Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Tăng cường công tác quản lý các cấp

00:03 05/07/2018

Tính đến nay, Hải Phòng đã có 5 di sản văn hóa vi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Minh Thề, Lễ hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê và Lễ hội Xa mã. Liên tiếp 3 trong số 5 di sản trên được công nhận trong thời gian gần đây, cho thấy sự nỗ lực của ngành Văn hóa &Thể thao thành phố trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao đã hoàn thành xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Hội hát Đúm Thủy Nguyên, báo cáo UBND TP trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê

Lưu giữ văn hóa địa phương

          Những ngày đầu xuân năm Mậu Tuất 2018, lễ hội Vật làng Vĩnh Khê (xã An Đồng, huyện An Dương) diễn ra trong không khí sôi nổi, háo hức của người dân. Niềm vui được nhân đôi bởi lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện và đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội mang sự khác biệt ở việc huy động được sự vào cuộc của cộng đồng dân cư. Các nghi lễ từ lễ giao điệp, mộc dục, nhập tịch, cáo yết, tế nam quan, lễ dâng hương và phần hội đều được tái hiện sinh động.

          Với người dân làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy), lễ hội Minh Thề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một niềm tự hào to lớn. Người dân tự hào khi các lễ hội truyền thống của địa phương được tôn vinh. Không gian lễ hội Minh Thề diễn ra tại cum di tích đền, chùa Hòa Liễu với những nghi lễ vẫn còn giữ nguyên các tiêu chuẩn như ngày trước. Lễ hội cũng được xem là “có một không hai” về phòng, chống tham nhũng, lấy của công làm của tư.

          Với lễ hội Xa Mã diễn ra tại đình Hoàng Châu (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải) có nguồn gốc hình thành và phát triển lâu đời, được tổ chức trên 3 cơ sở chính: lễ hội được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày dân làng dựng đình, dịp để dân làng tạ ơn đức vua bà Nam Hải và đức vua ông Đông Hải hiển linh giúp dân đưa bè gỗ về dựng đình; nhằm tri ân bậc tiền nhân-hai vị thành hoàng Đô Nguyên soái và Phó Nguyên soái có công tiễu trừ hải tặc, dạy dân nghề đánh bắt cá và được tổ chức gắn với thời gian ngư nhàn của ngư dân ven biển Cát Hải.

Thông qua lễ hội, ngư dân gửi tới thần linh biển cả- thủy thần ước vọng bảo trợ để cho mùa ra khơi đánh bắt được an toàn, bội thu.

Phát huy sự vào cuộc của cộng đồng

Thành phố Hải Phòng hiện còn lưu giữ và bảo tồn được nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Những lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể trên phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Các lễ hội truyền thống tại Hải Phòng luôn gắn liền với các di tích lịch sử-văn hóa là đình, đền, miếu, phủ và các công trình tôn giáo. Ngoài ra phải kể đến các lễ hội làng mang ý nghĩa phồn thực (cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi)…

Bởi thế, việc giữ gìn, bảo tồn các lễ hội truyền thống, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể không chỉ là việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa có từ lâu đời mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với mỗi người dân.

Lễ hội Xa mã đình Hoàng Châu 

Chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản, ngành văn hóa thành phố đã tổ chức các lễ hội di sản văn hóa phi vật thể theo quy mô lớn hàng năm. Song song với đó là việc thực hiện bảo tồn các loại hình di sản khác như múa rối nước, trò chơi dân gian đánh pháo đất, đánh vật…

Hội hát Đúm ở Thủy Nguyên đang được hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực trong việc tập trung lưu giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống, ngăn chặn và xử lý kịp thời các biểu hiện mê tín dị đoan trong lễ hội.

Không chỉ có ý nghĩa tôn vinh lễ hội, là nguồn động viên lớn đối với các thế hệ người dân địa phương, khi lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn là cơ sở pháp lý để góp phần giữ gìn môi trường, không gian tổ chức, trình diễn các nghi lễ, nghi thức của lễ hội. Những lễ hội như vậy còn là nguồn tài liệu lịch sử quý giá với nhân dân thành phố.

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng), yếu tố quan trọng của việc bảo tồn chính là phải giữ gìn được giá trị gốc của di sản trong đời sống đương đại. Phục dựng lễ hội cần đến những người tâm huyết và có kinh nghiệm, tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ trong địa bàn và khuyến khích họ cùng tham gia.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quan tâm tôn tạo kiến trúc, cảnh quan nơi tổ chức lễ hội để đảm bảo không gian linh thiêng, thuận tiện cho các nghi lễ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về lễ hội cũng cần được đảm bảo, siết chặt. Bài học sâu sắc từ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 cho thấy sự cần thiết tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và quản lý lễ hội nói chung.

Tin tưởng sự tích cực vào cuộc của ngành Văn hóa Thể thao và ngành Du lịch trong thời gian tới sẽ khắc phục được những tồn tại, biến tướng của các lễ hội hiện nay.

Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông