Phát hiện kịp thời sỏi niệu quản khi mang thai

    09:07 13/09/2022

    Vừa qua, Khoa Ngoại thận tiết niệu – Nam học, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã thực hiện phẫu thuật tán sỏi niệu quản thành công cho nhiều thai phụ. Ghi nhận phương pháp đạt kết quả tốt, đảm bảo an toàn tối đa cho cả mẹ bầu và em bé.

    Bệnh nhân M.N, 31 tuổi ở quận Hải An vào Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng trong tình trạng đau mạn sườn phải, đau tăng dần lan xuống hạ vị ở tuần thai 31.

    Qua thăm khám và các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ phát hiện người bệnh có sỏi niệu quản 1/3 trên, viêm thận bể thận phải, thận giãn độ 2, các chỉ số viêm nhiễm tăng cao.

    Bệnh nhân được điều trị nội khoa nhưng tình trạng đau nhiều không đỡ, sốt, tiểu buốt, rắt. Sỏi niệu quản khá to, kết hợp tuần thai lớn gây chèn ép niệu quản, điều trị nội khoa không hiệu quả cùng các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, giãn thận, viêm thận… có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

    Trước tình trạng thai phụ như vậy các bác sĩ Khoa Ngoại thận tiết niệu – Nam học đã rất cân nhắc và hội chẩn để đưa ra quyết định nội soi tán sỏi niệu quản cho bệnh nhân. Kết quả tán sỏi thành công, bệnh nhân và thai nhi đều an toàn.

    Bác sĩ thực hiện thăm khám phụ nữ mang thai sau phẫu thuật tán sỏi niệu quản

    Ở trường hợp khác, bệnh nhân L.C, 28 tuổi vào Khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng trong tình trạng cơn đau quặn thận trái ở tuần thai 26. Bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân có sỏi niệu quản trái sát thành bàng quang, sỏi thận nhỏ 2 bên, thận giãn độ 1, hội chứng nhiễm trùng.

    Các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh nhân được thực hiện nội soi tán sỏi niệu quản. Trong suốt quá trình thực hiện, kíp thực hiện đã vô cùng thận trọng để đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi. Ca phẫu thuật được thực hiện rất thành công, viên sỏi đã được tán hết. Sau mổ, người bệnh đã hết đau, sức khỏe thai nhi hoàn toàn ổn định.

    Được biết, thời gian qua, các bác sĩ Khoa Ngoại thận tiết niệu – Nam học, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã thực hiện thành công phương pháp tán sỏi bằng laser cho 5 trường hợp thai phụ có sỏi niệu quản gây biến chứng nguy hiểm. Ghi nhận tất cả thai phụ sau thực hiện đều ổn định, an toàn.

    Theo các chuyên gia y tế, sỏi niệu quản xảy ra ở khoảng một trong số 1.500 đến 3.000 trường hợp mang thai – tỷ lệ tương tự như ở phụ nữ không mang thai trong độ tuổi sinh đẻ. Sỏi niệu quản xảy ra phổ biến nhất trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Dấu hiệu thường thấy là đau vùng bụng trên hoặc lưng và hai bên, thường lan xuống bẹn hoặc bụng dưới. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn/nôn, tiểu gấp và tần suất đi tiểu nhiều. Phát hiện tiểu ra máu.

    Nguyên nhân sỏi niệu quản khi mang thai có thể do những thay đổi của cơ thể người phụ nữ. Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, bàng quang bị chèn ép bởi thai nhi ngày càng lớn khiến phụ nữ mang thai phải đi vệ sinh nhiều lần. Nhiều bà bầu e ngại việc này nên không uống đủ nước, dẫn đến nước tiểu ít và sau cùng hình thành sỏi niệu quản.

    Ngoài ra, còn có các yếu tố thúc đẩy sỏi niệu quản khi mang thai như: Giãn nở đường tiết niệu do tác dụng của progesterone, tắc nghẽn bởi tử cung và nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai. Tăng natri niệu, axit uric và canxi trong thời kỳ mang thai do sự gia tăng bài tiết qua nước tiểu của các chất ức chế tạo sỏi chẳng hạn như citrate, magiê và glycoprotein. Vì vậy, cả phụ nữ có thai và không mang thai đều có nguy cơ bị sỏi niệu quản như nhau. Mức vitamin D tăng cao, làm tăng canxi trong nước tiểu.

    Theo TS.BSNT Phạm Việt Hà – Giám đốc chuyên môn hệ Ngoại, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng chia sẻ: Thai phụ có kèm sỏi tiết niệu sẽ rất khó trong cả chẩn đoán và phẫu thuật bởi phụ nữ mang thai chỉ có thể áp dụng siêu âm mà không chụp Xquang hay CT. Cạnh đó, khi phẫu thuật, thai chèn ép gây khó khăn cho việc đưa ống soi lên niệu quản và vào bể thận; khó khăn trong việc sử dụng thuốc nhất là thuốc tê, thuốc gây mê vì có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.

    Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi tán sỏi được ghi nhận là phương pháp ít xâm lấn, không có vết mổ và rất an toàn, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi. Thai phụ khi có sỏi đường tiết niệu cần đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y tế chuyên sâu về sản khoa và phẫu thuật tiết niệu để được thăm khám, phát hiện bệnh, điều trị kịp thời và hiệu quả.

    Các chuyên gia y tế cảnh báo, triệu chứng phổ biến nhất của sỏi niệu quản nói riêng và sỏi hệ tiết niệu nói chung là cơn đau dữ dội, gọi cách khác là cơn đau quặn thận. Cơn đau có thể thay đổi về thời gian và thường cảm thấy ở một bên của cơ thể hoặc giữa lưng, tùy thuộc vào kích thước của sỏi. Biểu hiện lâm sàng của sỏi niệu quản khi mang thai chủ yếu xảy ra sau 20 tuần với cơn đau quặn thận, đau âm ỉ, sốt, tiểu ra máu, đái rắt, nhiễm trùng…

    Đa phần phụ nữ bị sỏi niệu quản khi mang thai vẫn sinh con được bình thường mà không gặp vấn đề gì, nhưng nếu sỏi phát triển kích thước lớn sẽ dẫn đến biến chứng như tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, chuyển dạ sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

    Vì thế, phụ nữ mang thai cần chủ động phòng ngừa sỏi thận, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Trường hợp mắc sỏi niệu quản khi mang thai, cần sớm tới bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân, kích thước sỏi, loại sỏi thì bác sĩ mới chỉ định được phương pháp điều trị sỏi niệu quản phù hợp nhất.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông