16:15 06/08/2019 Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27-7 là một ngày lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm về những người thương binh, liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ Quốc. Ngày lễ này được ghi nhận như một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ người trồng cây ở nước ta. Qua đó, tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng từ trước đến nay.
Năm 2019, là năm thứ 72 các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa trên thành phố Cảng Hải Phòng lại sôi nổi, ấm áp tràn đầy nghĩa tình. Đảng bộ, chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm lại nô nức chăm lo chu đáo cả về vật chất, tinh thần tới các gia đình chính sách, người có công trên toàn thành phố.
Không nằm ngoài bối cảnh chung, lực lượng Công an nhân dân thành phố Hải Phòng nói chung và Công an huyện Vĩnh Bảo nói riêng cũng phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, liệt sỹ trong lực lượng công an nhân dân, gia đình chính sách.
Là huyện áo giáp phía Nam của thành phố, Vĩnh Bảo có đông đối tượng là gia đình chính sách, hàng năm cứ mỗi dịp 27-7, địa phương lại tiếp nhận và tổ chức thăm hỏi, trao gần 20.000 suất quà của các cấp, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện sự chỉ đạo của Công an huyện, chung tay chia sẻ khó khăn với các gia đình người có công với cách mạng, trong dịp 27-7 vừa qua, Đoàn thanh niên Công an huyện Vĩnh Bảo đã phối hợp với Đoàn thanh niên xã Tam Cường trao 5 suất quà, mỗi suất trị giá 400.000 đồng tặng các thương binh tại địa phương.
Đặc biệt song song với hoạt động dâng hương, tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ huyện, CBCS Đội cảnh sát quản lý hành chính về TTXH còn tham mưu cho lãnh đạo Công an huyện và xung kích trong hoạt động cấp căn cước công dân miễn phí, tại nhà cho đối tượng là thương binh, con, cháu liệt sỹ và nhất là người già yếu, tàn tật, gia đình khó khăn, hoàn cảnh éo le.
Trong những ngày tháng 7 nắng nóng như đổ lửa, không quản ngại khó khăn, CBCS Công an huyện Vĩnh Bảo vẫn lặn lội đến tận nhà người dân tại các xã xa trung tâm huyện như Vĩnh Phong, Vĩnh Tiến, Hùng Tiến để mang niềm vui tới các gia đình.
Trước đây là chứng minh nhân dân, nay là căn cước công dân là một trong những loại giấy tờ tuỳ thân chính của công dân Việt Nam. Tuy vậy, có những người vì lý do cá nhân như ốm đau, bệnh tật, cao tuổi, cả ngày chỉ quẩn quanh làng xóm thì việc đi lên trung tâm huyện cách xa hàng chục cây số cũng không phải là dễ dàng.
Bởi vậy khi có các chiến sỹ công an đến tận nhà lăn tay, chụp ảnh, rồi trao tận tay căn cước công dân mà không phải bỏ ra bất cứ chi phí gì khiến người dân vừa ngỡ ngàng, vừa cảm động.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, các chiến sỹ trẻ có lẽ sẽ khó quên và biết trân trọng cuộc sống này hơn khi đến những gia đình tường xiêu, vách lở, tài sản không có gì quý giá ngoài chiếc tủ, bàn cũ, ghế không đủ ngồi.
Đó là trường hợp bà Phạm Thị Dung, sinh năm 1933 ở xóm 2 xã Vĩnh Phong, vừa là hộ nghèo, vừa bị bệnh tâm thần; đồng cảnh cũng ở địa chỉ trên là ông Phạm Văn Sỡi, sinh năm 1941, bị tai biến.
Nghèo lại bệnh tật hành hạ, hầu như chỉ quẩn quanh trên chiếc giường, cuộc sống vô vàn khó khăn, phải nhờ sự chăm sóc của con cháu, họ hàng nên bà Dung, ông Sỡi cũng không bao giờ nghĩ tới việc đi làm các loại giấy tờ tuỳ thân.
Cái khó ló cái khôn, nhanh trí ứng biến, các chiến sỹ công an huyện đến làm thủ tục, vừa phải động viên, an ủi, vừa nghĩ cách chụp ảnh, lăn tay ngay trên giường mà vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, nghiệp vụ.
Éo le hơn cả là trường hợp anh Vũ Văn Ước, vừa là con liệt sỹ, cháu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, ở xã Hùng Tiến, nhưng lại bị tâm thần. Phối hợp cùng với người thân trong gia đình, các chiến sỹ công an đã hoàn thành nhiệm vụ trong sự biết ơn, sẻ chia, thương cảm.
Theo Trung tá Nguyễn Kiên Cường-Đội trưởng Đội cảnh sát quản lý hành chính về TTXH cho biết: Chỉ trong hai ngày nghỉ là thứ 7, chủ nhật là 27, 28-7, CBCS công an huyện đã cấp lưu động 36 căn cước công dân, trong đó có 6 đồng chí thương binh, một con liệt sỹ, 3 người khuyết tật và 7 người già yếu tại hai xã Vĩnh Phong, Vĩnh Tiến, còn lại là cấp tại UBND xã.
Làm cả ngày nghỉ, vượt đường sá xa xôi, nắng nóng nhưng khi thấy cụ Đào Thị Rạng, 106 tuổi, ở Đại Nỗ 1, xã Hùng Tiến rưng rưng nhận chiếc căn cước của mình cũng khiến CBCS làm nhiệm vụ thấy ấm áp, nhẹ lòng bởi đổi lại những vất vả, nhọc nhằn thì đã góp phần làm cho dân vui, dân tin yêu.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Kiên Cường thì cùng với việc phục vụ các đối tượng, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thì trong hai tháng 4,5-2019 vừa qua, công an huyện cũng làm nhiệm vụ cả ngày thứ 7, chủ nhật để thực hiện cấp căn cước công dân cho 211 cháu học sinh trên địa bàn, đảm bảo nhanh, kịp thời phục vụ các kỳ thi.
Sắp tới công an huyện cũng sẽ tiếp công dân lưu động ở xã Trấn Dương-địa bàn cách xa nhất, khoảng 17 cây số tính từ trung tâm huyện Vĩnh Bảo.
Gần dân, sát dân, tăng cường nhiều việc tốt phục vụ nhân dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an trong lòng nhân dân.
Kim Oanh
14:01 21/12/2024
12:29 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết