Chủ động phòng, chống bệnh thời điểm giao mùa

    09:40 04/11/2022

    Thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao khiến nhiều người không kịp thích nghi. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Để phòng, chống dịch bệnh thời điểm giao mùa, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, việc mỗi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình là rất cần thiết.

    Những biện pháp thiết thực

    Chị Đỗ Thị Hằng, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng chăm sóc con nhỏ hơn 9 tháng tuổi tại Bệnh viện Trẻ em Hải phòng chia sẻ: Thời tiết chuyển mùa lúc nóng, lúc lạnh khiến con tôi bị ho, sốt cao phải nhập viện điều trị. Các bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm phổi, được kịp thời chăm sóc, điều trị, cháu đã cắt sốt, sức khoẻ dần ổn định.

    Anh Nguyễn Văn Huy, tổ 2, phường Quán Trữ (quận Kiến An) điều trị ở Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Kiến An cho biết: Tôi thấy mệt mỏi, đi ngoài, sốt mê man và được người nhà đưa vào Bệnh viện Kiến An điều trị. Qua các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán tôi bị sốt xuất huyết. Sau 1 tuần điều trị, sức khoẻ của tôi đã dần ổn định.

    Ngành Y tế quận Ngô Quyền ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn

    Theo lãnh đạo Bệnh viện Kiến An, hiện là thời điểm giao mùa, vi rút phát triển mạnh, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hoá tăng cao. Số lượng bệnh nhân khám ở Khoa truyền nhiễm tăng khoảng từ 30 - 40%, trong đó có nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A, cúm B, sốt xuất huyết…

    Thời gian qua, có rất nhiều bệnh nhân nhiễm cúm đến khám và nhập viện, những bệnh nhân nhiễm cúm thể nhẹ Bệnh viện  hướng dẫn về điều trị, cách ly ở nhà theo chỉ dẫn.

    Đối với bệnh nhân cúm A, cúm B, Covid-19 nặng, sốt cao lâu ngày, nhất là bệnh nhân có bệnh lý nền thì cần đến khám, điều trị tại cơ sở y tế, không tự ý truyền dịch ở nhà, không tự mua kháng sinh không có chỉ dẫn của bác sỹ...

    Theo đại diện lãnh đạo ngành Y tế, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, hạn chế phát sinh dịch khi thời tiết giao mùa, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện thực hiện tốt công tác giám sát theo dõi tình hình sức khỏe trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm, không để các ổ dịch phát sinh và phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

    Đồng thời tăng thời lượng phát thanh trên hệ thống loa đài tại địa phương; thực hiện truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về dấu hiệu của bệnh và cách phòng chống các bệnh, như: Cúm lây từ gia cầm sang người, bệnh dại, sốt xuất huyết-zika, sốt rét, tay chân miệng, viêm não vi rút, sởi-rubella, ho gà và đặc biệt là bệnh Covid-19; Duy trì các đội chống dịch cơ động, đội đáp ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra.

     Ngoài ra, đơn vị cũng đã xây dựng các phương án, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Trên cơ sở đó các đơn vị y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở đã chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh khi giao mùa.

    Thực hiện khuyến cáo đầy đủ

    Trước nguy cơ dịch bệnh mùa thu - đông bùng phát mạnh, ngành Y tế thành phố có khuyến cáo người dân trong thời điểm thời tiết giao mùa hiện nay, ngoài sự chủ động vào cuộc của ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, tư vấn và điều trị, người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống và chủ động khám, thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh.

    Đồng thời, Ngành Y tế cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân để chủ động phòng, chống dịch; chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng; tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ, chuẩn bị nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác phòng dịch.

    Ngành Y tế cũng khuyến cáo: Để hạn chế các bệnh khi thời tiết giao mùa, cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý mỗi ngày. Bữa ăn hàng ngày tuân thủ nguyên tắc đủ 4 nhóm chất: Chất bột đường (gạo, bắp, khoai, các loại đậu...), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...) chất béo (mỡ, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, trái cây…) và uống đủ nước mỗi ngày.

    Ngoài ra, Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, độc hại và tránh các tác nhân gây bệnh.

    Hạn chế tiếp xúc với người bệnh; khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sử dụng các phương tiện phòng hộ và vệ sinh cá nhân sau khi tiếp xúc; vệ sinh tay thường xuyên.

    Mỗi người nên rửa tay với nước sạch và xà phòng là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả nhất. Luôn rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi, tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm…

    Nên che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu những bệnh liên quan đến đường hô hấp.

    Mỗi sáng hay sau khi ra đường về, nên xúc họng bằng nước muối ấm pha loãng. Cần xây dựng thói quen này và thực hiện đúng cách hàng ngày để bảo vệ sức khỏe…

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông