11:52 30/03/2019 Những tháng đầu năm 2019, thị trường chứng kiến sự tăng giá nhóm những mặt hàng thuộc diện nhạy cảm nhất, lần lượt là gas, xăng và điện. Điều đáng nói là, cả ba mặt hàng này đều thuộc nguồn năng lượng, đều có vai trò là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh mà thị trường tự do không thể tự chủ kiểm soát theo quy luật cung cầu...
Cảng nhập khẩu khí hóa lỏng tại Đình Vũ (Hải Phòng)
Khúc giao hưởng “hoàn hảo”
Đầu tiên phải kể đến mặt hàng gas, với đợt tăng gần đây nhất cũng là cao nhất lên tới 1.500 đồng/kg. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 3 lần tăng liên tiếp, và hiện được bán bình quân 350.000 đồng/bình12kg.
Tiếp đó, ngày 2-3 vừa qua giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Dù diễn biến giá xăng dầu có thể nói là khá dễ chịu, với một lần điều chỉnh giảm vào ngày 1-1 và một lần tăng nhẹ vào ngày 31-1, tuy nhiên do đợt tăng gần đây với cường độ khá cao, nên không khỏi tạo áp lực tâm lý.
Cụ thể đợt điều chỉnh tăng này với xăng E5RON92 là 939 đồng/lít; xăng RON95-III là 946 đồng/lít; dầu diesel 0.05S là 959 đồng/lít; dầu hỏa là 700 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S là 808 đồng/kg. Điều đáng lưu ý là, tại thời điểm này giá dầu trên thị trường thế giới đang tiếp tục tăng và có dấu hiệu bất ổn nguồn cung. Vì vậy, dù mới đây các ngành chức năng trong nước đã quyết định giữ nguyên giá xăng dầu trong nước, nhưng trong bối cảnh hội nhập thì diễn biến thị trường cũng rất khó lường.
Mặt hàng thứ ba dù không phải năng lượng gốc dầu, nhưng thuộc diện hàng hóa đặc biệt thiết yếu là điện, vừa được tăng từ ngày 20-3 vừa qua. Theo đó Bộ Công thương chính thức áp giá điện mới, với mức bán lẻ bình quân tăng 8,36%, từ 1.720 đồng lên 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), đây là đợt điều chỉnh tăng lần thứ hai trong vòng hơn một năm qua (kể từ tháng 12-2017).
Theo lý giải của cơ quan quản lý, đề xuất tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.
Có thể nói, 3 tháng đầu năm 2019 chứng kiến sự tăng giá của 3 mặt hàng năng lượng, cũng là thiết yếu bậc nhất trong các loại hàng thiết yếu, được coi là khúc giao hưởng “hoàn hảo” nhưng mang tính tiêu cực với thị trường hàng hóa nói chung. Bởi lẽ cả 3 mặt hàng này đều tác động đến hạch toán chi phí đầu vào của hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ và sinh hoạt tiêu dùng.
Giá điện tăng sẽ tác động đến nhiều ngành sản xuất
Tầm tác động của xăng dầu và gas
Thị trường Hải Phòng hiện cơ bản đang lưu hành hai loại bình gas, trong đó bình 12kg là phổ biến nhất cho sinh hoạt, còn bình 48kg chủ yếu dành cho nhu cầu công nghiệp hoặc những nhà ăn lớn. Đối với sinh hoạt, hiện người dân có nhiều lựa chọn nhưng bếp gas vẫn là vật dụng không thể thiếu với hầu hết các gia đình, bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ người dân dùng bình đun nước nóng bằng gas.
Theo tính toán của ông Nguyễn Hoàng H. ở ngõ 46/Lạch Tray, thì với hai dụng cụ nêu trên, bình quân mỗi bình gas gia đình ông sử dụng trong 1,5 tháng, mức chênh lệch tăng mấy chục nghìn đồng/tháng tưởng không lớn, nhưng cộng dồn các chi phí sinh hoạt khác mới thấy không phải là chuyện nhỏ.
Trong khi đó, nhu cầu dùng gas để sản xuất kinh doanh cũng trở thành phổ biến. Những năm gần đây, để đảm bảo môi trường nên cơ bản các nhà máy có sử dụng lò hơi trên địa bàn thành phố đã chuyển sang nhiên liệu gas thay cho dầu và than trước đó. Vì vậy việc giá gas tăng mạnh trong 3 tháng qua đã góp phần đội chi phí giá thành sản phẩm. Còn trên mảng dịch vụ, nhiều nhà hàng cũng buộc phải tính thêm phí vào các món ăn của thực khách, cũng chỉ vì lý do này.
Tương tự như vậy, xăng không chỉ tác động trực tiếp đến chi phí giá thành hàng hóa khác, mà còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn gas rất nhiều. Chỉ tính riêng về sinh hoạt, với hơn một triệu chiếc xe máy và ô tô cá nhân đang được người dân thành phố lưu hành, nếu mỗi phương tiện chỉ phát sinh thêm chi phí 1.000 đồng/ngày, thì số tiền gia tăng đã lên tới hàng tỷ đồng.
Còn trên lĩnh vực kinh doanh, một cán bộ của hãng taxi cho biết, doanh nghiệp ông hiện có 150 đầu xe, tiêu thụ bình quân 2.000 lít xăng mỗi ngày. Như vậy với giá mới doanh nghiệp sẽ phải chi phí phát sinh bình quân 60 triệu đồng/tháng.
Cũng theo quan điểm này, chia sẻ của một chủ doanh nghiệp vận tải container cho thấy, hiện chi phí mỗi chuyến hàng từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội vừa đi vừa về tiêu hao khoảng 150 lít dầu, như vậy cước vận chuyển sẽ đội thêm gần 150 nghìn đồng do giá dầu cũng tăng mạnh trong đợt này. Điều đáng chú ý là, đối với một thành phố có hệ thống vận tải lớn như Hải Phòng, nhất là đường thủy và đường bộ, thì giá dầu tăng mới thực sự là nỗi lo lớn cho thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải
Lo nhất là giá điện
Tuy nhiên việc giá xăng dầu và gas được điều chỉnh theo lộ trình hàng tháng những năm gần đây đã phần nào giảm bớt nỗi lo của người dân và doanh nghiệp. Vì diễn biến của nhóm hàng này luôn vận động theo thị trường thế giới, với hành lang thông tin rộng như hiện nay, mọi dự báo đều được chủ động.
Việc tăng giá điện thì khỏi phải bàn, bởi đây là mặt hàng có tầm ảnh hưởng mà thiếu nó thì cả sản xuất, kinh doanh đến sinh hoạt cơ bản là đình trệ. So với xăng dầu và gas, giá điện ít được điều chỉnh, nhưng điểm khác là giá điện chỉ tăng chứ chưa khi nào giảm, hơn nữa với cách tính “bán buôn đắt hơn bán lẻ” theo 6 bậc thang của ngành điện hiện nay, chính là băn khoăn lớn của người tiêu dùng.
Ông N. một người dân ở ngõ Nam Pháp (Đằng Giang – Ngô Quyền) cho rằng, việc xác định nhu cầu tối thiểu của người dân chưa phản ánh đúng thực tế, bởi 50 “số điện”/tháng thực ra chỉ đủ dùng cho một chiếc quạt và thắp sáng một chiếc bóng điện bình thường. Trong khi đó, những thiết bị như nồi cơm điện, ti vi, quạt điện… so với mức sinh hoạt hiện nay thì nhà nghèo nào cũng có, chứ chưa nói đến nhà bình thường.
Thậm chí kể cả ngoại thành, những vật dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ… cũng không còn được coi là xa xỉ. Theo ông N., vào mùa hè trung bình gia đình ông phải trả 1,2 triệu đồng tiền điện/tháng, với những thiết bị hoàn toàn thiết yếu và bình thường để hỗ trợ tái tạo sức lao động, chi phí như vậy chiếm cơ cấu quá lớn so với tổng thu nhập của các gia đình.
Trước mắt, tác động của việc tăng giá xăng dầu chưa thực sự là nỗi lo của thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến mùa hè, thời tiết nắng nóng sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đây sẽ là áp lực đè nặng lên những gia đình có thu nhập khiêm tốn, vốn chiếm đa số hiện nay.
Nhìn từ góc độ xã hội, việc thực hành tiết kiệm quá mức khi sử dụng các thiết bị thiết yếu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Chưa kể đến ngành sản xuất, kinh doanh điện máy, vốn đã chìm sâu trong hoàn cảnh ảm đạm, sẽ thêm nỗi lo khi tiếp tục bị “thượng đế” quay lưng.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết