09:15 24/07/2020 Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản (KTTS) và lắp đặp thiết bị giám sát hành trình là 2 trong số những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng trong hành trình nỗ lực gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận mà Hải Phòng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) theo khuyến cáo của EC, thì hiện nhiệm vụ này của ngành thủy sản thành phố đang vấp phải không ít khó khăn, bất cập xét ở cả hai phương diện chủ quan và khách quan. Nhất là trong công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản (KTTS) và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản – Sở NN&PTNT thành phố, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 1.191 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Trong đó, số tàu cá đã được cấp mới, cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định chỉ đạt 54,5% (có 649/1.191 tàu); 45,5% tàu cá còn lại (542 tàu cá) chưa được cấp Giấy phép. Cùng với đó là thực trạng công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá còn chậm so lộ trình quy định. Hiện, toàn thành phố mới có 264/419 tàu cá hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS); 155 tàu cá còn lại chưa lắp, chiếm 37%.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, tồn tại, hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản thành phố chia sẻ: Trong quá trình triển khai Luật Thủy sản năm 2017, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có nhiều điểm mới, địa phương vấp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định liên quan đến các quy định về: máy trưởng, thợ máy trên tàu cá, yêu cầu kỹ thuật kiểm tra an toàn máy chủ đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá; điều kiện của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá vỏ gỗ…, do Luật chưa được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đã vậy, nhiều tàu cá lắp máy bộ, trôi nổi, không có chứng nhận xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nồng độ khí thải vượt quá giới hạn cho phép… nên không đủ điều kiện đăng kiểm, đăng ký, cấp giấy phép khai thác. Một số tàu cá hoạt động không hiệu quả, thiếu lao động, neo đậu tại bến không đi khai thác thủy sản nên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chưa gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Một số ngư dân có tâm lý trông chờ vào cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên chưa tiến hành lắp đặt. Một bộ phận ngư dân khác khi đi khai thác đã cho tàu neo đậu tại các địa phương khác không về Hải Phòng. Xét ở phương diện khác, do một số cảng cá của Hải Phòng hiện nay có luồng tàu bị bồi lắng, tàu cá ngư dân ra vào cảng phụ thuộc vào con nước, đã gây khó khăn cho công tác hậu cần nghề cá, bốc dỡ thủy sản nên ngư dân không về cảng địa phương cư trú để neo đậu… Tất cả các yếu tố trên khiến cho công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; cũng như việc kiểm tra, kiểm soát, thống kê tàu cá của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá gặp rất nhiều khó khăn…
Để khắc phục tình trạng trên, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; tuần tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU, thành phố cần đẩy mạnh triển khai đề án điều tra, đánh giá nguồn lợi, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thân thiện với môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn thành phố. Đồng thời ban hành quy định quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường đầu tư công, bố trí kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng các cảng cá, nạo vét, khơi thông các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đề nghị thành phố sớm công bố mở Cảng cá Trân Châu, hoàn thiện hồ sơ mở Cảng cá Ngọc Hải.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần quan tâm bố trí nguồn lực để Hải Phòng hoàn thành việc xây dựng Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất cho hệ thống cảng cá hiện có đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy định của Luật Thủy sản đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu tàu cá của thành phố, các tỉnh bạn ra - vào hoạt động bốc dỡ, dịch vụ hậu cần thủy sản. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý thủy sản thành phố; cử đoàn công tác về kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp…
Khánh Chi
Công an quận Kiến An tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Ngọc Vinh về tội Gây rối trật tự công cộng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: 7 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video clip “nhạy cảm” để tống tiền
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão