứ được sản xuất tại chỗ chỉ là một phần vỏ chụp bên trên, thêm bản quyền thương hiệu Việt. Điều đáng nói là chúng được chế tạo bằng cơ khí thủ công, đặt trên mấy chiếc xe kéo tay lăng xăng từ cắt tôn sang hàn, gò, phun sơn… phương thức sản xuất mà người Việt đã làm ít nhất nửa thế kỷ trước.

Nên mới có chuyện ô tô cùng mẫu thiết kế, cùng nơi chế tác, nhưng cánh cửa xe này không thể lắp vừa sang xe khác. Rầm rộ một thời, giờ đây sản phẩm của hãng này không còn cạnh tranh nổi trên thị trường, vì chất lượng kém mà phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nên sản xuất “lúc nắng lúc mưa”.

Chưa hết, khi Hải Phòng bùng nổ xe đạp điện, một doanh nhân ở huyện An Lão háo hức quảng bá xe điện Việt. Tưởng thế nào, hóa ra mục sở thị mới thấy đó cũng là những sản phẩm TQ nhập nguyên kiện, được mấy tay thợ lắp bằng mỏ-lết, cờ-lê, tô-vít… và dán tem Việt. Vì giá cao hơn so với hàng Tàu thật, rốt cuộc xe điện “Made in Hải Phòng” chưa kịp khai sinh thì đã bị khai tử. Tất nhiên, thiệt hại cho nhà “sản xuất” không lớn lắm, vì họ có phải đầu tư “dây chuyền công nghệ hiện đại” như quảng cáo đâu, ngoài số vốn nhập khẩu mấy lô hàng bán thử.

Bột ngọt Trung Quốc giả hàng "made in Việt Nam" bị thu giữ

“Gậy ông đập lưng ông”

Liên quan đến hàng Việt trá hình, một doanh nhân đề nghị dấu tên liệt kê: thiếp cưới in phôi sẵn đem từ TQ về, khi có khách đặt chỉ việc in thêm thông tin vào để hoàn thiện; băng dính nhập nguyên cây kèm máy cắt cũng từ TQ, khách đặt cỡ thế nào chỉ việc cắt theo cỡ ấy; rồi chỉ khâu, Phéc-măng-tuya, bút bi… cũng nhập cả khối, san nhỏ và bỏ chữ Tàu bằng chữ Việt.

Đến giống lúa Tàu cũng được “tráng” thành hàng Việt như chuyện xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, hoặc vụ nho Ninh Thuận dán cờ TQ ở siêu thị là một ví dụ. Chưa kể đến các loại hoa quả khác và cả gà, cá tầm, tôm, cua, ếch… đến sách tham khảo cho học sinh cũng được in tại TQ,  khiến câu chuyện “hàng Việt” càng thêm buồn.

 “Khổ là người mình rất kém tính sáng tạo, chẳng chịu phát minh, sáng kiến gì cả…” - đó là nhận xét của ông K., người đã từng rất thành công trong ngành cơ khí. Theo ông K. thì người mình giỏi nghề nhưng tính đại khái, chẳng hạn những thứ đơn giản như tăm, chiếu… từ hàng ngàn năm không thay đổi mẫu mã, chỉ đến khi hàng Tàu tràn vào mới chịu cải cách. Gần hai chục năm trước, ông K. mở xưởng sản xuất những chiếc xe đạp thuần Việt, cơ bản Hải Phòng làm được hết, trừ bộ Moay-ơ phải mua ở Bắc Ninh hoặc nhập ngoại.

Một thời gian, những chiếc xe “mi-ni” của Hải Phòng đã quét sạch xe đạp Tàu trên thị trường thành phố. Những tưởng theo đà đó, công nghiệp xe đạp Hải Phòng sẽ phát triển, nhưng không ngờ cơn sóng “hàng Tàu hóa Việt” bóp chết sự manh nha của nhiều phân ngành công nghiệp thành phố. Giờ đây, nhìn xe đạp Trung Quốc lại ngập thị trường, ông K. buồn rầu lắc đầu: “ Những thứ hoàn toàn nằm trong khả năng của mình, nhưng gậy ông lại đập lưng ông...”.

Tất nhiên, không phải ngành nghề nào của Hải Phòng cũng bị thua trên sân nhà như vậy, sản xuất giày da thật là một điển hình. Nhờ có thời gian làm việc trong các nhà máy liên doanh của nước ngoài, một số công nhân Việt đã biết kết hợp với thợ lành nghề truyền thống, nhanh chóng nắm bắt công nghệ.

Thiếu thiết bị, họ tìm cách tự chế tạo, quả thực thời gian đầu có phần phụ thuộc vào một vài thiết bị TQ, nhưng kiên trì mất khoảng chục năm, đến nay giày da Hải Phòng đã giành được chủ động, chiếm lĩnh thị phần thành phố. Ông Khổng Đức M. – chủ cơ sở sản xuất giày có cửa hàng đường Trần Nguyên Hãn tâm sự: “Hiện chúng tôi chủ yếu khai thác nguyên liệu trong nước, cần da có nguồn da Việt, cần đế có anh em Việt làm đế, cả phụ liệu cũng thế…”.

Sự thực là, sau gần 30 năm đổi mới, làn sóng đầu tư FDI đã mang theo nhiều công nghệ sản xuất vào từ những nước tiên tiến, nhưng việc tiếp nhận của chúng ta còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân chính vì sự cạnh tranh của những sản phẩm trá hình, vốn chỉ là giải pháp đối phó khi hàng hóa TQ không còn được ưa chuộng. Phương thức sản xuất như vậy được một số người gọi là “gia công tiêu thụ”, để phân biệt với ngành sản xuất gia công xuất khẩu. Khác với việc đem lại nguồn thu ngân sách và thu nhập nhân công, nó không những làm chảy máu tài chính vì gian lận cho hàng nhập khẩu, mà nó còn bóp nghẹt sản xuất nội địa.

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng nhắc nhiều đến ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng nếu tiếp tục để hàng trá hình làm mưa làm gió, thì nhà sản xuất nào dám đầu tư? Trong khi trên thực tế, không ngành sản xuất nào mà nước ta không có viện nghiên cứu, tỷ lệ nhà khoa học cũng cao ngất ngưởng, nhưng quá khó tìm một sản phẩm đầu ra mang tính sáng tạo thuần Việt?

Thế nên, khi có nhiều người bức xúc đòi “đuổi hàng Tàu”, lại có người phản bác rằng, ngộ nhỡ hô biến mà linh nghiệm thật, thì người mạnh mồm tẩy chay nhất cũng phải “khỏa thân”. Đơn giản vì dù đồ mặc trên người có thể do người Việt may nhưng phần lớn vải, khóa, cúc, chỉ… thì lại là của Tàu?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, thiết nghĩ không nên vội vã nếu mình chưa tự chủ thay thế. Nhưng câu chuyện xây dựng một nền kinh tế tránh phụ thuộc đã được đặt ra, đây chính là cơ hội để chúng ta cần một một cuộc cách mạng thực sự.

Sẽ rất khó khăn, thậm chí là đau đớn khi phải cắt đi nhiều khuyết tật, nhưng sẽ không thể thành công nếu không kiên quyết loại bỏ. Điều cần nhất chính là một môi trường cạnh tranh, được kiểm soát bởi hệ thống quản lý trong sạch, lành mạnh.

 Gia Lê                                                                                  …

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông