16:18 07/01/2022 Theo tập quán, dịp tết Nguyên đán truyền thống bắt đầu từ ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp hàng năm), cũng là thời điểm thị trường hàng hóa bắt đầu biến động mạnh. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dù thời gian đến tết chỉ còn tính bằng ngày, nhưng thị trường chưa xuất hiện dấu hiệu nhộn nhịp. Tuy nhiên, sự phẳng lặng càng khó dự báo, thì càng tiềm ẩn những biến động về thị trường, nhất là những tác động do dịch bệnh Covid-19 mang lại.
Chủ động nguồn hàng sẽ giúp cân đối cung cầu thị trường dịp tết Nguyên đán truyền thống
Đây là năm thứ hai người dân Hải Phòng cũng như cả nước chuẩn bị đón tết truyền thống trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động cộng đồng bị ngưng trệ hoặc gián đoạn, tác động không nhỏ đến thị trường. Mặc dù vậy, theo dự báo của những người có kinh nghiệm, thì trong hoàn cảnh nào thị trường dịp tết Nguyên đán cũng sôi động hơn các thời điểm khác trong năm.
Chính vì vậy những năm qua, diễn biến thị trường tết Nguyên đán luôn được Chính phủ và các địa phương quan tâm đặc biệt. Dường như không năm nào Thủ tướng Chính phủ không có Chỉ thị, chỉ đạo các địa phương quyết liệt với nhiệm vụ bình ổn giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và an toàn thực phẩm.
Năm nay cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Điểm nhấn được đề cập đầu tiên trong nội dung Chỉ thị 35 là chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu nhất để đảm bảo sự bình ổn của cộng đồng, xã hội trong dịp tết Nguyên đán. Tiếp ngay sau đó, là nội dung chỉ đạo chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Theo Chỉ thị 35, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.
Bên cạnh đó phải chủ động can thiệp, xử lý các biến động bất thường của thị trường. Phối hợp với địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Chỉ thị 35, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.
Trong trường hợp cần thiết, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá những vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định nhằm bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là tại các vùng xảy ra thiên tai, bão lũ, khu vực có dịch Covid-19 áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, không để người dân bị thiếu đói.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; có các phương án chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để ổn định sản xuất; chỉ đạo các địa phương kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ kịp thời hạt giống cây trồng, vaccine, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định cho các địa phương để nhanh chóng phục hồi sản xuất, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Như vậy, so với nội dung chỉ đạo của những năm trước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ năm nay về công tác bình ổn thị trường dịp tết Nguyên đán, hầu như ở nội dung nào cũng đề cập đến tác động của dịch bệnh Covid-19. Cho thấy hệ lụy vô cùng tiêu cực đối với thị trường nếu không kiểm soát được dịch bệnh, mà điều này đã được minh chứng trong đợt bùng phát dịch thứ tư trên địa bàn cả nước.
Khi các biện pháp pháp phòng, chống dịch bệnh triển khai quyết liệt trên diện rộng, nhưng thiếu đồng bộ hoặc không lường hết hậu quả, đã dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng, lưu thông gián đoạn, nguồn cung ứ đọng, nguồn cầu hụt hẫng, nhất là ở khu vực phía Nam mấy tháng trước đây.
Đối với Hải Phòng, nhìn lại thời điểm tết Tân Sửu 2021, cách đây đúng một năm khi dịch bệnh xuất hiện và lây lan ở Hải Dương, Quảng Ninh, tiếp đó là những ca bệnh đầu tiên của Hải Phòng. Quá trình thắt chặt giao thương giữa các địa phương cũng đã tạo ra những biến động đáng kể về cung – cầu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thực phẩm mà Hải Phòng chịu sự chi phối tương đối lớn từ các vùng sản xuất tại Hải Dương.
Đơn cử như dịp cúng ông Táo năm ngoái, Hải Phòng thiếu trầm trọng rau củ quả và thịt các loại, khi nguồn cung từ Hải Dương bị gián đoạn. Trong ngày 23 tháng Chạp (ngày 4-2-2021) tại thị trường Hải Phòng, giá rau xanh tăng gấp hơn hai lần, giá thịt lợn lên hơn 200 nghìn đồng/kg, tăng tương ứng từ trên 50% chỉ trong một phiên chợ.
Trước thềm tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác bình ổn thị trường. Mới đây nhất là Kế hoạch số 284/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022. Theo tinh thần này, UBND TP đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, do các ngành Y tế, Công thương và NN&PTNT chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan.
Vẫn biết công tác quản lý đối với tổng thể thị trường nói chung là một nhiệm vụ đầy khó khăn, như hy vọng rằng, vì một cái tết an toàn, lành mạnh cho cộng đồng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm cao của các cấp ban ngành và các địa phương.
Mặt khác, cần cả sự hợp tác của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, vì nếu doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, còn người tiêu dùng bất hợp tác, thì cơ quan chức năng có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể ngăn chặn hiệu quả nhiệm vụ bình ổn thị trường, trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết