Cảnh giác với chiêu bài “Pháp luân công” (Kỳ 1) - Nhận diện bản chất Pháp luân công

09:18 10/09/2020

Pháp luân công còn có tên gọi khác là Pháp luân đại pháp do Lý Hồng Chí (sinh năm 1952 tại Cát Lâm, Trung Quốc) lập ra năm 1992. Năm 1993, hội nhóm này được biết đến với tên gọi “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp” được Bộ Dân chính Trung Quốc cấp phép hoạt động.

Một số tài liệu nhằm quảng bá Pháp luân công

Sau gần 30 năm, thực tế cho thấy Pháp luân công không phải tôn giáo, tín ngưỡng, cũng không có sự sáng tạo nào kể cả kết quả nghiên cứu khoa học hay lý thuyết tư tưởng hệ, mà chỉ dựa trên cơ sở vay mượn những thành tựu có từ trước đó để huyễn hoặc tâm tính con người. Cụ thể, Pháp luân công tự cho mình là một hệ phái Phật giáo, nhưng các bài tập theo Pháp luân công bản chất là sự tạp pha theo lịch sử khí công đã được nhà sư Phật giáo, võ sỹ Đạo giáo và học giả Nho giáo luyện tập từ xa xưa, xem như một hình thức cải thiện tinh thần, đạo đức và thể chất.

Tuy nhiên, với lối dẫn dắt rằng, luyện Pháp luân công sẽ sửa được tâm tính, chữa được bách bệnh, nên kể từ khi được Bộ Dân chính Trung Quốc cấp phép hoạt động dưới tên gọi: “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp”, nó đã phát triển khá nhanh. Có thời điểm, chỉ tính trên lãnh thổ Trung Quốc, Pháp luân công đã có đến 39 trung tâm “mẹ”, 19.000 chi nhánh, 28.000 địa điểm tập luyện.

Ban đầu, Pháp luân công được cấp phép là thành viên của Hội nghiên cứu khoa học khí công Trung Quốc, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó đã thoát ly khỏi tổ chức này. Sau khi bị dư luận lên án, bị chính quyền Trung Quốc coi là “tà giáo”, phản khoa học, người sáng lập Pháp luân công là Lý Hồng Chí đã bỏ trốn sang Mỹ.

Năm 1997, Bộ Dân chính Trung Quốc quyết định hủy đăng ký hoạt động của Pháp luân công, tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn, đồng thời gửi thông điệp, khuyến cáo tới các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Như vậy đủ thấy rõ, Pháp luân công đã lộ mặt là một tổ chức có nhiều hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội. Theo thống kê của chính quyền Trung Quốc, đã có lúc tổ chức Pháp luân công tụ tập tới 10.000 người kéo về biểu tình đả kích chính quyền ở Bắc Kinh. Lúc này Lý Hồng Chí ở nước ngoài đã kích động phần tử Pháp luân công nội địa thực hiện hơn 300 vụ tụ tập đông người, bao vây và tấn công các cơ quan công quyền ở Trung Quốc.

Cùng với đó, các phần tử hưởng ứng Pháp luân công ở ngoài Trung Quốc cũng đã sử dụng thiết bị công nghệ cao tấn công vệ tinh thông tin, gây nhiễu một số chương trình truyền hình, phát thanh của Trung Quốc, thậm chí phát chèn sóng các nội dung liên quan đến Pháp luân công.

Đáng nói, những sự kiện liên quan đến Pháp luân công tại Trung Quốc đã trở thành công cụ cho các thế lực thù địch với quốc gia này lợi dụng, chính trị hóa trên diện rộng. Trong đó, những chiêu bài quen thuộc là bóp méo, xuyên tạc sự thật, cho rằng đây là cuộc đàn áp của những người theo tư tưởng cộng sản đối với tư tưởng đối lập. Từ đây, Pháp luân công dựa vào một số tổ chức quốc tế, trở thành phương tiện hoạt động, đem những thuyết lý tạp giáo vay mượn gắn với hoạt động chính trị như đấu tranh đòi nhân quyền, đòi tự do, công kích chính quyền… không riêng đối với Trung Quốc.

Như đã nói, từ tổ chức “Hội nghiên cứu Pháp luân đại pháp”, Pháp luân công không còn đơn thuần hướng đến mục tiêu “rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng tâm tính” nữa, mà biến tướng thành tổ chức mang nhiều màu sắc phản động, tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định an ninh trật tự, đảo lộn kỷ cương xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, hoạt động Pháp luân công đã có mặt ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, Pháp luân công đã du nhập theo một số Việt kiều, du khách nước ngoài, du học sinh, qua hệ thống truyền thông...

Để tuyên truyền về Pháp luân công, các đối tượng đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau từ công khai đến lén lút như: phát tán nơi công cộng hoặc trong khu dân cư; lập các trang Web và tài khoản mạng xã hội truyền bá qua Internet; gửi tài liệu qua đường bưu chính đến nhiều đối tượng khác nhau; tiếp cận lãnh đạo và thân nhân lãnh đạo cao cấp nhằm tranh thủ vận động; thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật như lập các đoàn nghệ thuật “Hồng Ân”, “Thiên Quốc”… biểu diễn miễn phí gắn với một số sự kiện; tổ chức các “Pháp hội” mừng sinh nhật Lý Hồng Chí; thành lập các câu lạc bộ rèn luyện sức khỏe để kích thích vào tâm lý hiếu kỳ của người dân; tiếp cận những vùng dân trí còn hạn chế để lôi kéo; tiêm nhiễm tư tưởng vào một số đối tượng là học sinh, sinh viên chưa có định hướng rõ ràng về nhận thức xã hội…

Tại Hải Phòng, theo trao đổi của Phòng An ninh đối nội - CATP, hiện đã xác định hơn 10 điểm nhóm với khoảng 160 người hoạt động Pháp luân công bao gồm: Công viên hồ An Biên (Q. Ngô Quyền), Nhà triển lãm mỹ thuật thành phố và khuôn viên tượng đài nữ tướng Lê Chân; công viên Tam Bạc khoảng 20 người, Đền liệt sỹ quận Lê Chân, Nhà hàng T.V.Q (Kiến An), 1 nhà văn hóa tại phường Hải Thành (Dương Kinh), công viên Đầm Vuông (Đồ Sơn), sân chùa Đại Công (Tiên Lãng), lô 18-19 Đằng Lâm (Hải An), nhà riêng hộ N.T.H (An Dương), công viên trung tâm khu công nghiệp VSIP (Thủy Nguyên)…

Thời gian gần đây, Pháp luân công ra sức tuyên truyền tà thuyết về sự trừng phạt mà mỗi người phải gánh chịu khi đến “ngày tận thế” để hù dọa, khống chế, kiểm soát tinh thần những người cả tin, nhẹ dạ. Một số đối tượng còn thần thánh hóa Lý Hồng Chí là người tạo ra thế giới muôn loài và cứu giúp chúng sinh.

Do tin tưởng vào những luận điệu thiếu căn cứ nêu trên, những người tin theo Pháp luân công khi có bệnh đã từ chối điều trị tại các cơ sở y tế vì cho rằng luyện theo Pháp luân công sẽ chữa được “bách bệnh”, dẫn đến hậu quả đau lòng. Nghiêm trọng hơn, từ sự mê muội mà một số người theo Pháp luân công đã tự biến mình thành tội phạm. Có thể nói, Pháp luân công vào Việt Nam đã ngày càng biến tướng sâu sắc, gây không ít hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông