Bát nháo thị trường sách “tâm linh”

14:56 06/11/2019

Những năm gần đây sách tâm linh được phát hành nhiều, càng gần đến tết Nguyên đán càng rộ, có thể gặp mua bất cứ ở đâu. Bên cạnh những thành quả nghiên cứu mang tầm khoa học, có không ít thứ có thể coi là sách rác, nhiễu loạn vì niềm tin của một bộ phận cộng đồng.

                                                     Ảnh chỉ mang tính minh họa

Tin vào thế giới siêu nhiên?

Người Việt xuất nguồn chung với văn hoá Đông phương, niềm tin vào thánh thần không có gì là lạ, cũng giống như người phương Tây tin vào chúa Trời, người Trung Á tin vào thánh A La.

Có thể thấy, trình độ cổ sơ chưa thể giải thích hiện tượng thiên nhiên, bên cạnh những thứ có sẵn cho sự sống, còn nhiều tai họa như hạn hán, bão lụt, sấm sét, dịch bệnh, thú dữ… nữa. Rồi cũng được sinh ra, nhưng có kẻ nghèo người giàu, kẻ tốt người xấu, có khi người giỏi thì khổ mà người dốt lại sướng… vì không hiểu nổi nên người ta thường đổ ráo cho số phận.

Ngày nay thời thế đổi khác nhiều, con người đã tìm được đường lên “trời” bằng tàu vũ trụ, Việt Nam cũng đã có vệ tinh viễn thông địa tĩnh Vinasat chốt trên “thiên đàng”. Nhưng vẫn nhiều người tin rằng, có một thế giới vô hình tồn tại ở dạng vật chất khác, chế ngự, sắp đặt từng suy nghĩ và hành động của chúng ta, đấy là cõi tâm linh, và sự sắp đặt ấy được coi là định mệnh.

Thực ra đối với những việc trọng đại như lấy vợ, làm nhà hay cơ sự tầm trung cỡ khai trương, xuất hành… thật khó tìm được người không hề quan tâm tới, dù ở bất cứ cương vị nào. Chuyện xem ngày chọn giờ, nghinh sao cát, chấn sao hung đã trở thành phổ biến, có người xem cốt để tìm sự yên ổn tâm lý, nhưng không ít người lệ thuộc hẳn vào niềm tin ấy. Bởi vậy dịch vụ làm “thầy” mới có dịp đua nở, ăn theo đó là hàng trăm đầu sách phát hành ồ ạt, cũng sôi động không kém so với những thị trường hàng hoá khác.

Nhân một buổi ngồi uống cà phê trên đường Minh Khai, anh bạn tôi mua được hai cuốn “Chọn việc theo lịch âm” và “Vạn sự bất cầu nhân” của người bán rong với giá 85.000 đồng.

Xem mãi không hiểu mới đem đến nhờ tôi, tò mò tôi lật xem thử, thật lạ ngay trong những dòng nói về tháng Chạp, một quyển cho là Giáp Tý, còn quyển kia là Ất Sửu, cùng ngày 6/Chạp, một quyển kê sao tốt là “minh tinh, giải thần, kính tâm” và sao xấu là “hoang vu, nguyệt hoả, ngũ hư”, còn quyển kia kê sao tốt “nguyệt không, dương đức, lục nghi…” và sao xấu “nguyệt phá, đại hao, tai sát…”.

Tôi lật xem ngày tháng của năm khác thì chẳng thấy ngày nào giống ngày nào, đáng chú ý cả hai cuốn đều cùng một tác giả và cùng được ấn hành từ một nhà xuất bản. Liệu có phải đây là một dạng sách giả (bản chất là hàng giả) được in ra để lừa người tiêu dùng?

Làm thử một cuộc trắc nghiệm, tôi tạt vào hiệu tạp hoá mua được cuốn “Lịch vạn niên năm Canh Tý” bìa vàng, nhìn cách trình bày nham tạp và không có chú thích xuất bản, mà giá chỉ có mấy chục nghìn đồng, tôi đoán chắc là sách lậu. Đem về so với hai cuốn của anh bạn thì ôi thôi, các “thông số kỹ thuật” cũng lệch toàn diện.  Anh bạn tôi đưa ra ý kiến: “Hay là nhờ thày giảng hộ…”, tôi cười: “Đã tìm đến thầy thì còn mất tiền mua sách làm gì?”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Lạc hướng vì sách bát nháo

Lại nói về “thầy”, tôi có một người anh họ ở quê trình độ văn hoá hết chưa hết cấp 1(tiểu học), trước kia lọ mọ mấy sào ruộng khoán chẳng năm nào đủ tiền đóng học cho con, cứ than thân trách phận.

Ngày máy vi tính còn hiếm, một lần tôi hỏi tên tuổi của anh rồi đưa vào máy in ra một trang tử vi, tôi không hiểu và anh cũng mù tịt, nên anh đem đến nhờ một cụ già trong làng giải hộ. Phải nói anh là người thông minh, qua lại mấy lần mà hiểu được, thế là anh lấy luôn lý lịch của vợ con, hàng xóm đưa cho tôi để nhờ… máy soạn hộ.

Thấy anh say mê tôi ra cửa hàng sách mua tặng anh mấy bộ, nào là “Lục thập hoa giáp”, “Tập tục tín ngưỡng”, “Tử vi đẩu số”… Thế mà mấy năm gần đây anh nức tiếng trong vùng nhờ nghề coi tử vi, xem ngày giờ lãnh dữ, cuộc sống trở lên khá giả, ngày nào nhà anh cũng có người ra kẻ vào, người ta đồn anh được thiên ứng lại gặp sư phụ tài danh.

Thành thử giờ về quê, tôi không dám đến nhà anh, sợ anh ngượng vì “lộ tẩy”,  không biết các bậc cao nhân ẩn dật uyên thâm đến mức nào, nhưng độ “uyên thâm” của ông anh họ thì tôi hiểu rõ.

Trở lại với chuyện sách tâm linh, những ngày cuối năm các hiệu sách, cửa hàng tạp hoá, sạp báo hay mẹt cắp nách bán rong, phải nói là “thiên đường” của sách loại này.

Ngoài các chủ đề “phương pháp làm giàu”, “kỹ nghệ kinh doanh”, “đắc nhân tâm”, “bí mật phòng the”… sách tâm linh cũng chiếm không gian không thua kém. Riêng “Vòng giáp cuộc đời” trọn bộ đã 12 cuốn, rồi “Những câu chuyện về thế giới tâm linh”, “60 năm sinh trong hoa giáp”, “Dựng vợ gả chồng”, “Văn khấn nôm”… đến blog lịch cũng đầy đủ các thông tin về ngày tốt xấu, thời tiết, khí tượng, thuỷ văn…

Tất nhiên mục tiêu chính của người phát hành đơn giản chỉ là “bán giấy lấy tiền”, còn hậu quả đã do… số phận. Trong khi đó chỉ cần vài phút gõ phím vào mạng Internet, có thể hiểu tất cả những cuốn sách bày bán tràn lan hiện nay cũng chỉ được copy trong ấy mà ra.

Công bằng mà nói, cổ nhân đã để lại cho chúng ta những công trình nghiên cứu vô giá, không chỉ góp phần giải thích những sự vật hiện tượng trước kia, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị như Lịch vạn niên, Kinh dịch, Chu dịch...

Thuyết âm dương thì quá rõ, vì có cao mới biết được điều thấp, có trên mới có dưới, có phải mới nhìn thấy lẽ trái. Nhưng nghĩ rằng, tốt xấu còn tuỳ thuộc từng người từng việc, không gian và thời gian theo quan niệm của mỗi người khác nhau, người Việt ta ngắm phong cảnh đẹp đến tột cùng thì khen đẹp như tranh, nhưng có bức tranh mãn nguyện lại bảo là trông như thật.

Vẫn biết trong cuộc sống việc chọn ngày xem giờ để lo đại sự cũng là một tục lệ biểu hiện sự thành kính, thận trọng, nghiêm túc. Nhưng không thể tuỳ tiện một cách mê muội, thuật bói toán đúng hay sai còn là điều phải nghiên cứu rất nhiều, nhưng việc lợi dụng niềm tin để in ấn phát hành sách bừa phứa mà trục lợi là một điều đáng để suy ngẫm.

Chẳng dám đem phép duy vật biện chứng để giải thích những vấn đề tâm linh ở đây, nhưng thực tế nếu quá ngộ vào sách hoặc những ông thầy cỡ như ông anh họ đã kể, thì sự thể  đúng là câu chuyện bi hài.

Tiếc rằng, những triết lý nghiên cứu cao siêu đôi khi bị suy diễn lệch lạc, cũng khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân lạc hướng, trong việc tìm đến những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình. Rõ ràng, để sách tâm linh biến tướng tràn lan thị trường, trách nhiệm của những cơ quan quản lý cũng không hề nhỏ.

Dù có còn hơn không, nhưng “vô sư, vô sách, quỷ thần bất trách”, mọi sự đâu chỉ do số phận, cổ nhân cũng đã răn rằng “đức năng thắng số” đấy thôi.

Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông