Bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các kho hàng hoá trong khu chế xuất

    18:22 03/06/2024

    Các kho hàng hoá trong khu chế xuất là địa điểm tập trung nguyên vật liệu, hàng hóa lớn, hầu hết là các chất dễ cháy nổ như: vải, da giày, giấy, gỗ, các loại dung môi hữu cơ... Nếu không may xảy ra sự cố cháy nổ tại các kho hàng này thì hậu quả sẽ khôn lường, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

    Để đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại các kho hàng hoá trong khu chế suất, cơ quan chức năng khuyến cáo cần làm tốt các biện pháp sau:

    Khu chế xuất phải có phương án PCCC cho toàn khu; xây dựng, duy trì hoạt động của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật về PCCC; tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC phù hợp với phương án PCCC. Đối với các cơ sở hoạt động trong khu chế xuất phải có phương án PCCC cho cơ sở mình; phải thành lập đội PCCC cơ sở.

    Đáng chú ý, khi lập quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu chế xuất và các kho hàng hoá trong khu chế xuất cần bảo đảm các nội dung sau:

    Địa điểm xây dựng công trình, cụm công trình, bố trí các khu đất, các lô nhà phải bảo đảm chống cháy lan, giảm đến tối thiểu tác hại của nhiệt, khói bụi, khí độc do đám cháy sinh ra đối với các khu vực dân cư và công trình xung quanh.

    Hệ thống giao thông, khoảng trống phải đủ kích thước và tải trọng bảo đảm cho phương tiện chữa cháy cơ giới triển khai các hoạt động chữa cháy. Phải có nguồn nước chữa cháy; hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện bảo đảm phục vụ các hoạt động chữa cháy, thông tin báo cháy.

    Mặt khác, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC tại các khu chế xuất sao cho đúng đối tượng, hướng dẫn một cách dễ hiểu, thao tác đơn giản.

    Trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn cần xác định rõ cho lực lượng PCCC cơ sở đâu là những chỗ có nguy cơ cháy nổ cao tại cơ sở để từ đó hướng dẫn lực lượng PCCC cơ sở có những biện pháp đảm bảo an toàn; quy trình xử lý khi có cháy nổ xảy ra và phân tích rõ được trách nhiệm, nghĩa vụ của lực lượng PCCC cơ sở trong công tác PCCC.

    Ban quản lý các khu chế xuất cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác PCCC, nhất là tại các kho hàng hoá; phối hợp với Cảnh sát PCCC tiến hành việc kiểm tra theo chế độ quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

    Mặt khác huấn luyện nghiệp vụ cho các đội chữa cháy chuyên trách, tập huấn cho các cơ sở hoạt động trong các khu chế xuất vừa đảm bảo tốt công tác PCCC trong phạm vi quản lý vừa tham gia phối hợp các cơ sở lân cận để chữa cháy, khắc phục hậu quả do cháy nổ gây ra. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các cơ sở trong việc tổ chức thực hiện các nội dung, yêu cầu về PCCC theo quy định. Đồng thời xây dựng phong trào toàn dân PCCC, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC của khu chế xuất…

    Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn tự kiểm tra an toàn PCCC, hướng dẫn trách nhiệm trong hoạt động tổ chức tuyên truyền, phố biến kiến pháp luật cho người đứng đầu cơ sở, lực lượng PCCC cơ sở. Tăng cường tập huấn, huấn luyện nội dung phương pháp, kỹ năng tuyên truyền cũng như các nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở trong các khu chế xuất.

    Đối với lực lượng PCCC cơ sở cần chủ động tham mưu, đề xuất người đứng đầu cơ sở xây dựng kế hoạch, đảm bảo các điều kiện về thời gian, kinh phí cho việc tuyên truyền, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện PCCC tại cơ sở. Thực hiện nghiêm túc chế độ huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ, trau dồi phương pháp, kỹ năng tuyên truyền về PCCC..

    Khi có sự cố cháy nổ xảy ra phải tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 để được hỗ trợ, ứng cứu kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.

    Bình Huệ

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông