Bảo tồn, phát huy, khẳng định giá trị văn hoá truyền thống của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn

08:06 20/08/2024

Chiều 19/8,Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu quận Đồ Sơn tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin báo chí về Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024, và các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm 35 năm khôi phục và phát triển.

 

Đồng chí Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn phát biểu tại hội nghị

Năm 2024, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Lễ hội) được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy, khẳng định giá trị văn hoá truyền thống của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đồng thời, đánh giá kết quả đạt được sau 35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội; rút ra các bài học kinh nghiệm, những hạn chế và khó khăn, đề ra giải pháp nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển Lễ hội.

Để Lễ hội diễn ra thành công, năm nay, quận Đồ Sơn đã xây dựng, triển khai kế hoạch công tác tuyên truyền; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; công tác chuẩn bị trâu tham gia lễ hội… từ sớm. Trong đó, số trâu tham gia Lễ hội năm 2024 là 16 trâu, mỗi phường trên địa bàn được đăng ký tham gia 2 suất trâu; 4 chủ trâu có trâu đạt giải Nhất, Nhì và đồng giải Ba năm 2023 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu. Công tác chăm sóc, huấn luyện trâu tham gia được Lễ hội được UBND các phường và các ông chủ trâu tăng cường kiểm tra, giám sát. 

Quận xây dựng phương án đảm bảo ANTT, ATGT, PCCC cho Nhân dân và du khách tham dự Lễ hội và công tác kiểm soát lượng khách vào sân xem Hội bảo đảm văn minh, an toàn.Đáng chú ý, để tránh tình trạng quá tải và đảm bảo an toàn trong sân vận động, Ban tổ chức Lễ hội tiếp tục bố trí màn hình Led to hơn và ở vị trí thuận lợi hơn phía bên ngoài sân vận động để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách về với Lễ hội nhưng không được vào sân xem trực tiếp.

Về cơ cấu giải thưởng, Ban Tổ chức trao giải Nhất trị giá 100 triệu đồng, giải Nhì trị giá 60 triệu đồng, đồng giải Ba mỗi giải 30 triệu đồng và các giải phụ khác cho các trâu và các phường tham gia Lễ hội.

Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh các nghi thức truyền thống (gồm phần Lễ: Lễ dâng hương, thượng cờ khai hội; Lễ rước nước; Lễ Thần linh; Lễ hiến sinh, lễ tế thần; Lễ Tống thần; và phần Hội diễn ra từ 7h30 ngày 11/9/2024, tức ngày 9/8 âm lịch);  Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2024 còn có các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 35 năm khôi phục, phát triển Lễ hội, gồm: Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia”; Chương trình văn nghệ chào mừng 35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội; Tuyên truyền lưu động và trưng bày ảnh, hiện vật gắn liền với 35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội.

Lễ hội năm nay, Công ty Cổ phần VietPictures Hải Phòng phối hợp với quận Đồ Sơn khai thác vận động tài trợ và bảo trợ truyền thông cho Lễ hội. Để xây dựng thông tin nền tảng, từng bước đa dạng và nâng cao trải nghiệm của người dân và du khách, VietPictures Hải Phòng đã xây dựng website (www.choitraudoson.vn) và Fanpage Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, đặt hàng Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Độc đáo Lễ hội Đấu Ngưu Đồ Sơn để quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, du lịch của Lễ hội đến khán giả cả nước và quốc tế.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn. Lễ hội được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này sang đời khác, gắn liền với chiều dài lịch sử, sự phát triển của vùng đất, con người Đồ Sơn. Điều đó đã khẳng định  giá trị văn hoá tâm linh, sức sống nội sinh, bền lâu, mạnh mẽ của Lễ hội trong đời sống tinh thần của Nhân dân.  Với những nội dung mang giá trị độc đáo của mình, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ngày 27/12/2012.

LIÊM ĐOÀN - LAN PHƯƠNG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông