Canh cánh nỗi lo cháy rừng

17:33 09/06/2017

Cháy rừng bạch đàn và keo tai tượng ở núi Sơn Đào thuộc địa bàn 2 xã Hoà Bình và Đông Sơn 

Cháy rừng luôn để lại những hậu quả đáng tiếc về người, tài sản nhân dân và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, Cảnh sát PCCC thành phố đang tích cực triển khai, duy trì nhiều biện pháp quyết liệt PCCC rừng, trong đó chú trọng phương châm “4 tại chỗ” nhằm đối phó với tình huống xấu xảy ra.

Nỗi lo thường trực

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố và cả nước xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Điển hình là vụ cháy vào 16h50’ ngày 16-11-2013, tại núi Phướn (thôn Tiên Hội, xã An Tiến, huyện An Lão). Do thời tiết hanh khô, lớp thực bì dày nên lửa bùng phát rất nhanh. Cảnh sát PCCC thành phố đã điều động 4 xe chữa cháy và lực lượng đến hiện trường.

Tuy nhiên, đám cháy trên đồi cao, địa thế hiểm trở nên phương tiện bị hạn chế tác dụng, nước không thể bơm lên, buộc phải dùng phương pháp thủ công.

Để ngăn chặn đám cháy lan rộng, huyện An Lão  phải huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 679 Hải quân và các đơn vị quân đội và công an, dân quân tự vệ đóng quân trên địa bàn cùng đông đảo nhân dân các xã An Tiến, An Thắng và thị trấn Trường Sơn… phối hợp cùng Cảnh sát PCCC chiến đấu với “giặc lửa”.

Hậu quả, vụ cháy thiêu rụi hơn 1,5ha rừng và thực bì tự nhiên. Hay dịp giáp tết Nguyên đán 2017, trong thời tiết khô hanh, tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng.

Gần đây nhất, vào 13h30’ ngày 5-6, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xảy ra cháy rừng phòng hộ Nam Sơn làm thiệt hại khoảng 50 ha rừng keo, thông, bạch đàn... Đám cháy xảy ra và lan rộng sang diện tích rừng thuộc khu vực giáp ranh với 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Cho đến sáng 6-6, vụ cháy ở khu vực rừng phòng hộ đã được dập tắt.

Được biết, huyện Sóc Sơn đã huy động khoảng 2.000 người gồm lực lượng quân đội, công an, nhân dân tham gia khống chế và ngăn chặn không cho đám cháy lan rộng. Theo Cảnh sát PCCC thành phố, mặc dù đã chuẩn bị nhiều phương án phòng chống, nhưng nguy cơ cháy rừng ở các địa phương vẫn luôn thường trực!

Chú trọng phương châm “4 tại chỗ”

Theo thống kê, thành phố có hơn 23 nghìn ha rừng, gồm rừng đồi núi, rừng ngập mặn phân bố ở các quận, huyện: Kiến An, Đồ Sơn, Thủy Nguyên và Cát Hải. Riêng rừng tự nhiên tập trung ở khu du lịch Vườn quốc gia Cát Bà, huyện Cát Hải, có độ dốc lớn, nhiều loài, lớp thực vật xen kẽ, tạo thành lớp chất rất dễ cháy dưới các gốc cây, tán lá.

Nhiều khu rừng ở các địa phương còn nằm xen kẽ trong khu dân cư, như khu vực chung quanh triền đồi Thiên Văn (Kiến An), phường Vạn Hương (Đồ Sơn), Núi Đèo (Thủy Nguyên); các xã Hiền Hào, Xuân Đám, Vườn quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải).

Trong quá trình sử dụng lửa sinh hoạt của người dân như đốt cỏ, dọn vườn, nếu không kiểm soát dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Được biết, tại các khu rừng, người dân có phong tục chôn cất người chết trên núi. Vào các ngày lễ hội, cúng giỗ, bà con thường mang hương, tiền vàng đến đốt. Chỉ cần một phút bất cẩn, lửa bén vào lớp thực bì cũng sẽ gây ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

 Đại tá Vũ Văn Tăng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 5 cho biết, tính từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn quận Đồ Sơn xảy ra khoảng 30 vụ cháy rừng. Nguyên nhân chủ yếu do người dân đốt rác, lửa lan sang rừng gây cháy.

Rất may, hầu hết việc trên đều được thông tin kịp thời; công tác chỉ huy chữa cháy hết sức khẩn trương, các lực lượng tham gia chữa cháy hiệu quả nên lửa nhanh chóng bị khoanh vùng khống chế, dập tắt.

Được biết, rừng Đồ Sơn là rừng đồi núi phục vụ phát triển du lịch sinh thái, tạo cảnh quan cho toàn bộ khu du lịch. Chúng được xen kẽ các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và các điểm tổ chức lễ hội mang tầm cỡ quốc gia và thành phố. Nếu xảy ra cháy rừng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quận nói riêng và thành phố nói chung.

 Trước thực trạng đó, ngoài việc sẵn sàng chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ), Phòng Cảnh sát PCCC số 5 chủ động xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức.

Đặc biệt là: treo băng rôn tuyên truyền về phòng cháy rừng ở tất cả các cửa rừng; xây dựng, phát sóng những chuyện cảnh giác về cháy rừng trên loa phát thanh; vận động Đoàn thanh niên các cấp thường xuyên dọn vệ sinh cỏ thực bì, phát quang bụi rậm để phòng ngừa có cháy xảy ra…

Huyện Cát Hải là địa phương có diện tích trồng thông lấy nhựa với hơn 100 ha, trong đó hơn 84 ha đang được khai thác nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 8, Đại tá Trần Minh Phán cho hay: Hằng năm, vào mùa du lịch, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ xung kích quản lý bảo vệ rừng và các hộ trồng rừng của các xã, thị trấn khu Cát Bà triển khai quyết liệt công tác phòng chống cháy.

Trong đó, chú trọng xây dựng phương án phòng, chữa cháy rừng để khi có sự cố không bị bất ngờ và huy động được nhiều lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn.

Công tác PCCC rừng đang trông đợi sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các ngành, các địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát PCCC. Đặc biệt, trong mùa du lịch, khi thời tiết nắng nóng kéo dài và lượng khách du lịch tham quan rừng tăng đột biến.

Lệ Trang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông