17:35 04/06/2024 Sáng 4-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.
Phát biểu điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn vào 3 nhóm vấn đề về: việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Luật hoá cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản?
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Để giải quyết căn cơ vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Bích Ngọc về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương nên đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án. Nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.
Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi. Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.
Tìm giải pháp về nguyên vật liệu cho các dự án đặc biệt quan trọng
Đại biểu Trần Kim Yến (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế có điều kiện khi mà chưa đáp ứng thì triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, có dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Bộ trưởng cho biết, trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.
Liên quan đến vấn đề dùng cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, về vật liệu thay thế, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành và chuyển các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như là các định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý sử dụng tro sỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng bao gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, trước đây đã quy định phân cấp về địa phương, tuy nhiên còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục nên đã làm chậm trễ quá trình này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, đã được Quốc hội xem xét, khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 loại nhóm, trong đó nhóm vật liệu xây dựng thông thường sẽ được đơn giản hóa các thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, từ nay đến khi có Luật Khoáng sản có hiệu lực thì Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục. Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt là đối với các giải pháp cho các vùng rất khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, Thủ tướng đã có 2 lần đến làm việc, bất cập hiện nay ở vùng này là xác định trữ lượng, công suất và nhu cầu của tiến độ khai thác. Để giải quyết khó khăn này chúng ta đã có dự báo chính xác về tiến độ, công suất có thể cung cấp để xác định nhu cầu cần phải cung cấp.
Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu đánh giá thử nghiệm về nguồn cát nhiễm mặn và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ khai thác, công nghệ san lấp, đánh giá tính chất cơ lý, sức bền vật liệu, tính ảnh hưởng môi trường. Chúng ta cũng có các bước thử nghiệm từng khu vực khai thác, từng công trình, đưa ra các tiêu chí về sử dụng cát biển- đây là yêu cầu tiên quyết.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có các mục tiêu giải pháp đối với các cảng, biển nội thủy và các sông ngòi, tuyến kênh, rạch, sẽ giao cho các địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, thực hiện thông tuyến, tận dụng nguồn vật liệu cát này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung các nguồn cát, trong đó có việc nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập vật liệu cát ở nước bạn. Như vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát cho các dự án sẽ được giải quyết tốt.
Khai thác và sử dụng đất hiếm
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đặt câu hỏi về công tác sử dụng, quản lý đất hiếm. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có trữ lượng tương đối lớn. Hiện nay, Bộ đang triển khai đề án điều tra cơ bản, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng.
Bộ trưởng khẳng định quan điểm việc khai thác, chế biến cần tính đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, hướng tới xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề đất hiếm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới. Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng khảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô.
Giải pháp hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ có giải pháp như nào để hiện thực hóa mục tiêu trên của Đảng?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lã Thanh Tân về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong nghị quyết 36-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đây cũng là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển của kinh tế biển.
Từ nghị quyết này, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. Ngoài các khu bảo tồn đa dạng chúng ta phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặt sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trông thủy hải sản. Hiện nay, Bộ đang tích cực thực hiên các nghị quyết của Trung ương về các chiến lược thực hiện những mục tiêu này.
Quản lý chặt các nguồn xả thải
Dẫn báo cáo của Bộ cho thấy cả nước tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý 10%, 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ làng nghề, khu công nghiệp và sinh hoạt?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng mong tư lệnh ngành tài nguyên môi trường cho biết giải pháp “hồi sinh các dòng sông chết”, sông ô nhiễm nặng, trong đó có hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Ở góc độ khác, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phản ánh ý kiến cử tri Nam Định và lưu vực nguồn sông Nhuệ - Đáy, là nơi chịu tác động nặng nề từ ô nhiễm nguồn nước do nước thải chưa đạt tiêu chuẩn xả vào. Theo báo cáo của bộ, nước thải từ đô thị, làng nghề, khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu nước thải phát sinh. Trong khi đó tỷ lệ nước thải thu gom thấp. Đây là vấn đề đã nêu qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội. Đại biểu chất vấn: Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng nơi nào xả thải càng nhiều thì xử lý nước thải càng ít. Đô thị xả thải, nông thôn gánh chịu ô nhiễm. Bộ xử lý trường hợp vi phạm nào chưa? Ngoài giải pháp thành lập uỷ ban lưu vực sông thì bộ phối hợp với các địa phương thuộc lưu vực có các đô thị, làng nghề lớn và bộ ngành có liên quan để giải quyết tình trạng gây ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy như thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sông Nhuệ - Đáy nhiều năm ô nhiễm nhưng chưa được cải thiện, đặc biệt là đầu nguồn nội thành Hà Nội.
Nguồn thải của Hà Nội chiếm 65%. Toàn sông Nhuệ - Đáy có 1982 làng nguồn xả thải, trong đó 1.662 nguồn thải có cơ sở sản xuất kinh doanh và 39 nguồn thải là cụm công nghiệp, khu công nghiệp.
Bộ TN-MT tăng cường quan trắc và phân tích môi tường lưu vực sông. Hiện có 5 điểm quan trắc tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ môi trường nước mặt, ngoài ra những điểm xả thải lớn có nguy cơ cao thì quan trắc thường xuyên, liên tục kết nối dữ liệu online để kiểm tra giám sát.
Đề cập việc thu gom xử lý nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, phải xây dựng quy hoạch, phải có sự vào cuộc của các địa phương, chung sức, đồng lòng xử lý nguồn thải, cải tạo dòng chảy.
Đồng thời lưu ý công tác tuyên truyền, vận động vì dù có giám sát đến mấy mà ý thức không cao thì cũng khó phát triển bền vững. Bộ trưởng cũng kiến nghị quan tâm bố trí nguồn lực từ đầu tư công cho thu gom xử thải và hệ thống thuỷ lợi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chất vấn: Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy thành lập qua nhiều nhiệm kỳ rồi mà tình trạng ô nhiễm không giảm thì theo bộ trưởng cần thêm bao nhiều thời gian? Nguồn lực gồm cả Trung ương và địa phương thì bộ trưởng có phương án thế nào? Cần có phương án xử lý tổng thể vì liên quan đến sức khoẻ của hàng chục triệu dân…
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã có quy định rõ ràng thể chế, quy định rõ việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông.
Khẳng định việc tăng cường quan trắc, giám sát, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm, ông cho biết thời gian qua Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Công an và địa phương thanh tra, kiểm tra, xử phạt nhiều vi phạm.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội vì sao các dòng sông vẫn ô nhiễm, Bộ trưởng Bộ TN-MT nói rằng phát triển KT-XH thì nhu cầu dùng nước sẽ tăng lên, trong 50 năm tăng 3 lần.
Khu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, Bắc Hưng Hải... ngày càng đô thị hoá, hình thành các khu công nghiệp, dân cư ngày càng lấp đầy, tăng mật độ xây dựng và dân cư thì nước thải sinh hoạt nhiều hơn.
Nhấn mạnh việc cải tạo dòng chảy, bộ trưởng cho biết thời gian tới có đề án nạo vét khơi thông, nhất là với hệ thống sông Bắc Hưng Hải và sông Nhuệ - Đáy.
3 nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện hiệu quả Luật Tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp. Thứ nhất, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, bảo đảm đúng quy định. Đẩy nhanh chuyển đổi số, sớm hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.
Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; phục hồi và phát triển các khu bảo tồn biển, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm. Huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và các Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông lớn. Đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Bảo đảm hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực xử lý, khôi phục các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ năm 2025, công bố Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh làm căn cứ để điều hòa, phân phối nguồn nước. Bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt từ 93 đến 95%”.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án Luật Địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15.
Tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm để bảo đảm tiến độ các quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt. Trong năm 2024, hoàn thành Đề án về điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền).
Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, làm đường giao thông và các lĩnh vực khác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản./.
Hồng Thanh
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết