Bảo hiểm y tế: Người dân không bị giới hạn nơi khám chữa bệnh

15:45 02/07/2014

 

Bắt đầu từ ngày 1-1-2015, toàn dân bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), kèm theo đó quyền lợi BHYT của người dân sẽ được mở rộng…

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), so với Luật BHYT hiện hành năm 2008, Luật BHYT sửa đổi có rất nhiều điểm mới mang tính đột phá, tạo cơ chế tài chính hết sức quan trọng để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Cụ thể là: quy định bắt buộc toàn dân tham gia BHYT; bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình và bổ sung thêm cơ chế khuyến khích nếu có 100% thành viên trong gia đình tham gia BHYT thì sẽ được giảm mức đóng; người nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ không phải đồng chi trả 5% khi khám chữa bệnh (KCB), giảm điều chỉnh mức chi trả đó từ 20% xuống còn 5% đối với một số nhóm thân nhân người có công và đối tượng người cận nghèo; quỹ BHYT cũng thanh toán 100% chi phí KCB đối với người tham gia BHYT từ 5 năm trở lên và trong năm đó họ có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lớn hơn 6 tháng lương cơ bản.

Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, quy trình trong KCB BHYT, Luật BHYT sửa đổi quy định mở thông tuyến KCB. Đây là một yếu tố thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành y tế để tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ KCB.

Điểm nữa là Luật BHYT sửa đổi quy định cụ thể hơn về việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT: Trước mắt đối với các tỉnh khi có tỷ lệ kết dư thì được sử dụng 20% phần kết dư đó để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và nâng cao cơ sở khám chữa bệnh. Đến 1-1-2021, khi tỷ lệ người tham gia BHYT đã tương đối đồng đều giữa các tuyến thì sẽ thực hiện quản lý quỹ tập trung, thống nhất trong cả nước.

Luật BHYT sửa đổi quy định trách nhiệm của UBND các cấp, trong đó UBND cấp xã lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng; cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đồng thời với việc cấp giấy khai sinh, để nhằm giảm tối đa tình trạng cấp trùng.

Tới đây toàn bộ người dân bắt buộc phải tham gia BHYT. Chúng ta có quy định bắt buộc đồng thời cũng có cơ chế hỗ trợ mức đóng cho các nhóm đối tượng như người nghèo, dân tộc thiểu số, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi… và đặc biệt với những người dân sống ở vùng biển đảo, Bộ Y tế cũng đề xuất hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT cho họ.

Theo Luật BHYT sửa đổi, từ ngày 1-1-2016 sẽ mở thông tuyến KCB tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh. Cụ thể khi người tham gia BHYT có đăng ký KCB ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì được quyền đi KCB ở các cơ sở KCB trong cùng huyện đó hoặc trong phạm vi một tỉnh, có nghĩa là họ không bị giới hạn bởi một cơ sở KCB ban đầu, như vậy họ vẫn được thanh toán 100% chi phí KCB theo quy định. Trong khi trước kia, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 70% chi phi khám chữa bệnh.

TTX


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông