10:49 29/07/2018 Hải Phòng là thành phố tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp với rất nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất. Nêú các đơn vị, doanh nghiệp có thể chủ động đề ra biện pháp mạnh trong phòng ngừa cháy nổ, việc giảm thiểu tác hại là rất lớn...
Theo Cảnh sát PCCC thành phố: hầu hết tất cả các đơn vị đang sản xuất, kinh doanh hóa chất đều hiểu rất rõ đây là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ và an toàn lao động. Vì thế, vấn đề phòng chống cháy nổ tại những nơi này luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, sự cố vẫn có thể xảy ra.
Điển hình như ngày 16-3-2016, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn hóa chất S.G ở lô CN17, đường D1, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, tỉnh Bình Dương đã xảy ra cháy lớn. Do bên trong nhà xưởng Công ty chứa rất nhiều hóa chất nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát. Dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động 25 xe chữa cháy với tổng số trên 100 CBCS tham gia. Nhưng trong khoảng 1 giờ, toàn bộ khu nhà xưởng đã bị đổ sập, cháy tan hoang, may mắn không có thiệt hại về người.
Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hóa chất
Trên thực tế, tại Hải Phòng cũng đã xảy ra vụ cháy hoá chất. Vào ngày 27-11-2015, tàu Contship Ace quốc tịch Cộng hoà Cyprus có 20 container chứa 480 tấn phốt pho, đang bốc hàng tại cảng Nam Hải, số 173 đường Ngô Quyền thì 1 container chứa phốt pho bốc cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã phải rất vất vả trong nhiều giờ liền để dập đám cháy. Dập tắt đám cháy, bảo vệ an toàn con tàu và số lượng hàng hoá trị giá hàng ngàn tỷ đồng, hơn 50 CBCS bị nhiễm khói độc. Hiệu quả lớn nhất là ngăn chặn được vụ cháy nổ có thể gây nhiễm độc cho cả một vùng dân cư rộng lớn của thành phố.
Một vấn đề rất đáng quan ngại là các loại hóa chất dù được bảo quản nghiêm ngặt đến đâu vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Đầu tiên bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ trong việc phòng ngừa của người đứng đầu cơ sở. Tiếp đến, các nhân viên làm những việc liên quan trực tiếp tới hóa chất chưa có nghiệp vụ PCCC, cứu nạn cứu hộ; việc thiếu trang thiết bị, phương tiện cần thiết để xử lý khi có tai nạn cháy, nổ, sự cố hóa chất xảy ra.
Ai cũng rõ, hỏa hoạn liên quan đến hóa chất là rất nguy hiểm. Những chất lỏng dễ cháy như xăng dầu và các dung môi dễ bay hơi trong sản phẩm công nghiệp, như: sơn, mực in, chất kết dính, chất lỏng làm sạch… có thể bắt cháy hoặc phát nổ khi gặp nguồn nhiệt trong một điều kiện nhất định, đặc biệt khi có sự bất cẩn hoặc mất an toàn trong sản xuất. Do đó, khi để xảy ra cháy nổ liên quan đến hóa chất thì hậu quả khôn lường.
Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hóa chất
Nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hóa chất, Cảnh sát PCCC thành phố kiến nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cần phải thực hiện tốt những giải pháp phòng ngừa. Đó là: bố trí vị trí cơ sở phải xem xét hướng gió chủ đạo và các vị trí này phải đặt ở cuối hướng gió, cách xa nguồn nước, khu dân cư, xung quanh phải có hàng rào bảo vệ, bên ngoài phải có biển cấm lửa, cấm hút thuốc.
Mặt khác, các đơn vị, doanh nghiệp cần lắp đặt hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và trang bị phương tiện chữa cháy hóa chất, chú ý đến phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc.
Việc trang bị các thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất, cơ sở phải cẩn trọng tính toán tới độ bền cơ học, hóa học, chịu lửa, chịu nhiệt, độ kín theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.Đặc biệt, thiết bị trong khu vực có hóa chất phải là loại an toàn phòng chống cháy, nổ. Khi hoạt động phải có biện pháp đảm bảo không phát sinh tia lửa.
Xe vận chuyển hóa chất lỏng dễ cháy phải có dây tiếp đất và có biển cấm lửa. Trên đường vận chuyển hóa chất nguy hiểm, không được đỗ dừng phương tiện ở nơi công cộng đông người. Đối với hóa chất nguy hiểm, lúc vận chuyển không được dừng, đỗ nơi phát sinh ra nguồn nhiệt, không được đỗ lâu dưới trời nắng...
Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn hóa chất
Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng ngọn lửa trần hoặc mang vật có thể phát lửa tại các vị trí có để hóa chất hoặc nguyên liệu dễ cháy, nổ. Trước khi thực hiện chữa cháy phải xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng bao bì, khối lượng hóa chất có tại cơ sở. Tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hóa chất trong cơ sở đối với các loại hóa chất kỵ nước.
Song song với sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố, để công tác này thực sự thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố với các ngành chức năng và doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC, tăng cường công tác kiểm tra để chủ động phát hiện, xử lý các sự cố…; thường xuyên phối hợp tổ chức diễn tập các phương án xử lý các tình huống cháy nổ hoá chất quy mô lớn...
Cùng với đó, cần chú trọng việc đào tạo huấn luyện nghiệp vụ và trang bị dụng cụ, phương tiện cho các lực lượng tiếp xúc trực tiếp với hoá chất, lực lượng tham gia chữa cháy, CNCH và ứng cứu các sự cố về cháy nổ hoá chất.
MINH PHƯƠNG
14:01 21/12/2024
12:29 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết