Các nội dung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong sử dụng dữ liệu dân cư đánh giá khả tín khách hàng vay

21:52 18/09/2023

Việc đánh giá khả tín khách hàng vay cá nhân liên quan mật thiết tới quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong khi đó, ưu tiên cao nhất của dữ liệu dân cư là phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Làm thế nào để có thể đảm bảo các vấn đề pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong sử dụng dữ liệu dân cư đánh giá khả tín khách hàng vay đang là vấn đề mới, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, có cơ chế thí điểm, nghiên cứu điều chỉnh sao cho phù hợp trước khi nhân rộng. Để giúp cho bạn đọc có được cái nhìn khái quát về các nội dung pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong sử dụng dữ liệu dân cư đánh giá khả tín khách hàng vay, sau đây, Chuyên đề ANHP xin giới thiệu một số nội dung cốt lõi của Nghị định 13/2023/NĐ-CP (NĐ13/CP) liên quan đến lĩnh vực này.

 Đại tá Bùi Trung Thành – Phó Giám đốc CATP và các đại biểu dự hội thảo Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay tại điểm cầu Hải Phòng

 

Vai trò của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH

Nghị định 13/2023/NĐ-CP, ngày 17-4-2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 4 chương, 44 Điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.

Trong Nghị định này đã xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của các Bên có liên quan. Với mục đích thu thập là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) phục vụ hoạt động của Nhà nước, phương tiện thu thập là các thiết bị theo quy định, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH là cơ quan nhà nước Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 của  nghị định, với vai trò trực tiếp là Bên Kiểm soát và Xử lý dữ liệu cá nhân.

Theo khoản 11, Điều 2 của nghị định quy định: Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân là tổ chức, cá nhân đồng thời quyết định mục đích, phương tiện và trực tiếp xử lý dữ liệu cá nhân.

Vậy dữ liệu cá nhân là gì? Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 của nghị định này, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Theo những trường thông tin mà dữ liệu dân cư thu thập, có thể xác định rằng, dữ liệu dân cư có dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Ngoài ra, dữ liệu dân cư còn bao gồm thông tin giúp xác định một con người cụ thể là thông tin hình thành từ hoạt động của cá nhân mà khi kết hợp với các dữ liệu, thông tin lưu trữ khác có thể xác định một con người cụ thể. Do đó, việc xử lý dữ liệu cá nhân phải tuân thủ đầy đủ các quy định của NĐ13/CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Những lưu ý trong xử lý dữ liệu dân cư

Bên cạnh việc phải tuân thủ nghiêm các quy định của NĐ13/CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong quá trình xử lý dữ liệu dân cư, Bên Kiểm soát và Xử lý dữ liệu cá nhân cũng được miễn trừ trách nhiệm liên quan tới sự đồng ý của chủ thể dữ liệu vì phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 17 của nghị định này phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Ngoài ra, việc xử lý dữ liệu dân cư vẫn cần tuân thủ đầy đủ các quy định khác, trong đó có một số nội dung cần lưu ý sau: Qua trình xử lý cần bảo đảm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân như chỉ được xử lý đúng với mục đích đã được đăng ký, tuyên bố về xử lý dữ liệu cá nhân; thu thập phải phù hợp và giới hạn trong phạm vi, mục đích cần xử lý; không được mua, bán dưới mọi hình thức, trừ trường hợp luật có quy định khác; chấp hành quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.

Việc xử lý dữ liệu dân cư vẫn cần tuân thủ đầy đủ các quy định

Phải tuân thủ các quy định tại Mục 2, NĐ13/CP về thông báo, cung cấp, chỉnh sửa, lưu trữ, xóa hủy, xử lý dữ liệu; tại Điều 21 và 22 của nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo và thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân. Mặt khác, cần làm hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân, hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài (nếu có).

Hai trường hợp có thể sử dụng dữ liệu dân cư để đánh giá khả tín khách hàng vay

Về sử dụng dữ liệu dân cư để đánh giá khả tín khách hàng vay, theo chia sẻ của đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại hội thảo Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay và Lễ công bố cuộc thi Tìm kiếm giải pháp công nghệ “Dữ liệu với cuộc sống” và Website Diễn đàn chuyển đổi số quốc gia do Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức vào chiều 7-8 vừa qua đã xác định có 2 trường hợp có thể sử dụng dữ liệu dân cư để đánh giá khả tín khách hàng vay.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là việc đánh giá khả tín khách hàng vay là hoạt động của cơ quan nhà nước được quy định theo luật chuyên ngành và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH được giao thực hiện nhiệm vụ này.

Trong trường hợp này, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH có thu thập thông tin liên quan tới tài chính ngân hàng của dân cư để có thể đánh giá khả tín khách hàng vay mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của nội dung này chỉ liên quan tới hoạt động của cơ quan nhà nước, không được chuyển giao, mua bán dữ liệu cá nhân có liên quan tới điểm tín dụng.

Trường hợp thứ hai là Ngân hàng nhà nước được luật giao chức năng đánh giá khả tín khách hàng vay và có sử dụng dữ liệu dân cư để xác thực. Trong trường hợp này, việc xác thực có thể được thực hiện nhằm bảo đảm thông tin điểm tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước nắm giữ là phù hợp, chính xác với dữ liệu dân cư do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH quản lý. Hoạt động đánh giá khả tín khách hàng vay của Ngân hàng Nhà nước chỉ đơn thuần là để phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.

Về việc cung cấp dữ liệu cá nhân liên quan tới điểm tín dụng cho đơn vị tài chính - ngân hàng, theo quy định tại NĐ13/CP, điểm tín dụng (chỉ là số điểm, không liên quan tới thông tin cá nhân) không phải dữ liệu cá nhân nên có thể chuyển giao cho các đơn vị tài chính - ngân hàng.

Nếu điểm tín dụng đó có thông tin liên quan tới cá nhân (ví dụ ông A được 700 điểm) thì là dữ liệu cá nhân, không được chuyển giao, mua bán cho các đơn vị tài chính - ngân hàng, trừ trường hợp luật quy định khác.

Tuy nhiên, có 1 trường hợp có thể chuyển điểm tín dụng cho các đơn vị tài chính - ngân hàng là trường hợp Chủ thể dữ liệu yêu cầu bên Bên Kiểm soát hoặc Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp điểm tín dụng của mình cho Ngân hàng.

Trong trường hợp này, Bên Kiểm soát hoặc Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân có thể là Cục Cảnh sát QLHC về TTXH hoặc Ngân hàng Nhà nước nhưng phải được luật quy định cho phép.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông