Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

18:33 29/05/2024

 

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH khuyến cáo Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, chỉ hỗ trợ kích hoạt tài khoản ĐDĐT trực tiếp cho người dân; không hướng dẫn kích hoạt qua cuộc gọi hoặc tin nhắn trên điện thoại

Để giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phòng, chống các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH-CATP vừa phát đi cảnh báo mới về một số thủ đoạn lừa đảo liên quan đến chỉnh sửa thông tin trong dữ liệu dân cư, dịch vụ công và ứng dụng VNeID nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện các thủ đoạn

Theo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, hiện xuất hiện 3 thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm. Cụ thể như sau: Các đối tượng xấu giả danh Công an gọi điện hướng dẫn nạn nhân cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” nhằm mục đích chiếm quyền kiểm soát điện thoại để chiếm đoạt thông tin cá nhân rồi thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn thứ hai của chúng là giả danh cán bộ Công an xã, phường, thị trấn gọi điện thông báo dữ liệu thông tin công dân bị sai lệch và mời đến trụ sở đơn vị để chỉnh sửa, bổ sung cho chính xác.

Với người do bận việc hoặc đi làm ăn xa… báo lại chưa đi được, chúng sẽ gợi ý cách “xử lý từ xa” thông qua việc hướng dẫn nạn nhân truy cập vào đường link do chúng gửi để tải ứng dụng lạ về điện thoại với điều kiện nạn nhân phải nhập thông tin cá nhân thường là tài khoản ngân hàng hoặc số điện thoại để lợi dụng đánh cắp mã OTP chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

 Thủ đoạn thứ 3 là các đối tượng xấu đã giả Công an gọi điện thoại hoặc nhắn tin yêu cầu người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) qua ứng dụng VNeID giả mạo.

Sau đó, chúng từng bước chiếm quyền sử dụng điện thoại di động và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng.

Tuyệt đối không làm theo yêu cầu của người lạ

Từ các chiêu thức lừa đảo của tội phạm kể trên, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng hướng dẫn người dân một số dấu hiệu nhận biết trường hợp điện thoại đã bị chiếm quyền điều khiển từ xa như sau: Không truy cập được cài đặt ứng dụng, phông chữ trên điện thoại bị thay đổi, điện thoại thường xuyên tự bật sáng màn hình, bị loạn cảm ứng khi thao tác...

Người dân cần tỉnh táo nhận diện, báo ngay cho lực lượng Công an để kịp thời vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ, tránh sập bẫy lừa của kẻ gian (Ảnh minh hoạ)

Để phòng ngừa, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH thông báo chỉ có Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn mới có quyền hỗ trợ kích hoạt tài khoản ĐDĐT trực tiếp cho người dân và không bao giờ hướng dẫn kích hoạt qua cuộc gọi hoặc tin nhắn trên điện thoại.

Mặt khác, công dân không đăng lên mạng xã hội thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử VneID, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và những thông tin khác liên quan đến dữ liệu cá nhân. Người dân cần cẩn trọng với những người lạ, người tự xưng là lực lượng chức năng gọi điện yêu cầu cung cấp, xác minh thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử VNeID, tài khoản ngân hàng, mã OTP và những mật khẩu cá nhân; cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ Công an để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin dữ liệu dân cư qua điện thoại; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng và chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành IOS) và CHPlay (đối với hệ điều hành Android) cũng như chỉ thực hiện kích hoạt tài khoản trên ứng dụng chính thống này.

Trường hợp nghi ngờ điện thoại bị chiếm quyền điều khiển từ xa, người dân phải lập tức xóa các ứng dụng lạ đã cài đặt, khóa tạm thời các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tháo sim và khôi phục lại cài đặt gốc của thiết bị hoặc báo ngay cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Ứng dụng định danh điện tử - VNeID do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an phát triển, cung cấp các tiện ích trực tuyến cho người dân trên môi trường điện tử. Ứng dụng VNeID có giá trị thay thế cho các loại giấy tờ cá nhân truyền thống như: CCCD gắn chíp, các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng (Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...).

Đồng thời, chúng cung cấp nhiều tiện ích khác cho người dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...

Hiện, Bộ Công an đã sử dụng nhiều giải pháp bảo mật, thường xuyên cập nhật bảo mật cho hệ thống định danh điện tử quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch qua ứng dụng VNeID được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến có tính an toàn, bảo mật cao. Chính vì thế, những phần mềm độc hại khó có thể truy cập vào thiết bị của người dùng để lấy cắp thông tin cá nhân.

Do vậy, khi gặp các tình huống có dấu hiệu lừa đảo kể trên, người dân cần tỉnh táo nhận diện, báo ngay cho lực lượng Công an để kịp thời vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ, tránh sập bẫy lừa của kẻ gian.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông