12:52 13/07/2024
Chỉ gần 2 tháng nữa, năm học 2024 - 2025 chính thức bắt đầu. Với tâm lý lo lắng con không theo kịp chương trình, thời điểm này, nhiều bậc cha mẹ có trẻ sắp vào lớp 1 đang sốt sắng tìm các lớp tiền Tiểu học, rèn chữ, học toán cho con.
Chi tiền triệu vì lo con thua thiệt
Cuối tháng 5 vừa qua, khi con gái vừa chia tay trường Mầm non, chị Nguyễn Thu Thảo, ở phường An Biên (quận Lê Chân) đã mau chóng tìm lớp dạy 2 môn: Toán, Tiếng Việt lớp 1 để con học trong 3 tháng hè.
Chị Thảo bày tỏ: Cùng sinh năm 2018, song con của bạn bè chị đã biết đánh vần và làm phép tính trong phạm vi 100. Trong khi đó, con chị chưa thuộc hết bảng chữ cái. Bởi vậy, chị coi khóa “tiền Tiểu học” trong 40 ngày cho con ở phố Nguyễn Tường Loan (quận Lê Chân) với học phí gần 4 triệu đồng là một “cứu cánh”.
Tương tự chị Thảo, hiện nhiều bậc cha mẹ có nhu cầu cho con đi học thêm càng sớm, càng tốt với một số lý do phổ biến, đó là: Hy vọng con sẽ “nhàn” hơn khi vào lớp 1; bắt kịp chương trình cô giáo dạy trên lớp để không bị đuối so với các bạn.
Anh Phạm Văn Sơn, ở phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) cho biết: Ngày càng có nhiều các cháu học chữ trước khi vào lớp 1 nên anh lo rằng nếu con trai chỉ theo học lớp mẫu giáo hè thông thường sẽ không thể theo kịp các bạn. Do đó, hằng ngày, từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút, anh lại đưa con trai sang nhà bà giáo về hưu gần nhà tập viết, đánh vần. Để con tiến bộ nhanh, vợ chồng anh cũng dành thời gian kèm con luyện chữ.
Đáng nói nữa thời điểm này, trên trang mạng xã hội, một số nhóm như: “Giáo viên tiền Tiểu học”, “Lớp tiền Tiểu học”, “Luyện viết chữ đẹp Hải Phòng”… và ở các trang thông tin cá nhân, rất nhiều phụ huynh tìm lớp dạy tiền Tiểu học cho con. Có cầu ắt có cung, nhiều cơ sở giáo dục tư nhân tung ra các khóa học chữ cho trẻ với học phí giao động từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng/ca học 2 tiếng, tùy số lượng học sinh cũng như cách thức dạy và học. Nếu giáo viên đến nhà dạy trực tiếp thì học phí sẽ cao hơn so với học theo lớp, theo nhóm.
Một số giáo viên dạy chương trình Tiểu học trên địa bàn thành phố cho biết: Hiện, nhiều bậc cha mẹ học sinh chưa hiểu đúng về lớp tiền Tiểu học nên chạy đôn, chạy đáo tìm giáo viên, tìm lớp học. Trong khi đó, ý nghĩa của các hoạt động giáo dục tiền Tiểu học là giúp trẻ 5 tuổi có tinh thần tốt trước khi vào lớp 1, tập phục vụ, chăm sóc bản thân, làm quen với mặt chữ, con số qua phương pháp học bằng chơi - chơi bằng học…, mà không phải từ việc dạy trước bài trong sách giáo khoa cho trẻ.
Mặt khác, nếu được dạy không đúng phương pháp, chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì trẻ có thể gặp một số vấn đề khó gỡ khi vào lớp 1 như sai tư thế ngồi học, cách cầm bút, phát âm không chuẩn hoặc giảm hứng thú tìm hiểu bài học…
Chú trọng rèn kỹ năng
Trên thực tế, tâm lý sợ trẻ khó bắt kịp chương trình học, hoang mang với việc con sắp vào lớp 1 của nhiều bậc cha mẹ là điều dễ hiểu. Song, làm thế nào để trẻ có “hành trang” cần thiết để hòa nhập với môi trường Tiểu học mới là điều các bậc cha mẹ nên tìm hiểu và lắng nghe tư vấn của nhà trường, các chuyên gia giáo dục.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên dạy lớp 1, có những trẻ mới vào lớp đã biết đọc, biết viết, song lại thiếu hụt kỹ năng sống cơ bản, như không thể tự vệ sinh cá nhân, khó thích nghi với môi trường học tập mới.
Theo cô Dương Thị Phương Hảo, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao sáng 4 (quận Ngô Quyền): Mái trường Tiểu học khác nhiều so với bậc học mầm non, khi không còn nhiều đồ chơi, không được cô giáo kề cạnh hỗ trợ mọi nơi, mọi lúc. Lớp 1 là thời điểm trẻ bắt đầu tự lập trong học tập và sinh hoạt.
Bởi vậy, với trẻ từ 5 tuổi, hằng ngày, giáo viên luôn rèn cho các con nền nếp lớp học, cách giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; cũng như dạy trẻ tự rửa mặt, rửa tay, thay quần áo đúng cách và sắp xếp học cụ, cặp sách, đồ chơi gọn gàng, đúng nơi quy định. Thời gian trẻ 5 tuổi tham gia các hoạt động học tập cũng nhiều hơn để các con dần làm quen, thích nghi với những tiết học ở lớp 1…
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục mầm non thường phối hợp các bậc phụ huynh trong chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1; cũng như tổ chức những buổi trải nghiệm “Tham quan trường Tiểu học” để trẻ được giới thiệu những điểm khác nhau giữa trường mầm non và trường Tiểu học, quan sát các phòng học và anh, chị lớp trên học tập... Từ những hoạt động gần gũi và thiết thực như vậy, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú, không bị bỡ ngỡ, choáng ngợp khi bước vào môi trường học tập mới.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm học, các trường Mầm non thường xác định rõ kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ chuẩn bị “tốt nghiệp” lớp 5 tuổi, trong đó xây dựng nhiều chủ đề gần gũi như “Gia đình”, “Trường Mầm non”, “Nghề nghiệp”, “Động vật”… để lồng ghép các bài tập đơn giản, như nối hình với số, làm quen bảng chữ cái, số đếm, hình khối; qua đó trẻ được tiếp cận và ghi nhớ bài học một cách tự nhiên.
Hằng năm, trong các văn bản tuyển sinh đầu cấp, Sở Giáo dục- Đào tạo luôn nhấn mạnh và yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ. Hiện, với khối lớp 1, mục tiêu giáo dục đặt ra là trẻ đọc thông, viết thạo, bởi vậy, hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông mới tăng thời lượng học môn Tiếng Việt. Trên cơ sở đó, trẻ không cần phải đi học thêm trước, mà bố mẹ nên dành thời gian, sự quan tâm để dạy con các kỹ năng mềm và giúp trẻ có một tâm thế tốt để sẵn sàng vào lớp 1.
PHƯƠNG LINH
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh