Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Đưa kỹ thuật chuyên sâu can thiệp tim mạch vào sử dụng thường quy tại Bệnh viện

    17:44 11/10/2023

    Các bác sĩ của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vừa can thiệp đóng ống động mạch cho 2 bệnh nhi mắc bệnh lý về tim mạch (còn ống động mạch). Các cuộc phẫu thuật diễn ra thành công với sự phối hợp giữa Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và Bệnh viện Nhi Trung ương. Việc can thiệp tim mạch đóng ống động mạch bằng dù là phương pháp hiện đại được thực hiện ngay tại bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tạo cơ hội cho trẻ mắc bệnh lý tim mạch được điều trị ngay tại Hải Phòng, mà không phải chuyển tuyến lên Trung ương.

    Ngày 6-10 vừa qua, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công 2 ca can thiệp bít ống động mạch bằng dù trên máy DSA (máy chụp mạch xóa nền) cho 2 trẻ mắc bệnh lý Tim bẩm sinh còn ống động mạch.

    Trước đó, vào sáng 4/08/2023, Bệnh viện cũng tiến hành điều trị can thiệp mạch trên máy DSA cho 3 bệnh nhi mắc bệnh lý về tim mạch.

    Đây là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay trong việc xử lý, điều trị can thiệp mạch cho bệnh nhi còn ống động mạch.

    Theo thông tin từ gia đình các bệnh nhi, các cháu được phát hiện bệnh trong hoàn cảnh rất tình cờ khi bị viêm phổi, hô hấp đến khám và điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán còn ống động mạch nên chỉ định cần can thiệp tim mạch.

    Đón con gái về phòng hồi sức để theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau mổ, anh Nguyễn Văn Chiến, ở Tân Dân, huyện An Lão bố cháu Nguyễn Hải Đăng, 8 tuổi vui mừng chí sẻ với phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng: Cháu hay bị các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản nhưng gia đình chủ quan, không đưa đi khám. Đến tháng 10-2022, cháu bị viêm phổi, viêm phế quản nặng gia đình đưa cháu đến điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Trong khi làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, cháu được phát hiện mắc bệnh về tim mạch, cụ thể là ống động mạch chưa đóng.

    Các bác sĩ can thiệp bít ống động mạch bằng dù trên máy DSA cho trẻ mắc bệnh lý Tim bẩm sinh còn ống động mạch tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

    Còn chị Lê Mai Thương, ở xã An Lư (huyện Thủy Nguyên), mẹ cháu Bùi Thị Yến Nhi, 44 tháng tuổi vừa được các bác sĩ thực hiện can thiệp tim mạch đóng ống động mạch bằng dù thành công vào ngày 4-8 vừa qua. Chị Thương cho biết, gia đình phát hiện cháu mắc bệnh từ khi 2 tháng tuổi, cũng đi khám nhiều nơi nhưng vì con còn bé nên chưa dám điều trị phẫu thuật. Khi cháu đi học mầm non, có tháng 3 lần bị viêm phổi, thường xuyên đau bụng nên phải nghỉ học. Năm 2021, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khám và điều trị viêm phổi, cháu được các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán còn ống động mạch nên chỉ định cần can thiệp tim mạch.

    Theo các chuyên gia y tế, còn ống động mạch là bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 10% các trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh. Tỉ lệ mắc bệnh này ở nữ giới gấp 2 lần nam giới. Đây là bệnh lý hay gặp ở trẻ sinh non, hầu hết có kèm theo các bệnh lý tim mạch khác. Còn ống động mạch nhỏ thường không có triệu chứng và thường được chẩn đoán khi bác sĩ nghe tim trẻ hoặc đánh giá qua siêu âm. Trên thực tế, còn ống động mạch thường không có triệu chứng sớm, nhưng trong vòng 12 tháng đầu của trẻ có sự gia tăng gánh nặng khi thở và tăng cân chậm. Trẻ trên 12 tháng còn ống động mạch có thể dễ mệt mỏi hơn và thường xuyên viêm phổi.

    Bác sĩ Khoa tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) thăm khám cho bệnh nhi sau khi can thiệp

    BSCK2 Dương Văn Đoàn, Trưởng Khoa Tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) cho biết, Các dấu hiệu có gợi ý về việc còn tồn tại ống động mạch như trẻ có biểu hiện trẻ mệt, khó thở khi gắng sức (bú, khóc…); Sốt, ho tái phát nhiều lần; Trẻ chậm lớn, chậm biết đi. Việc chẩn đoán còn ống động mạch chủ yếu dựa trên siêu âm tim mạch. Siêu âm thường quy vào ngày thứ 2 - 3 sau sinh cho tất cả các trẻ sinh non suy hô hấp và các trẻ sinh non dưới 28 tuần.

    Trẻ mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, phụ thuộc vào kích thước ống động mạch. Các biểu hiện thường gặp ở trẻ mắc bệnh: Chậm lớn, kém ăn, thở khò khè, khó thở…, có thể dẫn đến suy tim, các nhiễm trùng trong tim và dễ bị tử vong.

    Can thiệp tim mạch đóng ống động mạch bằng dù là phương pháp hiện đại. Các bác sĩ sử dụng hệ thống ống thông đường dẫn đưa vào mạch đùi, ngược dòng máu vào tận các buồng tim và mạch máu của bệnh nhi. Dưới màn hình hệ thống chụp mạch DSA, bác sĩ kiểm soát và đánh giá chính xác các tổn thương do dị tật còn ống động mạch và lựa chọn dụng cụ dù can thiệp thích hợp để đóng tổn thương ống động mạch đối với người bệnh. So với mổ tim trước đây thì phương pháp can thiệp mạch có nhiều lợi thế như thời gian thực hiện phẫu thuật thường chỉ mất 30 phút, còn mổ tim sẽ lâu hơn nhiều. Ngoài ra, sau khi can thiệp tim mạch, thời gian hồi phục của bệnh nhân sẽ nhanh hơn; có thể xuất viện sau 2-3 ngày, còn mổ tim có khi phải kéo dài 1 tháng, để lại sẹo, có thể nhiễm trùng vết mổ nếu ko được chăm sóc tốt, hồi phục lâu hơn… Và hơn nữa, chi phí mổ tim sẽ tốn kém hơn chi phí can thiệp mạch.

    Theo thông tin của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, từ khi bệnh viện triển khai Dự án thực hiện kỹ thuật chuyên sâu can thiệp tim mạch theo Quyết định số 469 năm 2015 của UBND thành phố đến tháng 7/2020, có 30 người bệnh được can thiệp tim mạch thành công tại bệnh viện. Các ca can thiệp đều có sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ đầu ngành Bệnh viện Nhi Trung ương theo đề án bệnh viện vệ tinh. Các bệnh nhi sau khi được can thiệp tim mạch đều phục hồi sức khỏe tốt. Sau 2 năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện đã triển khai can thiệp thành công cho 5 bệnh nhi mắc bệnh lý về tim mạch (còn ống động mạch).

    Theo PGS.TS Bùi Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, mỗi năm bệnh viện đón hàng trăm trường hợp khám bệnh ngoại trú liên quan đến tim mạch. Cụ thể, 6 tháng năm 2023 có 145 trường hợp; năm 2022 có 326 trường hơp; năm 2021 có 296 trường hợp và 2020 có 503 trường hợp. Thống kê trên cho thấy nhu cầu khám và điều trị can thiệp tim mạch cho trẻ mắc các bệnh tim mạch bẩm sinh khá lớn. Vì vậy, việc đưa kỹ thuật chuyên sâu can thiệp tim mạch vào sử dụng thường quy tại Bệnh viện vừa giúp trẻ em mắc bệnh tim mạch được điều trị ngay tại Hải Phòng, không phải chuyển tuyến trên, góp phần giảm tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến Trung ương, tiết kiệm thời gian, chi phí của người bệnh, gia đình người bệnh.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông