Chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa

    20:23 20/02/2023

    Thời tiết giao mùa, khí hậu thay đổi thất thường tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ, tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh gây biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

    Đã vài ngày nay, con chị Nguyễn thị Hoa ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng ho không dứt. “Con ho không khạc được đờm ra nên ho thành nặng hơn, gia đình chỉ lo viêm phổi”. Bé chưa tròn 1 tuổi nên mỗi lần con ho, khóc rồi nôn khiến chị Hồng không khỏi xót xa.

    Thời tiết thất thường, sức đề kháng kém cộng với dịch bệnh ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân làm các bé dễ nhiễm bệnh. Như trường hợp của bé Gia Minh 10 tháng tuổi- con chị Nguyễn Thị Nhung ở phường Quán Trữ, quận Kiến An. “Con lây cúm sổ mũi, hắt hơi từ bố, cũng 10 ngày nay, 2 ngày sau thì bé bị ho, ho tăng dần lên, bây giờ là ho có đờm, cháu vào viện khám thì bác sĩ bảo bị viêm phổi, điều trị 7 ngày thì cháu được về nhà”- chị Nhung cho biết. Rời viện về nhà, chị Nhung cũng thấy “cám cảnh” khi hàng xóm quanh nhà cùng chung cảnh con ốm, con sốt.

    Thời gian qua có khá nhiều người mắc cúm B, người mắc Cúm B gây ra các triệu chứng rất khó chịu như sốt, ớn lạnh, viêm họng, ho, sổ mũi và hắt hơi, mệt mỏi, đau mỏi khắp người

    Hiện thời tiết miền Bắc đang thay đổi thất thường, đột ngột, lúc nóng, lúc lạnh. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp mà thường gặp nhất là cảm cúm. Cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa đến tính mạng con người.

    Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

    Theo các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết: Thời tiết thất thường là điều kiện dễ bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, đường tiêu hóa, như sởi, rubella, cúm, ho gà, quai bị, chân-tay-miệng, thủy đậu, tiêu chảy,... Thời gian qua có khá nhiều người mắc cúm B, người mắc Cúm B gây ra các triệu chứng rất khó chịu như sốt, ớn lạnh, viêm họng, ho, sổ mũi và hắt hơi, mệt mỏi, đau mỏi khắp người. Cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với những người có sức đề kháng yếu, có bệnh nền mạn tính. Ví dụ phụ nữ mang thai mắc cúm B có thể sinh non hoặc sảy thai. Trẻ em dưới 5 tuổi và người già mắc bệnh nền có thể bị biến chứng gây ra các bệnh liên quan đến tim, phổi, thận,... Người bị suy giảm miễn dịch nếu mắc cúm B có thể bị viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp... Nhiễm vi - rút Adeno Cúm B có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau như: mắt, đường hô hấp hay tiêu hóa,... Với các các cơ quan thuộc đường hô hấp, dễ bị nhất là viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi. Bệnh có thể khiến cho phổi bị tổn thương kéo dài, để là di chứng và nguy hiểm hơn có thể khiến cho người bệnh bị tử vong.

    Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Tính riêng trong tháng 1/2023 Hải Phòng ghi nhận 164 ca mắc bệnh cúm, tăng 12 ca so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A (H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

    Cúm tấn công cơ thể khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu, vì thế chúng ta cần có những biện pháp phù hợp để phòng tránh nhiễm bệnh này khi giao mùa. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và giữ ấm cơ thể. Che miệng khi hắt hơi. Nên rửa tay thường xuyên vì cảm cúm lây lan phần lớn qua sự giao tiếp, cầm nắm, việc rửa tay bằng nước và xà phòng theo kiểu truyền thống là phương pháp chống khuẩn tốt nhất. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối ấm loãng mỗi ngày, việc này có thể ngăn chặn viêm họng, ngăn ngừa vi khuẩn, virus cúm phát triển và nhiễm trùng phát sinh

    Đồng thời, ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng, nước Javel, cồn 70 độ… Ngoài ra, cần tăng cường các loại rau xanh, củ quả vào thực đơn hàng ngày. Bổ sung dinh dưỡng và cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo và các loại rau củ quả có chứa khoáng chất. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang. Người dân cần đến ngay cơ sở Y tế khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần dến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông