Bàn về hàng thiết yếu mùa dịch

11:29 08/03/2021

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phòng chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua Hải Phòng cũng như các địa phương khác đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có nội dung hạn chế hoạt động kinh doanh, dịch vụ không không thiết yếu. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, ở một số cơ sở, việc vận dụng khái niệm “nhu cầu thiết yếu” còn chưa thực sự thống nhất.

Người dân đến siêu thị quan tâm nhiều đến nhóm hàng thực phẩm chế biến trong điều kiện phong dịch

Trên thực tế, từ lâu khái niệm “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” đã được định nghĩa, đưa vào thể chế hóa trong các quy phạm pháp luật. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 4 Luật giá năm 2012, thì “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.”.

Nhưng trải theo thời gian, ở mỗi thời điểm khác nhau hoặc phục vụ nhu cầu khác nhau, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có sự điều chỉnh linh hoạt. Chẳng hạn để phục vụ công tác khảo sát thị trường, một số cơ quan chức năng cũng áp dụng việc lấy chỉ số biến động của 14 nhóm mặt hàng được coi là thiết yếu, làm cơ sở tính toán sự tăng giảm bình quân của Chỉ số giá CPI.

Như vậy, khái niệm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng được tác động bởi các yếu tố về thời điểm, về thị trường, về văn hóa địa phương, về hoàn cảnh sinh hoạt hoặc năng lực kinh tế khác nhau. Đối với thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 này cũng không ngoại lệ.

Tại văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu được định hướng khá rõ, bao gồm: cơ sở kinh doanh dịch vụ lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện nước; nhiên liệu khác; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc và các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm; chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Đây là những mảng kinh doanh, dịch vụ cũng như người sử dụng được tiếp tục hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Như đã nói ở trên, các quy định đã khá rõ ràng nhưng việc vận dụng lại rất cần phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn đối với Hải Phòng, dù là thành phố công nghiệp lớn, nhưng trong thời gian qua thành phố cũng đủ năng lực tự chủ những nhóm hàng, dịch vụ thuộc diện thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, kể cả khi nguồn cung lớn như tỉnh Hải Dương bị nhất thời gián đoạn.

Mặt khác trong điều kiện bình thường, nhu cầu của người dân cũng như những hoạt động xã hội thông thường nếu phát sinh nguồn cung từ nơi khác, phần lớn là trao đổi, làm mới chứ không hẳn vì thiếu hụt. Như vậy, trong điều kiện dịch bệnh phát sinh, xã hội cần có sự giãn cách khu biệt, thì “nhu cầu thiết yếu” cũng cần được làm rõ, khi chúng ta đang có nhiều phương án thay thế.

Cần phải nhắc lại rằng, ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch vào đầu năm 2020, Hải Phòng đã chủ động triển khai ngay nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường, rà soát năng lực cung – cầu trên địa bàn. Riêng về thực phẩm, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì nguồn cung thực phẩm tại chỗ của Hải Phòng hiện tương đối dồi dào.

Ở một số thời điểm mang tính mùa vụ, Hải Phòng có thể thiếu những loại rau – củ - quả không phù hợp với thổ nhưỡng hoặc không được canh tác nhiều trên địa bàn, nhưng có thực sự “thiết yếu” hay không lại là câu chuyện khác.

Trong điều kiện chỉ lưu thông nội vùng bình thường, lượng thiếu hụt của Hải Phòng hoàn toàn được cung cấp đầy đủ, trong đó vai trò chủ đạo được cam kết bởi các hệ thống phân phối, vì các siêu thị hoạt động theo chuỗi cung ứng, thì kể cả trong điều kiện dịch bệnh, vấn đề này cũng không phải là quá khó.

Mặt khác, thành phố cũng rất chủ động tiến hành xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa, nhằm sẵn sàng đối phó với những tình huống phát sinh, trong đó dự trù cho cả những tình huống nghiêm trọng hơn.

Thực tế phản ánh rất rõ, trong hơn một năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, dù ở hoàn cảnh nào, thị trường thành phố cũng hết sức bình ổn, các chợ truyền thống cũng như các siêu thị hoạt động bình thường, nguồn hàng hóa dồi dào và đặc biệt là giá cả rất ổn định.

Tuy nhiên thời gian qua, theo phản ánh từ một số địa phương, đã xuất hiện hiện tượng một số người dân tìm cách “lách” để vi phạm các quy định phòng, chống dịch bằng cái cớ “nhu cầu thiết yếu”.

Chính vì vậy vấn đề “nhu cầu thiết yếu” càng cần được định hình phù hợp, để tránh hiện tượng lợi dụng câu chữ mà cố ý vi phạm chủ trương phòng chống, dịch bệnh Covid-19, tăng nguồn nguy cơ cho cộng đồng.

Thực tế cũng cho thấy, hiện một số loại hàng hóa về tổng thể không phải là “thiết yếu” tới mức Hải Phòng phải nhận sự tiếp vận từ bên ngoài bằng những con đường phát sinh ngoài kế hoạch, nên thiết nghĩ khái niệm hàng hóa thiết yếu cần được khoanh lại theo khu vực cho phù hợp.

Điều cũng cần phải thẳng thắn chỉ rõ là, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hải Phòng luôn là địa phương đi đầu của cả nước với những biện pháp mới, rất chặt chẽ. Điều này đương nhiên sẽ tạo những ảnh hưởng nhất định cho một bộ phận doanh nghiệp, tiểu thương và cả dân cư, nhất là những trường hợp bên ngoài khi đến làm ăn, sinh hoạt tại Hải Phòng.

Nên mỗi khi thành phố ban hành chính sách mới nghiêm ngặt hơn, lại có quan điểm cho rằng Hải Phòng có “vấn đề”? Nhưng thực tế cho thấy, đến nay hầu hết các biện pháp mà Hải Phòng áp dụng, đều đã được Chính phủ phổ biến hóa ra cả nước, mô hình Hải Phòng hiện được rất nhiều tỉnh thành khác làm theo.

Rõ ràng, trong hoàn cảnh chưa có tiền lệ, cần có một sự linh hoạt, nói cách khác đó chính là sự sáng tạo, là tư duy đổi mới được hình thành từ thực tiễn cuộc sống. Mà cho đến lúc này, Hải Phòng là thành phố thuộc diện nguy cơ cao nhất, những cũng thuộc nhóm kiểm soát tốt nhất dịch bệnh Covid-19, chính là minh chứng rõ nét.

Trở lại với nội dung “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tính thời điểm để xác định nhu cầu thực sự cũng là điều không dễ dự báo. Liên quan đến thị trường hàng hóa, dù đang bình ổn nhưng chúng ta vẫn cần giữ vững trận tuyến.

Bên cạnh những giải pháp đang được triển khai đồng bộ, cũng cần tiếp tục rà soát để xác định nhu cầu thiết yếu, từ đó linh hoạt đối phó với tình hình mới. Hy vọng là, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, thị trường nhất định trụ vững, góp sức trụ vững toàn diện trận tuyến phòng thủ của thành phố.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông