08:54 29/01/2020 6 thế kỷ trước, những nghệ nhân tài hoa của làng Đông Hồ xứ Kinh Bắc chẳng biết vô tình hay hữu ý đã gửi lại cho hậu thế một kiệt tác - “Đám cưới chuột”. Cùng với những: “Hứng dừa”, “Đánh ghen”, “Đàn gà”, “Vinh hoa - Phú quý”, “Đàn lợn âm dương”…, “Đám cưới chuột” với sức sống lạ kỳ cứ mãi nhung nhăng diễu hành, xuyên thời gian mang đi biết bao thông điệp về thế thái nhân tình cùng những triết lý cuộc đời sâu thẳm.
Trước hết, hãy bàn qua về bố cục. Theo một số nhà phê bình mỹ thuật, bức tranh dân gian nổi tiếng được thiết kế rất chặt chẽ theo kiểu “không gian xoay vòng” mang tính nối tiếp từ việc này tới việc kia, với 2 hình khối (trên, dưới) tách biệt trong một thể liên kết và thống nhất rất cao.
Ở mảng dưới, nghệ nhân xưa đã miêu tả thật sống động, tài tình đám rước dâu tưng bừng, “hoành tráng”, ngập tràn niềm hạnh phúc, niềm vui của họ hàng nhà chuột. Nổi bật trong đó là “chuột phu quân” đầu đội mũ cánh chuồn, chân xỏ hài đen (chắc hẳn vừa đỗ Trạng), cưỡi ngựa hồng đi trước, phía sau là 2 tên đày tớ vác biển, lọng theo hầu. Chàng rể chuột vô cùng tự đắc, hãnh diện ngoảnh lại nhìn cô dâu đang ngự trên kiệu dáng vẻ cực kỳ mãn nguyện với “tướng công” của mình. Khung cảnh náo nhiệt trong yên bình ấy hoàn toàn trái ngược với màn cống nạp vật phẩm nghẹt thở được mô tả ở phần trên. Đó là cuộc chạm trán có chủ đích giữa hai kẻ thù sinh-tử truyền kiếp: mèo và chuột.
“Nhà có đám”, nhất lại là “đại hỷ”, để mọi sự êm ấm, hanh thông, họ nhà chuột đã phải cắn răng, bấm bụng sắm sanh lễ vật (chim câu, cá chép) cho kẻ chuyên lột da, xẻ thịt mình, không để hắn gây chuyện phá nát cuộc vui. Hãy xem toán sứ giả được phái đi gặp mèo. Tất cả 4 chú chuột xếp hàng một như đóng băng trong nỗi sợ hãi. Đi đầu có lẽ là một nhân vật tương đối có “uy” trong họ hàng nhà chuột, hai tay cắp con chim dâng lễ song vẫn hoảng tới cụp cả đuôi. Con thứ hai mắt lấm lét, tay phải xách cá, tay trái lẩy bẩy không biết để vào đâu.
Hai con sau cùng thổi kèn nhưng ở tư thế rất cảnh giác, sẵn sàng “dọt lẹ” nếu bất trắc bất ngờ xảy ra..., bởi lẽ, nhận lễ rồi mèo vẫn có thể nuốt lời, xơi chuột như chơi. Đáng nói, điểm nhấn nổi bật của tranh là lão mèo to tướng, béo múp míp ngồi thù lù trên cùng góc phải tạo nên sự chú ý đặc biệt cho người xem. Dáng vẻ cực oai vệ, đầy dọa dẫm, mèo đưa tay nhận vật phẩm trong tiếng nhạc hỷ như một thông điệp hãy cùng “chung sống hòa bình” dù chỉ là phút chốc do nhà chuột gửi đến. Lão tỏ vẻ tán đồng, chấp nhận cuộc cam kết lỏng lẻo này để không làm khó cho chuột…
Mới thấy, người xưa thật thâm thúy khi dùng hình tượng chuột - mèo để đả kích sâu cay tầng lớp trên, bọn vua quan chuyên bóc lột, nhũng nhiễu ăn của đút, hà hiếp dân lành. Tuy nhiên, đó mới chỉ là lát cắt dễ nhận thấy nhất từ “Đám cưới chuột”. Suy ngẫm kỹ, đâu đó người xem vẫn tìm ra những ẩn ý sâu sa khác nữa của các nghệ nhân. Đó là những giá trị thực tiễn sống động, nóng hổi về văn hóa Việt cách đây bao thế kỷ khi niềm vui của mỗi người là sự kiện lớn của cả cộng đồng.
Là một cách sẻ chia với những thân phận yếu hèn luôn phải gánh những thiệt thòi, bất công trong xã hội. Là sự dám dấn thân vào hiểm nguy, quyết tâm giành về hạnh phúc. Là một cách chiêm nghiệm: Niềm vui thường đứng sau nỗi buồn. Là sự đời, nếu còn kẻ nhận hối lộ sẽ còn những người đưa hối lộ…
Lại có nhà nghiên cứu cho rằng, bức tranh dân gian nổi tiếng trên còn hơn thế nữa, mang tính triết học sâu sắc. Theo đó, mối quan hệ mèo - chuột thể hiện ý nghĩa cộng sinh, tồn tại giữa hai mặt đối lập để cùng phát triển và hợp tác đi lên…
Trở lại yếu tố nghệ thuật của tranh Đông Hồ - “Đám cưới chuột”, xin được lưu ý, tác phẩm được in ra trên giấy dó bởi những bản khắc gỗ tinh xảo theo mẫu quy chuẩn từ trước. Đặc điểm của tranh là không tuân theo các quy tắc ánh sáng, luật viễn cận (xa - gần), không gian 3 chiều và ngôn ngữ cơ thể của hội họa hiện đại. Dù vậy, “màu dân tộc” vẫn “sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm). Trong một không gian vô cùng chật hẹp, 16 nhân vật gồm: 1 con mèo lớn, 12 con chuột, 1 con chim, 1 con cá, 1 con ngựa hồng cùng lọng che, biển, kiệu… vẫn hiển hiện hợp lý đến từng cen-ti-met và toát lên thần thái riêng biệt, sống động rất có hồn của từng con mà không hề bị trộn lẫn.
Kết hợp khéo léo 4 loại màu chủ đạo của tự nhiên (đen: than xoan hoặc tro rơm; vàng: hoa giành giành hoặc hoa hòe; đỏ: gỗ vang hoặc đá sỏi son lấy từ núi thiên thai; xanh: lá chàm; trắng: vỏ con điệp), “Đám cưới chuột” cùng nhiều bức tranh Đông Hồ nổi tiếng khác đã được trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật lớn của thế giới và được bạn bè quốc tế khâm phục. Cũng xin được nói thêm, năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thống nhất với tỉnh Bắc Ninh làm hồ sơ đề nghị UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Canh Tý 2020 là năm “Chuột vàng” theo quan niệm dân gian. Sẽ thật ý nghĩa nếu mỗi gia đình chúng ta đón chào xuân mới với một bức “Đám cưới chuột” diễu hành ồn ã trên tường.
Mai Chi
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh