Bảo đảm quản lý hiệu quả, an toàn quỹ BHYT

15:22 04/12/2018

Những năm gần đây, tình hình thu - chi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ là vấn đề được các cơ quan quản lý, thực hiện chính sách đặc biệt chú trọng mà còn luôn thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Bởi quỹ BHYT là nguồn tài chính quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc phụ trách BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc để làm rõ hơn tình hình sử dụng và các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn Quỹ BHYT của Hải Phòng…

Phóng viên: Xin bà cho biết cụ thể tình hình thu chi của quỹ BHYT của Hải Phòng 10 tháng qua?

Bà Nguyễn Thị Lộc: Theo Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 2-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT năm 2018 của thành phố, năm nay Hải Phòng được giao 2.125,068 tỷ đồng. Tính đến hết quý III, toàn thành phố đã sử dụng hết 83,4% dự toán được giao, cao thứ 36 toàn quốc. Bình quân/lượt chi khám chữa bệnh là 936.000 đồng, cao thứ 3 toàn quốc. Cơ cấu chi KCB cao chủ yếu tập trung vào các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật – thủ thuật, thuốc, tỷ lệ vào điều trị nội trú, số ngày điều trị nội trú kéo dài...

Có thể kể đến những cơ sở có số chi khám chữa bệnh nội trú cao như: Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp chi bình quân/lượt nội trú là 12,18 triệu, cao thứ 8 so với các bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc. Bệnh viện tâm thần Hải Phòng chi 7,4 triệu/lượt, cao thứ 2 toàn quốc so với các bệnh viện cùng chuyên khoa, cao gấp 1,5 lần bình quân chung của các bệnh viện cùng chuyên khoa. Bệnh viện Kiến An có số chi bình quân/lượt ngoại trú là 1,57 triệu đồng, cao gấp 3,6 lần chi bình quân ngoại trú của bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (432.000 đồng)...

Phó giám đốc phụ trách BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc trả lời phỏng vấn Báo An ninh Hải Phòng

 Phóng viên: Vậy những nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT tại một số đơn vị khám chữa bệnh, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Lộc: Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vượt quỹ BHYT là do nhiều cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện gia tăng chỉ định không hợp lý như: Chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, điều trị bằng y học cổ truyền, phục hồi chức năng với tỷ lệ cao; chỉ định 1 số dịch vụ kỹ thuật (DVKT) lặp lại quá mức cần thiết. Xét nghiệm sinh hóa máu lặp lại trong đái tháo đường, tăng huyết áp, điện tâm đồ, siêu âm dopler tim, nội soi tai mũi họng, thay băng, hút xoang áp lực tâm, lấy dị vật kết mạc; chỉ định và thanh toán DVKT lấy nút biểu bì ống tai, DVKT thay băng vết thương...

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn sử dụng thuốc trúng thầu giá cao, thuốc có điều kiện chưa đúng quy định tại Thông tư 40/2014/TT-BYT; tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh còn cao; sử dụng vật tư y tế giá cao gây lãng phí quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra một số cơ sở khám chữa bệnh còn có tình trạng chi phí của bệnh nhân khám chữa bệnh đa tuyến đến cao hơn chi phí của bệnh nhân khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Tỷ lệ gửi hồ sơ thanh toán lên Hệ thống giám định BHYT còn chậm, số hồ sơ gửi đúng ngày đạt tỷ lệ thấp.

BHXH TP tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả, an toàn quỹ BHYT

Phóng viên: Hải Phòng là địa phương đứng thứ 36 toàn quốc về số chi khám chữa bệnh. Vậy để thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng dự toán năm 2018, từ nay đến cuối năm, BHXH TP có những giải pháp gì để bảo đảm an toàn cho Quỹ BHYT?

Bà Nguyễn Thị Lộc: Để thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng dự toán năm 2018, từ nay đến cuối năm, chúng tôi đã yêu cầu Trưởng phòng giám định BHYT, Giám đốc BHXH các quận, huyện tập trung chỉ đạo các giám định viên thông báo với cơ sở khám chữa bệnh tình hình thực hiện dự toán được giao và chỉ ra các yếu tố gây gia tăng chi phí KCB tại các cơ sở y tế. Đồng thời yêu cầu cơ sở KCB phải điều chỉnh giảm các chỉ định không phù hợp với bệnh tật của người bệnh nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi KCB và bảo đảm không lãng phí quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn tăng cường kiểm tra, đối chiếu chứng chỉ hành nghề trước khi thực hiện giám định, thanh toán quyết toán chi phí KCB BHYT với cơ sở KCB. Tăng cường kiểm tra bệnh nhân điều trị nội trú, khuyến cáo cơ sở KCB những trường hợp bệnh nhẹ chỉ định vào nội trú; đặc biệt chú ý bệnh nhân điều trị y học cổ truyền, phục hồi chức năng, da liễu, cơ sở II có điều trị nội trú. Đồng thời thường xuyên phân tích dữ liệu chi phí KCB do Phòng giám định BHYT chuyển về để so sánh với tháng trước liền kề, yêu cầu cơ sở KCB hạn chế tối đa các xét nghiệm trùng lặp không cần thiết.

Ngoài ra chúng tôi còn thường xuyên giám định việc chỉ định thuốc tương ứng với bệnh tật, khuyến cáo cơ sở KCB việc sử dụng thuốc giá cao đã được cảnh báo; sử dụng thuốc biệt dược gốc, sử dụng nhiều thuốc bổ trợ... bởi các chi phí về thuốc nêu trên được coi là nguyên nhân chủ quan gây ra lãng phí quỹ KCB BHYT.

Mặt khác, chúng tôi còn tăng cường giám định chặt chẽ việc cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân có thẻ BHYT ra viện vào sáng ngày hôm sau không có chỉ định theo dõi, chăm sóc gây lãng phí quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH thành phố thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở KCB, hàng tháng thông báo với Sở Y tế và các cơ sở về tỷ lệ liên thông dữ liệu, thông báo tình hình thực hiện dự toán, thông báo các nguyên nhân gây gia tăng chi phí cao... để sở Y tế kịp thời chỉ đạo cũng như các cơ sở KCB điều chỉnh các yếu tố gây gia tăng chi phí...

Ngoài ra, BHXH thành phố yêu cầu các giám định viên thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương và quy tắc ứng xử của ngành trong quá trình phối hợp với cơ sở KCB nhằm bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi KCB và hạn chế đến mức tối đa các nguyên nhân gây lãng phí quỹ BHYT...

Phóng viên: Trân trọng cám ơn bà

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông