Chủ động giữ an toàn thực phẩm tết Nguyên đán

09:36 21/01/2022

Những ngày này, dù áp lực của dịch bệnh Covid-19 còn đè nặng, nhưng thị trường hàng hóa đã biểu hiện rất rõ không khí Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhưng cũng như mọi năm, vấn đề an toàn thực phẩm lại được đặt ra là một nhiệm vụ trọng tâm.

Thực phẩm mất an toàn bị lực lượng chức năng phát hiện thu giữ trên địa bàn huyện Kiến Thụy

Những năm qua,diễn biến thị trường tết Nguyên đán truyền thống luôn được Chính phủ và các địa phương quan tâm đặc biệt. Năm nào cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ đều có Công điện, chỉ đạo các địa phương quyết liệt với nhiệm vụ bình ổn giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… và an toàn thực phẩm.

Trên tinh thần ấy, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 284/KH-BCĐ, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thực tế cho thấy, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán truyền thống, mật độ các hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông cũng như sử dụng thực phẩm là rất lớn, diễn ra với mật độ dày trên toàn bộ các hệ thống: thị trường hàng hóa, dịch vụ ăn uống nhà hàng và đường phố, sinh hoạt tổ nhóm và sinh hoạt gia đình… Từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, một phần từ thói quen sinh hoạt, một phần là những hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông nhằm trục lợi.

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trên địa bàn thành phố có khoảng 24 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cường độ hoạt động của hệ thống này đã giảm đi đáng kể.

Đa số người dân đã ý thực được nguy cơ phát tán dịch bệnh từ những khu vực này nên đã bớt tham gia tụ họp đông người. Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ cũng gián đoạn, có thời điểm phải ngưng trệ hoạt động để phòng chống dịch, còn lại cũng hoạt động cầm chừng do vắng khách. Cường độ giảm, nên trong năm 2021 trên địa bàn thành phố chỉ có 3 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm hơn nhiều so với những năm trước.

Nhưng dù bất cứ tác động nào thì dịp Tết Nguyên đán luôn là thời điểm lưu lượng hàng hóa trao đổi, tập trung rất lớn, vấn đề bảo đảm ATTP càng trở thành nan giải, mà tết Tân Sửu 2021 vừa qua là một ví dụ.

Điều quan trọng là, nhiều sản phẩm mang tính đặc thù chỉ tiêu thụ mạnh trong dịp tết như mứt các loại và một số món chế biến truyền thống khác, cùng với những loại luôn có mức tiêu thụ cao như rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, thịt gia súc – gia cầm, thủy sản, rau xanh… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, chưa kể khi sản phẩm còn bị làm giả hoặc bảo quản không đúng quy chuẩn.

Trở lại với việc triển khai Kế hoạch số 284/KH-BCĐ, Ủy ban Nhân dân thành phố đã Quyết định thành lập các đoàn kiểm tra đối việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở thực phẩm.

Cụ thể là 3 đoàn kiểm tra lãnh đạo 3 Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh; nhập khẩu thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhập khẩu thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán; hoạt động sản xuất và chế biến thực phẩm…

Điều đáng lưu ý là, càng gần đến tết hoạt động của thị trường thực phẩm càng nhộn nhịp. Những ngày gần đây giá bán hều hết các loại thực phẩm bao gồm cả tươi sống và chế biến công nghệ, cả ở khu vực chợ truyền thống và các siêu thị trên địa bàn thành phố đều tăng khá mạnh.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cơ sở tận dụng cơ hội để trục lợi, mà vụ việc tích trữ hàng tấn sản phẩm từ lợn thịt nhiễm dịch tả châu Phi mới được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện trên địa bàn huyện Kiến Thụy chỉ là một ví dụ.

Trong khi đó, do cơ chế cộng quản nên việc kiểm soát quá trình từ nuôi trồng, nguồn nguyên liệu đầu vào, đến sản xuất, lưu thông và phân phối ra thị trường còn bộc lộ không ít bất cập. Nếu thị trường không giữ được ổn định, rất dễ tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm lợi dụng để trực lợi.

Lẽ tất nhiên, trong quá trình kiểm tra, các hành vi vi phạm (nếu có) sẽ được xử lý theo quy định của Pháp luật. Nhưng điều đáng nói là, thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 năm nay diễn ra giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, rất có thể các hoạt động cộng đồng sẽ phải hạn chế từ cả quy định lẫn tâm lý tự giác của người dân.

Điều này cũng là cơ hội để các hoạt động cung cấp trên thị trường mạng hoạt động tốt hơn, nhưng việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm trên kênh phân phối online hiện dường như vẫn còn để ngỏ?

Thực tế cũng cho thấy, thị trường Tết Nguyên đán là tổng thể của nhiều lĩnh vực quản lý, mà hầu như lĩnh vực nào cũng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Ngoài lĩnh vực ATTP, còn những nguy cơ bất ổn về cung cầu, về giá, về trật tự an toàn… đòi hỏi sự vào cuộc luôn phải quyết liệt và đồng bộ.

Vẫn biết công tác quản lý đối với thị trường trên diện rộng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, nhưng hy vọng rằng, với trách nhiệm vì một cái tết an toàn, lành mạnh, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm cao của các cấp ban ngành và các địa phương.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông