Cảnh sát PCCC Hải Phòng: Cứu sự sống trong tàu lửa

21:16 06/04/2018

“Rất khâm phục và cám ơn sự quả cảm của những người lính Cảnh sát PCCC thành phố...”, đó là tiếng lòng Thiếu tá Nguyễn Đức Sửu, Giám đốc Công ty xăng dầu quân đội khu vực 1 thốt lên sau vụ cháy Tàu Hải Hà 18.

Khi chiến đấu với “giặc lửa”, những người lính cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố luôn đặt nhiệm vụ cứu người là trên hết bởi tài sản mất đi có thể kiếm lại được, chứ tính mạng của con người thì không gì có thể thay thế. Nên khi xuất quân, những người lính PCCC phải tính toán sao cho phương án chữa cháy được hữu hiệu nhất nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Với phương châm hành động đó, dù biết cuộc chiến cùng “giặc lửa” trên Tàu Hải Hà 18 sẽ là một mất một còn nhưng những người chiến sỹ Cảnh sát PCCC Hải Phòng cùng lực lượng chữa cháy cơ sở không hề chùn bước. Bởi họ biết mình chỉ chần chừ, do dự, chắc chắn thảm họa sẽ xảy ra.  

Khoảng 16h30’ ngày 10-3, nhận tin báo xảy ra sự cố, cháy trên Tàu Hải Hà 18, xác định trong nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mình đóng vai trò chủ công, chỉ sau đó 7-8’, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã có mặt. Đồng chí . Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố, Đại tá Nguyễn Bình Kiên, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cũng có mặt cùng CBCS ngay lúc đó.

Căn cứ vào thực tế tình hình, thấy nguy cơ xảy ra cháy lớn, phức tạp và có thể gây ra thảm hỏa, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Lê Quốc Trânhuy động toàn bộ phương tiện tốt nhất cùng lực lượng tinh nhuệ khẩn trương có mặt, đồng thời đã báo cáo lãnh đạo thành phố. Ngay sau đó, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng có mặt, thực hiện việc chỉ đạo.

Xác định giai đoạn ban đầu là bước cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ phát triển đám cháy cũng như nguy cơ nổ dẫn đến cháy lan truyền lên trên kho K99 và kho xăng dầu Hải Linh, PETEC. Để làm được việc đó, trực tiếp chỉ huy tại hiện trường, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố yêu cầu CBCS cùng với lực lượng chữa cháy cơ sở triển khai các lăng phun toàn bộ khu vực cầu cảng đó để làm mát hệ thống đường ống và giảm nhiệt từ ngọn lửa, ngăn ngừa nguy cơ tác động nhiệt đến khu vực cầu cảng.

Trong bão lửa đỏ rực cả góc trời, những người lính chữa cháy luôn khẩn trương, tìm đủ mọi cách để ngăn chặn sự phát sinh. Bởi họ hiểu điều gì sẽ đến khi xảy ra nổ hệ thống đường ống tại cầu cảng. Giữa nền trời, cột khói bốc cao ngùn ngụt, chiếc tàu chìm trong biển lửa. Khói, khí độc đen kịt, cuồn cuộn, hơn 400 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát PCCC thành phố làm việc hết công suất. T

hời điểm này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã có mặt. Sau khi đi kiểm tra thực địa, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu thành lập ngay Trung tâm chỉ huy chữa cháy, đóng tại Xí nghiệp PETEC.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố chủ động đề xuất với Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu Cục Cảnh sát PCCC&CNCH,  Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố, Cảnh sát biển, Cảng vụ Hải Phòng, Hải quân và các đơn vị trên địa bàn cũng được huy động phương tiện, vật lực tối đa.

Trong lúc đó, các chiến sỹ PCCC thành phố vẫn thay phiên nhau chiến đấu với “giặc lửa”. Khi chiến sỹ mệt, các đồng chí chỉ huy lại cùng cầm lăng phun. Tất cả họ nhịp nhàng phối hợp. Nhóm liên tục triển khai phun nước làm mát con tàu; nhóm phun nước dập tắt đám cháy và bảo vệ lực lượng di chuyển.

Trải quả nhiều giờ đồng hồ, ngọn lửa vẫn bùng cháy. Ướt sũng, đói, mệt nhưng không một ai nào nản lòng, những chiến sỹ cảnh sát PCCC thành phố và các lực lượng chữa cháy cơ sở vẫn kiên trì chiến đấu, giành giật với giặc lửa. Lực lượng hậu cần cũng theo sát, liên tục tiếp nước, tiếp đồ ăn, kịp thời sơ cứu để các chiến sỹ đủ sức chiến đấu.

Điều đặc biệt hơn cả, không để cho CBCS đơn độc chiến đấu, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cùng lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố quyết bám hiện trường đến khi lửa được dập tắt hoàn toàn. Sự tận tâm, hết mình ấy dường như đã tiếp thêm sức mạnh vô cùng lớn cho CBCS Cảnh sát PCCC thành phố và các lực lượng chữa cháy cơ sở.

Song song với quá trình đó, CATP phối hợp với Bộ đội biên phòng đã ra, đi cano, thuyền cấm luồng và cảnh báo các phương tiện qua khu vực đó đảm bảo an toàn. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành phố, Tàu Hải Hà 18 đã được Xí nghiệp lai dắt tàu- Cảng Hải Phòng phối hợp với các lực lượng liên quan lai dắt ra phía bờ bên kia, tránh được tổn thất nặng nề.

Nhớ lại quá trình kéo Tàu Hải Hà 18, Đại tá Phạm Quang Đáo, Chỉ huy trưởng Bộ Đội biên phòng thành phố nhớ lại: nhận nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng thành phố cho xuồng bám sát tàu, thấy thích hợp, nhanh như cắt, các chiến sỹ lao vào, móc dây kéo, rồi khẩn trương rút. Còn Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng cho hay: quá trình tiến hành lai dắt, khoảng cách giữa hai tàu rất gần, vô cùng nguy hiểm. Trong khí nóng hầm hập, bỏng rát, không khí ngột ngạt, thấy các chiến sỹ Cảnh sát PCCC thành phố vô cùng dũng cảm, liên tục chiến đấu với “giặc lửa” mà không chùn bước, nên anh em động viên nhau cố gắng tiếp cận, hoàn thành nhiệm vụ.

Vừa mới hoàn thành bước 1, Cảnh sát PCCC thành phố và các lực lượng lập tức bắt tay vào giai đoạn 2: dập tắt đám cháy. Muốn giành thắng lợi trước “giặc lửa” hung tàn phải chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, chất chữa cháy.

Tính được điều này, trước đó, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Thành phố xin chi viện một lượng bọt lớn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã huy động được 6 tấn bọt.

 Tập trung lượng bọt xong, Cảnh sát PCCC thành phố lại phải tìm phương án để đưa bọt chữa cháy lên các tàu, phương tiện. Đó là cả một vấn đề. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng nhập cuộc, kịp thời hỗ trợ. Cứ xe chở bọt đến, đều được xe cẩu, xe nâng trực sẵn đưa lên tàu.

Từ đây lại sử dụng cần cẩu chuyển sang tàu chữa cháy. Tất cả các khâu đều phải triển khai thận trọng. Trong khi đó sức ép về mặt thời gian đang đè nặng lên vai tất cả. Mặt khác, để thống nhất việc chỉ huy trên 3 tàu, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố đã điều động CBCS của Cảnh sát PCCC thành phố cùng với bộ đàm lên các tàu.

CBCS được điều động lên tàu đều là người tinh nhuệ, lãnh đạo các phòng chức năng, có kinh nghiệm thực tiễn. Đảm bảo đầy đủ điều kiện để tấn công, dập tắt đám cháy, đến 23h45’ ngày 10-3, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hải Phòng ra lệnh các tàu chữa cháy triển khai đội hình, chuẩn bị tiếp cận Tàu Hải Hà 18.

Đúng 23h53’ ngày 10-3, đồng chí Thứ trưởng Bùi Văn Thành ra mệnh lệnh tổng tấn công. Giám đốc Cảnh sát PCCC Hải Phòng Thiếu tướng Lê Quốc Trân, đã ra lệnh tổng tấn công cho 3 tàu chữa cháy, gồm: tàu chữa cháy của Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng, Cảnh sát PCCC Quảng Ninh, tàu của Hải đoàn 128 đồng loạt phun bọt ở 5 lăng công suất lớn và khống chế đám cháy.

Trong 7’ tấn công liên tục, từ 23h57’ ngày 10-3 đến 0h4’ ngày 11-3, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục phun bọt. Kết thúc thời gian phun bọt 1 tiếng đó, Cảnh sát PCCC tiến hành phun nước, phun mưa làm mát đến đúng 4h30’ ngày 11-3, để ngăn ngừa nguy cơ cháy trở lại.

Mệt mỏi là vậy, nhưng người lính Cảnh sát PCCC thành phố chỉ được nghỉ 2 tiếng rưỡi, đến 6h30’ ngày 11-3,  họ lại phải cáo mặt cùng lực lượng chức năng khắc phục và đề phòng nguy cơ cháy trở lại, lai dắt tàu ra ngã 3 sông Bạch Đằng, neo đậu, tiến hành các hoạt động hút xăng dầu và làm sạch khu vực bồn chứa, hầm hàng đã bị nổ.

Cảnh sát PCCC thành phố cử 2 tàu tiếp cận từ phía sau, liên tục phun nước trong quá trình di chuyển của tàu sự cố đó. Đến 14h ngày 12-3, toàn bộ xăng dầu đã được hút ra, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố mới được tạm nghỉ.

Thiếu tá Nguyễn Đức Sửu, Giám đốc Công ty xăng dầu quân đội khu vực 1, vẫn còn nhớ như in khoảng khắc lúc đó: trong biển lửa, với cột khói lửa cao hơn 20m, các chiến sỹ cảnh sát PCCC đứng ngay sát để đập lửa. Dường như họ không biết sợ là gì hay sao. Thậm chí, các đồng chí chỉ huy chữa cháy còn trực tiếp cầm loa, đứng cạnh chỉ đạo và thấy anh em mệt quá, họ đứng cùng, cầm lăng luôn. Nhìn cảnh đó, tôi không biết nói gì, ngoài câu khâm phục và cám ơn. Và đó còn là lực lượng chữa cháy cơ sơ của Công ty xăng dầu Hải Linh và Xí nghiệp xăng dầu  PETEC... họ cũng thật dũng cảm. Trong biển lửa, tất cả đều là chiến sỹ kiên cường.

Dù vô cùng mệt mỏi, nhưng tất cả các lực lượng đều rất trách nhiệm. khoảng cách rất gần, nguy cơ bỏng xăng, các mảnh vỡ văng vào, nhiệt độ lửa rất lớn. Chỉ huy động viên, đôn đốc anh em. Nhiều đồng chí chỉ huy là trực tiếp cầm lăng chữa cháy. Động viên tinh thần cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Cảnh sát PCCC và cơ sở. Khi chữa cháy, có rất nhiều phương án để lên tàu xử lý sự cố.

Trước hiểm nguy, rất nhiều đồng chí xung phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Để có được điều mà lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy luôn ghi nhớ, đó là phải đảm bảo an toàn cho chính mình thì mới có khả năng để cứu người khác. Theo phương châm “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, những người lính trước khi làm nhiệm vụ trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đều đã được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường, trung tâm huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, về đơn vị, ngoài thời gian trực tiếp chiến đấu những người lính chữa cháy hàng ngày phải tham gia các chương trình huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ theo chế độ khắt khe của Đảng ủy, Gíam đốc Cảnh sát PCCCC thành phố đặt ra.

Mỗi khi có cháy xảy ra, trong hoảng loạn, người dân tìm mọi cách để thoát khỏi ngọn lửa hung tàn thì những chiến sỹ cảnh sát PCCC lại không màng hy sinh, gian khổ, nỗ lực hết mình trong chiến đấu với “giặc lửa” để cứu người, tàn sản của nhân dân. Đó là hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Cảnh sát PCCC Hải Phòng khắc sâu trong tâm trí nhân dân.

TRỌNG CÁT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông