09:17 16/09/2018 Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui cho ngành thương mại, trước những nỗ lực thực hiện chủ đề năm thứ ba liên tiếp “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Cần sớm chủ động với thị trường tết Nguyên đán 2019
Khu vực vốn ngoài nhà nước tiếp tục bứt phá
Bước sang năm 2018, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế nói chung. Riêng trên lĩnh vực thương mại, mức doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đạt hơn 77 nghìn tỷ đồng, tăng 14,97% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ tính tháng 8 vừa qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66% so với cùng kỳ năm trước.
Điều quan trọng là, dù khó khăn nhưng nhờ định hướng tốt việc tái cấu trúc, nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ mới của thành phố theo hướng trung tâm thương mại vẫn được đầu tư và đi vào hoạt động. Đơn cử như phân khúc hàng điện máy, hệ thống các thương hiệu như MediaMart, Trần Anh, Thegioiđiong, Điện Máy Xanh, Pico... tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng cả trong và ngoài khu vực nội thành Hải Phòng.
Tuy nhiên, đi vào chi tiết, thời gian qua tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của các đơn vị thương mại vốn nhà nước, với mức doanh thu nội địa chỉ đạt 2.164,65 tỷ đồng, tăng 13,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó cũng so với cùng kỳ 2017, khu vực kinh tế ngoài nhà nươc đạt 71,2 tỷ đồng, chiếm tới 92,5% tổng mức và tăng 15,25%.
Chưa kể sự tham gia của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù chỉ khiêm tốn đạt 3.733,3 tỷ đồng, nhưng cũng chiếm 4,8% tổng mức, tuy nhiên, khu vực vốn FDI lại có ưu thế vượt trội khi đóng góp chủ đạo vào thương mại quốc tế.
Cụ thể kim ngạch của nhóm FDI trong 8 tháng đạt 3.904,4 triệu USD, tăng 26,45%, so với tổng mức kim ngạch xuất khẩu 5.321,5 triệu USD của cả thành phố. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành công nghiệp khu vực FDI, nên có thể nói đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của thành phố vẫn chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm hàng phục vụ gia công, lắp ráp và nguyên phụ liệu.
Bởi xuất khẩu tăng, nhưng nhu cầu gia công đòi hỏi phải nhập khẩu số lượng lớn các nguyên liệu, vật phụ liệu và linh kiện, đã khiến cán cân xuất nhập có phần thiếu tích cực. Thể hiện khá rõ ở số liệu nhập khẩu với mức tổng mức 5.104,4 triệu USD USD cũng trong 8 tháng qua.
Nhìn vào số liệu này, cho thấy sự yếu thế về thị phần của thương mại vốn nhà nước trong thời điểm hiện tại. Sự lấn át của hệ thống thương mại ngoài nhà nước, với vai trò chủ đạo trong kiểm soát thị phần thành phố. Đồng thời cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu của quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của yếu tố cá nhân trong phát triển kinh tế.
Từ đó góp phần hiệu quả vào việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của chính sách kinh tế chứng tỏ hướng đi đúng trong chủ đề hành động “Cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh” của thành phố.
Chủ động cho thị trường cuối năm
Tuy nhiên, nhìn lại từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ, thương mại dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn bất ổn, nhất là từ góc độ giá trị hàng hóa. Bởi lẽ trên bình diện kinh tế vĩ mô, việc tăng giảm của chỉ số giá tiêu dùng CPI là một kênh đánh giá cường độ hoạt động của thị trường, vì thông thường CPI luôn tỷ lệ thuận với nhịp độ tăng của tổng cầu tiêu dùng và giá trị hàng hóa.
Nhưng chỉ số CPI bình quân 8 tháng với mức tăng 4,36% so với cùng kỳ 2017 có thể coi là mức độ trung bình.
Ở góc nhìn khác, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng nhưng chưa thực sự giải quyết được bài toán về giải phóng hàng tồn, vốn dĩ ảnh hưởng rất tiêu cực tới thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung. 8 tháng qua chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố tăng 13,8% so với cùng kỳ 2017, trong đó chỉ số tồn kho của một số ngành chủ đạo tăng cực cao, điển hình như nhóm hàng sắt, thép tăng 78,5%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 94,8%; sản xuất đồ điện dân dụng tăng 268,7%…
Mặt khác, dù tổng mức tiêu thụ hàng hóa nói chung tăng đáng kể, nhưng chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp thành phố lại tăng giảm không đồng đều. Chẳng hạn mức tăng chung 8 tháng là 11,4%, nhưng nhiều nhóm hàng lại giảm cường độ mạnh như thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản giảm 26,4%; sản xuất thuốc hóa dược giảm 23,1%...
Chưa kể nhiều nhóm ngành hàng tiêu thụ tốt lại tập trung vào thị trường xuất khẩu, vì chủ yếu thực hiện gia công theo đơn hàng có sẵn, dẫn đến áp lực tăng nhập khẩu. So sánh nêu trên cho thấy, bên cạnh việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ gia công xuất khẩu ít mang lại hiệu quả, thì một lượng lớn sản phẩm tiêu dùng được lưu thông trên địa bàn thành phố vốn dĩ được chuyển vào từ khu vực khác, đang gây áp lực lớn cho sản phẩm sản xuất tại chỗ. Đáng lo nhất là những nguồn hàng nhập lậu, sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh kém lành mạnh, đồng thời làm khó cho việc kiểm soát thị trường, cũng như điều chỉnh các chính sách khác.
Hơn nữa, những diễn biến liên quan đến biến động tỷ giá ngoại tệ gần đây, đặc biệt là việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, cũng đang có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thanh khoản hai chiều. Nhất là đối với các doanh nghiệp phải lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn, công nghệ và nguyên vật liệu của nước ngoài.
Nhìn vào bản đồ thương mại nội địa, ngay cả những sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường cũng bộc lộ nhiều bất cấp về nguồn gốc, tác động không nhỏ đến mô hình kinh tế thương mại. Chẳng hạn ở các siêu thị, mặc dù về hình thức đa số các sản phẩm có xuất xứ trong nước, nhưng thực tế cũng đa phần trong số đó là các sản phẩm gia công từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Chính vì sự mất cân đối này, nên trong chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, thành phố đang phấn đấu hạn chế dần các mô hình sản xuất gia công, có giá trị gia tăng thấp, tiêu hao tài nguyên, năng lượng. Còn ở khu vực thị trường truyền thống, sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu cũng tràn lan, mà chỉ bằng mắt thường cũng cảm nhận được.
Trên thực tế, khả năng thúc đẩy thương mại toàn diện sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, là lúc mật độ đáo hạn các hợp đồng kinh tế dày hơn, sẽ khiến thị trường tiền tệ thêm nhộn nhịp. Cũng cần phải lưu ý rằng, trong thời gian tới, khi một số hiệp định thương mại tự do được Việt Nam tham gia sẽ sẽ phát huy hiệu quả.
Nhiều sản phẩm thuần Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa đến từ những nước phát triển, đòi hỏi sự linh hoạt cao hơn của các thành phần kinh tế thành phố. Nhưng điều quan trọng nhất, thị trường cuối năm phụ thuộc rất lớn vào các yêu tố truyền thống, nếu không có sự chủ động thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động khó lường.
Hoàng Minh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết