Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn Rõ các biện pháp quản lý thương mại điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ

12:17 05/06/2024

Chiều 4 và sáng 5-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quản lý thương mại điện tử; livestream bán hàng; phát triển công nghiệp hỗ trợ… được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi.

                                         Thương mại điện tử phát triển phải có giải pháp quản lý

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Đại biểu đề nghi Bộ trưởng cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này? Qua đó hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) phản ánh, một trong những hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó, vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng, do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về vấn đề trên?

          Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng và  thất thu thuế. 

           Bộ trưởng cho biết, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng thời gian qua Bộ Công thương đã nhận diện rõ vấn đề này; đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 01/7/2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

          Thời gian tới, để khắc phục tình trạng này Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử. Đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật; Yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu sản giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

           Về giải pháp chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã thường xuyên khuyến nghị đến người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.

          Bộ Công thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.

          Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

           Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

           Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên thương mại điện tử; Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.

            Đối với giải pháp chống thất thu thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2003 tăng trên 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này. Bộ Công thương tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

          Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6/2014.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

          Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, Bộ trưởng cho biết Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

           Làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử. Bộ Tài chính cũng đã tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Trong công tác phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Theo đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 của ngân hàng.

 Về kết quả thực hiện, năm 2022, đã thu được 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được 50.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Tiktok đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Hiện, các tập đoàn lớn này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử.

           Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ.Giải pháp quản lý không gian mạng được Bộ trưởng nêu ra đó là thể chế số, công cụ số và con người số - tức là kỹ năng số cho người dân. Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất. 

Bộ trưởng cho biết, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số, có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng cần dùng công nghệ hiện đại. Bộ trưởng lấy ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khỏan có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phân tích, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương đã xác định đúng vấn đề bức xúc hiện nay. Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến thương mại điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định, thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống. Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử. 

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử. 

           Quản lý chặt livestream bán hàng

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, thời gian qua, mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi cho Bộ trưởng rằng những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này? 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thượng mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Giải pháp tốt nhất là Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lương quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch.

 Đồng thời, phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp này.

Đối với các trường hợp có căn cứ là vi phạm, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này.

Theo Bộ trưởng, tương mại điện tử phát triển rất mạnh, quy mô thương mại 21 tỷ USD, nên trong tương lai phát triển mạnh nữa và cơ chế chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện.

           Tập trung phát triển công nghiệp

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) 

            Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, công nghiệp phụ trợ dường như là một hướng đi đúng đắn để tái cơ cấu và phát triển công nghiệp cũng như tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn mới; đồng thời tạo ra hệ sinh thái liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có chính sách phát triển toàn diện, bao trùm về công nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ có kế hoạch như nào để đưa ra chính sách phát triển công nghiệp toàn diện cho đất nước?

          Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua Bộ đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản và đạt được kết quả cụ thể. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%... 

           Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục tham mưu hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó nghiên cứu xây dựng Luật phát triển công nghiệp trọng điểm bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng. Đồng thời, tăng cường phân bổ nguồn lực cả trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này; triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho dệt may; công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghệ cao. Sau 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu cần đạt được là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định. 

          Tuy nhiên một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng, các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng đạt mục tiêu chưa cao…

      Theo Bộ trưởng,  các chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế, như nguồn lực đầu tư của nhà nước, từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, chồng chéo với nhau, một số điều kiện hưởng ưu đãi còn khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận. Chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa ràng buộc, chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Hơn nữa, lĩnh vực này cần trình độ công nghệ và kinh nghiệm nhất định; việc phổ biến tuyên truyền các chính sách ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; rào cản gia nhập thị trường khó khăn…  

           3 vấn đề trọng tâm với ngành Công Thương

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu 3 vấn đề trọng tâm với ngành Công Thương

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử.

Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên mạng. Chủ động rà soát và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa. Nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương mại, thường xuyên cập nhật về quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện FTA tại các địa phương. Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước./.

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông