Cách tính giá điện – Cần một cơ chế hợp lý hơn

17:12 07/05/2019

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo, liên quan tới việc điều chỉnh giá bán lẻ điện thời gian qua. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Tài chính kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6-2019.

Sử dụng điện là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất hiện nay (ảnh tư liệu)

Như tin đã đưa, từ ngày 20-3 vừa qua, Bộ Công thương chính thức áp giá điện mới, với mức bán lẻ bình quân tăng 8,36%, từ 1.720 đồng lên 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), đây là đợt điều chỉnh tăng lần thứ hai trong vòng hơn một năm qua (kể từ tháng 12-2017). Theo lý giải của cơ quan quản lý, việc tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở chi phí phát sinh trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác?

Qua hơn một tháng triển khai tăng giá, thời gian gần đây trên hệ thống thông tin đại chúng có nhiều bài viết, dẫn phản ánh của người dân về sự tăng giá bất thường trong chi phí điện. Giải thích về điều này, một cán bộ lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng có 3 nguyên nhân: thứ nhất do sản lượng dùng của các hộ tiêu thụ điện trong tháng 4 tăng so với tháng 3 khi thời tiết chuyển mùa nóng; thứ hai là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày); thứ ba là do điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân theo quyết định 648 của Bộ Công Thương?

Còn giải thích việc áp biểu giá bậc thang, theo Bộ Công thương là “nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”, đồng thời dựa trên  trên kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và thế giới? Bộ Công Thương cho rằng biểu giá sinh hoạt điện sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, khi sử dụng điện ít dưới 100 kWh, được hưởng mức giá ưu đãi. Về phương thức vận hành của ngành điện, cũng theo Bộ Công thương, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng thị trường điện mà EVN sẽ chỉ là một trong số nhiều thành viên. Trong lĩnh vực phát điện còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp ngoài EVN như PVN, TKV, các nhà máy BOT của nhà đầu tư nước ngoài. Phân phối điện cũng có những doanh nghiệp ngoài EVN đang cấp điện cho các khu công nghiệp, khu chung cư, hợp tác xã kinh doanh, dịch vụ điện... Thị trường điện cạnh tranh tại cũng được Việt Nam phát triển qua 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành từ 1-7-2012, bán buôn cạnh tranh từ 1-1-2019 và từ năm 2023 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh. 

Ngành điện Hải Phòng nỗ lực đưa điện ra xã đảo Việt Hải (Cát Bà) - ảnh tư liệu

Mặc dù quan điểm của Bộ Công thương đưa ra là như vậy, nhưng dư luận vẫn có những phản ứng khác. Trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày gần đây, xuất hiện khá nhiều nội dung phản ánh sự bức xúc của người dân. Bởi lẽ, việc tăng giá không đơn thuần ở mức 8,36% mà phát sinh bởi cách tính giá lũy tiến bậc thang theo hướng dùng càng nhiều, chi phí càng lớn mà ngành điện đang áp dụng. Dư luận cho rằng phương thức ngành điện đang áp dụng hiện nay đã không còn phù hợp, việc xác định nhu cầu tối thiểu của người dân chưa phản ánh đúng thực tế, bởi 50 “số điện”/tháng thực ra chỉ đủ dùng cho một chiếc quạt và thắp sáng một chiếc bóng điện bình thường. Trong khi đó, những thiết bị như nồi cơm điện, ti vi, quạt điện… so với mức sinh hoạt hiện nay thì nhà nghèo nào cũng có, chứ chưa nói đến nhà bình thường.

Nghĩa là cùng với sự phát triển chung của đất nước, người Việt Nam ngày càng có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt theo hướng tăng lên, đấy là nhu cầu thiết thực, chính đáng và tất yếu. Đồng thời, quan điểm phản ứng cho rằng người dân đang phải chịu một vị thế bất bình đẳng khi ký hợp đồng mua bán điện, khi chỉ có thể đồng ý hoặc không đồng ý với những yêu cầu của ngành điện đưa ra. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người mua điện luôn bị động, không được tham gia vào quá trình chốt chỉ số điện năng tiêu thụ, không được chủ động quản lý thiết bị đo đếm (công-tơ), nếu có vấn đề cần khiếu nại thì cũng rất phiền hà?

Trong khi đó một tính toán khác cho thấy, thang bậc giá điện đang áp dụng được xây dựng từ năm 2013, theo số liệu thống kê thì tại thời điểm ấy số lượng hộ dùng dưới 50 kWh/tháng là 21%, tương ứng 4,41 triệu hộ. Đến năm 2017, số lượng hộ dùng dưới 50 kWh giảm xuống 4,1 triệu (chiếm 17%). Chỉ một năm sau đó, số hộ dùng dưới 50 kWh đã giảm còn 4,03 triệu, chiếm tỷ lệ 15,5%. Qua 6 năm giá điện cũng có nhiều đợt điều chỉnh, vì vậy cách tính giá bậc thang giữ nguyên như cũ đang bộc lộ nhược điểm.

Mùa hè đã bắt đầu, thời tiết nắng nóng sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đây sẽ là áp lực đè nặng lên những gia đình có thu nhập trung bình, vốn chiếm đa số hiện nay. Liên quan đến thị trường hàng hóa và tác động xã hội khác, việc thực hành tiết kiệm quá mức khi sử dụng các công cụ thiết yếu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chưa kể đến chi phí đầu vào cho ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, sẽ làm đội giá hàng hóa, mà đối tượng gánh chịu hậu quả cuối cùng cũng vẫn là người dân.

Trở lại với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 4-5, khi nói về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng: cách tính giá điện hiện nay chưa phải là khoa học, chưa rõ ràng. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành và tổ chức xã hội liên quan, cơ chế mua bán, sử dụng điện sẽ có khung chuẩn mới, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống và vận hành đúng quy luật thị trường.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông