Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Vì sao doanh nghiệp né tránh?

14:58 18/08/2017

Ngày 31-12-2013, Liên Bộ Tài chính - Công an đã ban hành Thông tư Liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Nghị định 46/2012/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, do còn một số điểm bất cập xung quanh Nghị định 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ (BHCN) bắt buộc đã và đang khiến cho việc triển khai loại hình bảo hiểm này gặp những trở ngại, dẫn tới không ít khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC trong thực hiện quản lý nhà nước, đặc biệt là việc tiến hành chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC.

Doanh nghiệp trốn tránh

Khoảng 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra hàng chục ngàn vụ cháy, nổ, gây thiệt hại lớn về người, cùng với đó  hàng ngàn tỷ đồng biến thành tro, bụi. Riêng ở Hải Phòng, tính từ đầu năm 2011 đến nay đã xảy ra  hàng trăm  vụ cháy,  làm chết và bị thương hàng chục người, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, Nghị định 130/2006/NĐ-CP được ban hành từ ngày 8-11-2006, phạm vi điều chỉnh quy định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc đã được nêu rất rõ.

Chính vì vậy, nghị định này được coi là pháp quy áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân nằm trong danh mục nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định và doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh trên lĩnh vực bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Trao đổi vấn đề này, Cảnh sát PCCC thành phố cho biết, Luật PCCC và Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định về BHCN bắt buộc từ khi có hiệu lực thi hành đã tác động nhất định đến ý thức PCCC cũng như sự tham gia BHCN bắt buộc của người dân và các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp viện lý do để trốn tránh việc mua BHCN ở loại hình này với lập luận: Họ rất muốn thực thi pháp luật, nhưng điều kiện chưa cho phép. Nhất là việc viện cớ khó khăn về tài chính, không đủ kinh phí hoặc doanh nghiệp mẹ ở nước ngoài không biết có quy định BHCN bắt buộc tại Việt Nam…(!)

Một lý do khác, mặc dù hệ thống văn bản pháp lý đã quy định chi tiết các đối tượng thuộc diện tham gia BHCN bắt buộc, nhưng thực tế vẫn có những điểm không còn phù hợp và bất cập như: biểu phí, mức khấu trừ BHCN bắt buộc cao hơn biểu phí bảo hiểm tự nguyện từ 2 đến 3 lần; chưa có hướng dẫn bảo hiểm, chưa có quy tắc rõ ràng, cụ thể đối với các rủi ro phụ.

Mặt khác, BHCN tự nguyện với chi phí rẻ hơn BHCN bắt buộc, trên thực tế đã tạo ra “cái lợi” trước mắt cho doanh nghiệp khiến không ít đơn vị cơ sở “lách luật” bằng việc chỉ mua bảo hiểm dưới giá trị thực tế nhiều lần; hoặc không mua hết danh mục tài sản đang sở hữu, đang sử dụng buộc phải có trách nhiệm pháp lý về thiệt hại tài sản để giảm chi phí bảo hiểm.

Mặt khác, BHCN bắt buộc còn liên quan tới văn hóa thương mại, chính sách bảo hộ tập đoàn, do đồng ngôn ngữ… Điển hình như khu Công nghiệp Nomura (huyện An Dương) có tới 70-80% hợp đồng BHCN bắt buộc mua của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài (Nhật Bản).

Kiên quyết xử lý

Thông tư Liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA quy định rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm không được từ chối bán BHCN bắt buộc khi bên mua đã tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC. Hiện nay, việc bán BHCN bắt buộc chủ yếu do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tự khai thác.

Tuy nhiên, do yêu cầu về doanh thu, một số doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm biết sai nhưng vẫn bán bảo hiểm không đúng quy định.

Rõ ràng, BHCN bắt buộc không chỉ gắn chặt với lợi ích thiết thực của doanh nghiệp, mà còn đi liền với các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Bởi vậy, BHCN bắt buộc cần được thực thi triệt để, nghiêm túc và cần sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao của những bên liên quan.

Việc triển khai có đồng bộ hay không đang trông chờ vào các cấp, ngành chức năng và ý thức của mỗi người dân cũng như người đứng đầu cơ sở.

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố sẽ tiến hành xử phạt nghiêm đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ nhưng không mua BHCN bắt buộc theo quy định và các doanh nghiệp bán bảo hiểm không đúng với quy định của pháp luật.

LỆ TRANG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông